Có bị cáo luôn miệng “thưa quan tòa”. Những người tham gia tố tụng khác thì có người "thưa quý tòa", có người "thưa hội đồng xét xử". Đối với đại diện viện kiểm sát tham gia phiên tòa cũng được gọi rất khác nhau: Người thì gọi là quý viện, người thưa công tố viên, người lại gọi là kiểm sát viên…
Cũng có lúc luật sư hỏi người tham gia tố tụng và yêu cầu trả lời cho hội đồng xét xử thì bị chủ tọa nhắc vì luật sư không phải hội đồng xét xử, thế là gây ra tranh cãi. Có luật sư vốn là cán bộ tố tụng, khi tranh luận, theo thói quen lại “thưa các đồng chí” với hội đồng xét xử.
Về phía những người tiến hành tố tụng như thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên thường gọi bị cáo là ông, bà, anh, chị thậm chí là em, là cháu. Bản cáo trạng và bản án khi đọc tại phiên tòa còn dùng nhiều từ không đúng quy định của pháp luật, có tính chất miệt thị, gọi bị cáo là y, thị, tên này, kẻ kia...
Hiện chưa có một quy ước, chuẩn mực chung nào về ngôn ngữ được dùng tại phiên tòa. Việc xưng hô giữa những người tham gia tố tụng với người tiến hành tố tụng chủ yếu theo thói quen, tùy hứng. Trước năm 2002, khi Bộ Tư pháp còn quản lý các tòa án địa phương, đã có lần Bộ tổ chức hội thảo bàn về “văn hóa phiên tòa”; có nhiều bài tham luận đề cập đến cách xưng hô tại phiên tòa sao cho đúng luật và có văn hóa nhưng cũng chỉ dừng lại ở chỗ tham khảo, đề xuất, kiến nghị…
Xưng hô tại phiên tòa là văn hóa tư pháp, là bộ phận không thể thiếu của văn hóa pháp luật Việt Nam. Đặc điểm của loại hình văn hóa này, vừa phải tuân thủ các quy định của pháp luật vừa phải bảo đảm nền văn hóa dân tộc. Đây là một dạng văn hóa đặc thù, góp phần tích cực trong việc tôn tạo di sản văn hóa Việt Nam. Hoạt động xét xử được xem là quá trình hình thành, phát triển và tích lũy văn hóa xét xử.
Quy định của pháp luật tố tụng, một công dân bị truy tố ra tòa được gọi là bị cáo, không phân biệt giới tính, tuổi tác, địa vị xã hội. Vì vậy, khi hội đồng xét xử hỏi người tham gia phiên tòa chỉ nên gọi họ là bị cáo, nếu cần phân biệt bị cáo này với bị cáo khác thì thêm họ tên của người đó sau từ bị cáo. Ví dụ: Bị cáo Nguyễn Văn A trả lời cho hội đồng xét xử biết. Tuy nhiên, bị cáo thì lại có thể xưng tôi khi trả lời câu hỏi của hội đồng xét xử và những người khác chứ không cần phải xưng “bị cáo” như một số phiên tòa vừa qua.
Đối với những người tham gia tố tụng khác như người bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người làm chứng... hội đồng xét xử và người tham gia phiên tòa nên xưng là ông, bà, anh, chị tùy theo độ tuổi của họ. Tại phiên tòa tuyệt đối không nên xưng hô “đồng chí” với nhau. Một số thuật ngữ đã được luật hóa thì khi nói và xưng hô phải đúng pháp luật như người làm chứng chứ không phải nhân chứng; người bị hại chứ không phải bị hại; người bào chữa chứ không phải luật sư, còn nếu muốn xưng đầy đủ thì phải nói: “Bào chữa cho bị cáo có luật sư...”.
Đã đến lúc việc xưng hô tại phiên tòa cần luật hóa và coi việc xưng hô tại phiên tòa là nội dung quan trọng không thể thiếu trong tiến trình cải cách tư pháp.
Theo Pháp luật TP HCM