Xung đột với Nga chạm mốc mới, Ukraine có đủ sức lội ngược dòng?

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 6, 03/06/2022 14:57

Chuyên gia cho rằng nếu phương Tây làm được điều này thì quân Ukraine sẽ chặn được bước tiến của quân Nga trên tất cả các mặt trận và phản công.

Xung đột quân sự Nga - Ukraine chính thức tròn 100 ngày hôm 3/6, với việc các lực lượng Nga đang dồn lực đánh trận Donbass nhằm giành toàn quyền kiểm soát miền Đông Ukraine nơi phe ly khai thân Nga đang hoạt động.

Trước cột mốc quan trọng này, hôm 2/6, Kyiv tuyên bố Moscow hiện đang kiểm soát 20% lãnh thổ Ukraine, bao gồm Crimea và các phần của Donbass từ năm 2014.

Sau khi rút lui khỏi khu vực xung quanh thủ đô Kyiv, Quân đội của Tổng thống Vladimir Putin đặt mục tiêu đánh chiếm miền Đông Ukraine, báo hiệu rằng cuộc chiến có thể kéo dài.

Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 2/6 cũng cảnh báo, các đồng minh của Kyiv cần phải chuẩn bị cho giao tranh kéo dài và tiêu hao ở Ukraine, đồng thời nhắc lại rằng NATO không muốn đối đầu trực tiếp với Nga.

Thế giới - Xung đột với Nga chạm mốc mới, Ukraine có đủ sức lội ngược dòng?

Lực lượng thân Nga bắn đạn pháo về hướng Severodonetsk, tỉnh Lugansk, miền Đông Ukraine. Ảnh: The Guardian

Điều kiện cần và đủ cho Ukraine "lội ngược dòng"

Ukraine đang cố gắng cầm cự trước hỏa lực áp đảo của Nga ở mặt trận miền Đông trong khi chờ vũ khí phương Tây – thứ có thể mang lại cho họ một lợi thế cực kỳ cần thiết.

Tuy nhiên, khi giao tranh không ngừng tăng nhiệt, với việc quân Nga đang chiếm thế thượng phong, và sự chậm trễ trong việc phương Tây bàn giao vũ khí, các quan chức Ukraine lo ngại rằng hàng viện trợ có thể không đến nơi đủ nhanh.

Nhà Trắng hôm 1/6 đã công bố gói viện trợ an ninh bổ sung 700 triệu USD cho Ukraine, trong đó bao gồm cam kết chuyển giao các hệ thống pháo binh tên lửa cơ động cao (HIMARS) với tầm bắn đến 80 km.

Thực tế là chỉ có 4 hệ thống như vậy sẽ được chuyển giao và phải mất vài tuần đến cả tháng để binh sĩ Ukraine học cách sử dụng và bảo trì chúng, đấy là chưa kể thời gian cần thiết để người Mỹ gửi các hệ thống này cho người Ukraine.

Do đó, như The Guardian bình luận, HIMARS không phải là “viên đạn bạc” – một giải pháp dễ dàng và nhanh chóng cho vấn đề của Ukraine.

Ông Serhiy Haidai, Thống đốc Luhansk của phía Ukraine thừa nhận mọi sự có vẻ đã muộn khi thành phố quê hương ông là Severodonetsk đã bị tàn phá nặng nề trong cuộc tiến công của Nga trong những ngày gần đây.

“Các đối tác phương Tây đang giúp đỡ chúng tôi, nhưng số lượng vũ khí và đạn dược mà họ đang cung cấp là không đủ”, ông Haidai cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Thế giới - Xung đột với Nga chạm mốc mới, Ukraine có đủ sức lội ngược dòng? (Hình 2).

Quân nhân Ukraine đi tuần ở khu vực trong vòng kiểm soát của Ukraine ở Lysychansk, tỉnh Lugansk, Donbass. Ảnh: TRT World

Có ý kiến cho rằng phương Tây đã bỏ lỡ cơ hội tốt nhất của mình trong việc viện trợ vũ khí cho Ukraine.

“Tôi cho rằng phương Tây đã mắc một sai lầm lớn. Khoảng 6 tuần trước, khi người Nga rút lui (khỏi miền Bắc Ukraine), đó là lúc người Mỹ lẽ ra phải gửi HIMARS đến Ukraine”, Jamie Shea, một cựu quan chức cấp cao của NATO hiện đang làm việc tại tổ chức tư vấn Friends of Europe (Những người bạn của châu Âu) ở Brussels, nhận định.

Với nguyên nhân được cho là do các vấn đề về tiếp tế và hậu cần, người Nga đã buộc phải rút lui khỏi các vị trí xung quanh thủ đô Kyiv và các khu vực khác ở miền Bắc Ukraine từ hồi đầu tháng 4.

Nhưng trong những tuần gần đây, quân Nga đã đặt quân Ukraine vào thế lùi ở Donbass bằng cách tập trung hỏa lực áp đảo vào một mặt trận tương đối nhỏ.

Nga đang tiến chậm, chỉ 500-1.000 m mỗi ngày, trong khi về mặt lý thuyết con số này phải là hàng chục km, Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng phương Tây cho biết.

Theo vị quan chức này, việc tập trung vào pháo binh một phần là do tình trạng suy yếu của lực lượng mặt đất Nga, với hiệu quả chiến đấu chỉ đạt 50% tổng công suất. Vị quan chức này cũng ước tính rằng Moscow phải hứng chịu tổng số thương vong là hơn 40.000 quân.

Chiến thuật này cũng gây ra thiệt hại không ngừng cho các lực lượng Ukraine trên tiền tuyến, với con số ước tính do Chính phủ Ukraine công bố là 100 binh sĩ thiệt mạng và 450-500 binh sĩ khác bị thương mỗi ngày.

Cường độ của hỏa lực trên thực địa đang ngăn cản các lực lượng Ukraine luân chuyển, làm sâu sắc thêm mức độ mệt mỏi.

Mặc dù Ukraine đang gây ấn tượng với chiến thuật, chiến lược và cách tổ chức rất thông minh, tổn thất là không thể chối cãi, Joerg Forbrig, tại Quỹ Marshall Đức ở Berlin, nói.

"Người Nga có nhiều thứ để đổ vào cuộc chiến này hơn những gì người Ukraine có", ông Forbrig nhận định.

Thế giới - Xung đột với Nga chạm mốc mới, Ukraine có đủ sức lội ngược dòng? (Hình 3).

Cây cầu bắc qua sông Siverskiy Donets, nối thành phố Lysychansk với thành phố Severodonetsk ở vùng Donbasd, miền đông Ukraine, đã bị hủy hoại trong cuộc xung đột với Nga. Ảnh: Getty Images

Theo các nhà phân tích quân sự, hai yếu tố có khả năng quyết định sự thành công của nỗ lực viện trợ của phương Tây: tốc độ và số lượng.

"Chúng tôi đã nhận được khoảng 100 khẩu pháo từ Mỹ và gần như tất cả đều đang ở Ukraine, nhưng vấn đề là chúng tôi cần số lượng vũ khí như vậy nhiều hơn ít nhất gấp 5 lần để ít nhất đảm bảo cân bằng hỏa lực" ở miền Đông, Serhiy Zgurets, người đứng đầu bộ phận tư vấn chính sách của Defense Express có trụ sở tại Kyiv, cho biết.

Có thể mất tới 4 tuần để vũ khí đi vào hoạt động, bao gồm cả thời gian vận chuyển và huấn luyện. Ngần đó thời gian là quá đủ để Nga đi trước trong việc tăng cường các hoạt động.

"Giả sử Ukraine liên tục nhận được các loại vũ khí mà nước này yêu cầu... với số lượng và chủng loại không ngừng gia tăng... điều này có thể giúp Ukraine chặn bước tiến của quân Nga trên tất cả các mặt trận và sẽ tạo điều kiện để họ phản công vào tháng 8 hoặc tháng 9", Oleksandr Musiyenko, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Quân sự và Pháp lý của Ukraine, nhận định.

Hải quân Nga bắt đầu cuộc tập trận kéo dài một tuần

Hạm đội Thái Bình Dương Nga đã phát động một loạt các cuộc tập trận kéo dài một tuần với hơn 40 tàu và 20 máy bay tham gia, các hãng thông tấn Nga dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm 2/6.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: Các cuộc tập trận, diễn ra trong khoảng thời gian 3-10/6, sẽ có sự tham gia của "các nhóm tàu cùng với lực lượng hàng không hải quân tham gia hoạt động tìm kiếm tàu ngầm (đối phương)".

Các cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã kéo dài sang tháng thứ tư.

Ukraine nằm cách nơi diễn ra các cuộc tập trận ở Thái Bình Dương hàng nghìn km về phía Tây.

Thế giới - Xung đột với Nga chạm mốc mới, Ukraine có đủ sức lội ngược dòng? (Hình 4).

Tàu Marshal Krylov - tổ hợp trinh sát và đo lường quân sự, Hạm đội Thái Bình Dương Nga. Ảnh: TASS

Bộ Quốc phòng Nga hôm 2/6 cũng thông báo về các cuộc không kích do Quân đội Nga thực hiện ở Ukraine đêm hôm trước.

Các đơn vị hàng không Nga đã bắn hạ một trong các máy bay chiến đấu Su-25 của Ukraine, trong khi hệ thống phòng không đã hạ được 7 máy bay không người lái (UAV), người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết.

Ngoài ra, 615 nơi tập trung nhân lực và thiết bị quân sự, hơn 131 điểm chỉ huy, một số kho nhiên liệu, và 146 khẩu đội pháo và súng cối ở các vị trí khai hỏa đã bị quân Nga tập kích trong đêm hôm 1/6, ông nói.

Hàng không Nga cũng tấn công một hệ thống phòng không Osa-AKM, 10 xe tăng và xe chiến đấu bộ binh, 3 hệ thống pháo phản lực phóng loạt Grad, 7 đại bác và súng cối, cùng 18 xe đặc dụng.

"Tổng cộng, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, 186 máy bay, 129 máy bay trực thăng, 1.084 máy bay không người lái (UAV), 327 hệ thống phòng không, 3.373 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 460 hệ thống pháo phản lực phóng loạt, 1.752 đại bác và súng cối, như cũng như 3.350 đơn vị xe quân sự đặc biệt đã bị phá hủy", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga tổng kết.

Mỹ ban hành thêm lệnh trừng phạt Nga

Bộ Tài chính Mỹ hôm 2/6 đã công bố một vòng trừng phạt mới nhắm vào 17 cá nhân người Nga có liên hệ với Tổng thống Vladimir Putin.

Bộ này cho biết trong một thông báo trên trang web của mình rằng động thái này nhằm "làm suy giảm các mạng lưới quan trọng được sử dụng bởi giới tinh hoa Nga, bao gồm cả Tổng thống Vladimir Putin, để cố gắng che giấu, chuyển tiền và sử dụng ẩn danh các tài sản xa xỉ trên toàn cầu".

"Giới tinh hoa Nga, cho đến và bao gồm cả Tổng thống Putin, dựa vào các mạng lưới hỗ trợ phức tạp để che giấu, di chuyển và duy trì sự giàu có và tài sản xa xỉ của họ"

Brian Nelson, thư ký của ngân khố về khủng bố và tình báo tài chính cho biết.

Trong số những cá nhân bị nhắm tới có ông Sergei Roldugin, một cộng sự thân cận của Tổng thống Nga. Ông Roldugin được Mỹ mô tả là "người giữ tiền" của ông Putin.

Thế giới - Xung đột với Nga chạm mốc mới, Ukraine có đủ sức lội ngược dòng? (Hình 5).

Ông Sergei Roldugin (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Nhà hát St. Petersburg, Nga, năm 2009. Ảnh: NPR

Bộ Tài chính Mỹ cũng xác định nhiều du thuyền của các nhà tài phiệt là tài sản bị phong tỏa.

Song song với đó, Bộ Thương mại Mỹ hôm 2/6 cũng đã thêm 71 thực thể từ Nga và Belarus vào danh sách đen của mình.

Các đối tượng được đưa vào danh sách đen lần này bao gồm các đơn vị sản xuất máy bay, các viện nghiên cứu và đóng tàu của Nga và Belarus.

Tổng cộng, Bộ Thương mại Mỹ hiện đã thêm 322 thực thể vào danh sách đen về kinh tế của mình kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2.

EU chính thức thông qua gói trừng phạt thứ 6 nhắm vào Nga

Các nhà ngoại giao của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua vòng trừng phạt thứ sáu nhằm vào Moscow.

Các biện pháp trừng phạt mới bao gồm lệnh cấm một phần nhập khẩu dầu của Nga và sẽ loại bỏ ngân hàng hàng đầu của Nga là Sberbank khỏi nền tảng quốc tế SWIFT.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ca ngợi động thái này, nói rằng nó sẽ làm giảm khả năng tài trợ cho cuộc xung đột vũ trang của Nga.

Theo các nguồn tin được Reuters và hãng thông tấn DPA trích dẫn, vòng trừng phạt này được thông qua sau khi Hungary đạt được thỏa thuận với 26 thành viên còn lại về việc loại trừ Thượng phụ Kirill, người đứng đầu nhà thờ Chính thống giáo Nga và là đồng minh thân cận của Điện Kremlin, ra khỏi gói trừng phạt.

Budapest đã nhiều lần ngăn chặn sự nhất trí của lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, nhưng có vẻ như đã đạt được thỏa hiệp bằng cách loại trừ ông Kirill khỏi lệnh trừng phạt.

Minh Đức (Theo Reuters, The Defense Post, DW, Anadolu Agency)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.