Nga đã hứng chịu các lệnh trừng phạt toàn diện nhất trong lịch sử hiện đại, khi cuộc chiến ở Ukraine bước sang năm thứ 2, song song với cuộc chiến kinh tế đang diễn ra với các nước phương Tây về lệnh trừng phạt của họ đối với Moscow.
Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Nga-Ukraine vào tháng 2/2022, các nước phương Tây đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga và thương mại quốc tế của nước này.
Các biện pháp trừng phạt nhắm vào các lĩnh vực năng lượng, tài chính, công nghiệp quốc phòng, hậu cần và hàng không, tất cả đều là nền tảng của nền kinh tế Nga, cũng như thương mại giữa Nga và châu Âu, vốn từng phát triển nhanh chóng sau Thế chiến II.
Hơn 300 tỷ USD tài sản thuộc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) và các ngân hàng lớn của nước này đã bị đóng băng và các hạn chế khắc nghiệt được thực hiện đối với việc xuất khẩu các sản phẩm quan trọng như phụ tùng và công nghệ.
Các quan chức và chuyên gia đều dự đoán nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ, nhưng thực tế nó lại đang vượt trội so với nền kinh tế của châu Âu và Mỹ vào năm 2023, tăng trưởng ở mức 3,6% bất chấp những sự kéo lùi.
Thực ra kể từ khi bị phương Tây trừng phạt sau khi sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, Nga đã chuẩn bị cho việc tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng kiên cường hơn.
Nhập khẩu trực tiếp vào Nga từ châu Âu và Mỹ giảm đáng kể, nhưng Nga đã tìm được nhà cung cấp mới chủ yếu từ châu Á và Trung Đông để lấp đầy khoảng trống nhập khẩu.
Gã khổng lồ Á-Âu cũng tích cực khai thác các thị trường mới, chẳng hạn như Ấn Độ, cho dầu và khí đốt tự nhiên, tạo nên xương sống cho xuất khẩu của Nga.
Sau tất cả, có nhiều điều đã nổi lên từ việc phương Tây trừng phạt nặng nề Nga.
Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới
Theo dữ liệu từ Castellum.AI, nền tảng theo dõi lệnh trừng phạt trực tuyến, tổng số lệnh trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt đối với các cá nhân và tổ chức ở Nga kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine đã lên tới con số 18.772 tính đến ngày 15/12/2023.
Mỹ áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nhất đối với Nga với 3.500 lệnh trừng phạt, tiếp theo là Canada với 2.700 lệnh trừng phạt, Thụy Sĩ 2.400 lệnh trừng phạt, EU với 1.700 lệnh trừng phạt và Anh với 1.700 lệnh trừng phạt.
EU đã công bố gói trừng phạt thứ 13 đối với Nga, trong khi Mỹ đưa ra 500 lệnh trừng phạt mới đối với nước này vào dịp kỷ niệm 2 năm ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở quốc gia Đông Âu (24/2/2022 - 24/2/2024).
Trong suốt thời gian qua, nhiều công ty phương Tây cũng rời khỏi thị trường Nga, đình chỉ hoặc giảm đáng kể hoạt động tại nước này.
Các công ty lớn của phương Tây đã rời khỏi thị trường Nga cho đến nay có thể kể tên là Apple - nhà sản xuất iPhone có trụ sở tại Mỹ, nhà sản xuất máy bay Airbus của Hà Lan, hãng hàng không Boeing có trụ sở tại Mỹ, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh toàn cầu McDonald’s, công ty cà phê Starbucks có trụ sở tại Mỹ, nhà sản xuất đồ nội thất Thụy Điển IKEA, các công ty dầu khí BP và Shell có trụ sở tại Anh, công ty dầu ExxonMobil có trụ sở tại Mỹ, các nhà sản xuất ô tô Mercedes-Benz của Đức, Nissan của Nhật Bản và Renault cua Pháp, cũng như gã khổng lồ ngành F&B Coca-Cola có trụ sở tại Mỹ.
Tác động do lệnh trừng phạt gây ra được thấy rõ nhất ở thị trường ô tô, khi các thương hiệu ô tô Trung Quốc Haval, Geely và Chery thay thế các thương hiệu nổi tiếng Toyota, Mercedes-Benz, Volkswagen và Audi vốn là những thương hiệu xe nước ngoài bán chạy nhất ở Nga trước xung đột.
Nga chứng kiến doanh số bán 119.000 chiếc xe thương hiệu Chery, 112.000 chiếc Haval, 94.000 chiếc Geely, 48.000 chiếc Changan và 42.000 chiếc Omoda vào năm 2023.
Mạng nhắn tin SWIFT ở Nga bị chặn
Khi Moscow tiếp tục thích ứng với các điều kiện mới do nhiều lệnh trừng phạt đặt ra, các vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng và thanh toán quốc tế là một trong những điều “đau đầu” nhất đối với Chính phủ Nga.
Các nước phương Tây quyết định loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống nhắn tin SWIFT, hệ thống được sử dụng để gửi và nhận tiền quốc tế. Lệnh trừng phạt này được áp dụng đối với Nga ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến.
Nga tiếp tục gặp nhiều khó khăn khác nhau trong lĩnh vực ngân hàng sau 2 năm bị bủa vây bởi các lệnh trừng phạt, với những hạn chế đối với việc sử dụng đồng Euro và đồng USD của Ngân hàng Trung ương và các ngân hàng khác ở Nga.
Giống như các ngân hàng ở Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), các ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc gần đây đã áp đặt các hạn chế thanh toán với Nga do lo ngại về các biện pháp trừng phạt thứ cấp.
Nga đã phát triển SPFS (Hệ thống chuyển thông điệp tài chính) như một giải pháp thay thế cho SWIFT và với việc sử dụng nó ngày càng tăng, các cơ quan chức năng tiếp tục tìm kiếm thêm giải pháp để khắc phục các vấn đề trong hệ thống ngân hàng, vì SPFS vẫn chưa được quốc tế chấp nhận.
Mặc dù đã có nhiều tuyên bố khác nhau của chính quyền Nga về việc sử dụng tiền điện tử trong thanh toán quốc tế, nhưng chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra, trong khi việc sử dụng đồng nội tệ trong thương mại vẫn nằm trong chương trình nghị sự.
Nga và Trung Quốc đã cố gắng tăng tỉ trọng của đồng Nhân dân tệ Trung Quốc và đồng Rúp Nga trong thương mại của họ lên tới 90%, trong khi xu hướng tương tự cũng được quan sát thấy trong thương mại với Ấn Độ. Nhưng mối đe dọa tiềm tàng từ các biện pháp trừng phạt thứ cấp không giúp giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) Elvira Nabiullina hôm 16/2 cho biết rằng CBR nhận thức được sự gia tăng gần đây của các vấn đề liên quan đến thanh toán quốc tế và đang tổ chức tham vấn với tất cả các bên để tìm ra giải pháp.
Bà Nabiullina lưu ý rằng vẫn chưa tìm ra giải pháp cụ thể vì họ tin rằng tài sản tài chính kỹ thuật số cũng như cơ sở hạ tầng độc lập để chuyển tiền là những lựa chọn đầy hứa hẹn để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng.
Nữ Thống đốc cũng từng cảnh báo Nga chớ coi thường sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây vì các biện pháp trừng phạt chống lại Nga có thể được tăng cường khi nền kinh tế có nguy cơ phát triển quá nóng.
Quá trình “phi đô la hóa” vẫn tiếp tục
Vấn đề thương mại bằng đồng nội tệ, dường như là một trong những cách quan trọng nhất để giảm thiểu rủi ro bị trừng phạt, hiện đang là chủ đề nóng trong chương trình nghị sự của Nga.
Tỉ trọng đồng Rúp Nga trong thương mại của nước này với châu Âu đã tăng từ 43,6% lên 49% so với năm 2022, trong khi tỉ trọng này tăng từ 20,5% lên 24% trong thương mại với châu Á, và từ 21,9% lên 48,1% trong thương mại với châu Phi, theo dữ liệu từ CBR.
Tỉ trọng của đồng USD và đồng Euro trong tổng xuất khẩu của Nga giảm từ 86,9% xuống còn 26,7%, trong khi tỉ trọng của đồng Rúp tăng từ 12,2% lên 36,1%, và tỉ trọng của các loại tiền tệ của “các quốc gia thân thiện” tăng từ 0,9% lên 37,2 % trong cùng thời kỳ.
Tỉ trọng của đồng USD trong dự trữ quốc gia được dưa về mức 0 vào năm 2021, tỉ trọng của bảng Anh và đồng yên Nhật cũng bằng 0 vào năm 2022, và tỉ trọng của đồng Euro cũng như vậy vào cuối năm 2023.
Tài sản thanh khoản của Quỹ Tài sản Quốc gia Nga (NWF) đã giảm 58 tỷ USD, tức giảm hơn một nửa, kể từ khi ông Putin ra lệnh đưa quân vào Ukraine 2 năm trước. Trong quỹ này đã không còn một đồng USD nao, thay vào đó chỉ còn Rúp Nga, Nhân dân tệ Trung Quốc và vàng.
Tính đến ngày 16/2, tổng giá trị dự trữ quốc tế của Nga ở mức 574 tỷ USD.
Châu Á trở thành điểm đến mới cho năng lượng Nga
Là một trong những nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, Nga có thị trường năng lượng lớn nhất sau Thế chiến II, nhưng nước này đã mất đáng kể thị phần ở châu Âu sau cuộc chiến ở Ukraine.
Khi thị phần năng lượng của Nga tại các thị trường quan trọng như Đức, Italy và Anh đã bằng 0 hoặc giảm đáng kể, nước này đã chuyển hướng sang thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, để tiếp tục đầu tư nhằm bù đắp tổn thất.
Vào năm 2023, 22,7 tỷ m3 khí đốt của Nga đã được vận chuyển qua đường ống Power of Siberia. Đường ống này hiện đang vận chuyển khí đốt đến Trung Quốc, và dự kiến công suất sẽ lên tới 38 tỷ m3 vào năm 2025.
Nga cũng tăng cường đầu tư vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), loại khí linh hoạt hơn trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu so với khí đốt qua đường ống, khi quá trình lập kế hoạch của nước này tiếp tục đối với đường ống Power of Siberia 2 chạy từ Nga qua Mông Cổ tới Trung Quốc.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nước này sản xuất 33 triệu tấn LNG vào năm 2023 và đặt mục tiêu mở rộng công suất lên 110 triệu tấn/năm vào năm 2030.
Trong khi đó, việc EU nhập khẩu 17,8 tỷ m3 LNG từ Nga vào năm 2023, tăng 31,9% so với năm 2021, là điều đáng chú ý.
Nga chiếm 2% thị phần nhập khẩu dầu của Ấn Độ trước xung đột Ukraine, nhưng thị phần của nước này đã đạt 30% vào năm 2023, và do đó Nga trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Ấn Độ.
Các chuyên gia cho biết liệu quá trình chuyển đổi trong lĩnh vực năng lượng của Nga có thành công trong trung và dài hạn hay không còn phụ thuộc vào một số quá trình, chẳng hạn như nền kinh tế toàn cầu, các biện pháp trừng phạt và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Do Nga cần thời gian và đầu tư để mở rộng đường ống và cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường thương mại với châu Á, nên khả năng kinh tế toàn cầu suy thoái có thể làm giảm nhu cầu chung đối với hàng xuất khẩu của Nga.
Theo dữ liệu do Chính phủ Nga công bố ngày 6/2, xuất khẩu dầu của nước này giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2023, trong khi xuất khẩu khí đốt tự nhiên qua đường ống cũng giảm 29,9%.
Minh Đức (Theo Anadolu, Eurasia Review)