Thời gian qua, dư luận vô cùng lo lắng với việc cơ quan Quản lý thị trường lật tẩy một công ty kinh doanh “sữa giả” mang nhãn hiệu sữa dê Danlait. Được biết, sản phẩm mang tên Danlait này được cấp chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm là thực phẩm bổ sung, nhưng nhãn phụ tiếng Việt đính kèm sản phẩm lại ghi sản phẩm là sữa. Bên cạnh đó sản phẩm trên cũng có hàm lượng đạm và chất dinh dưỡng rất thấp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng.
Thông tin trên ngay lập tức trở thành một cơn sốt truyền thông. Hàng loạt bài báo với tinh thần bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp tục “bóc mẽ” nhiều nhãn hiệu lâu nay được người dân tin tưởng lại chính là những sản phẩm “kém chất lượng”.
Thế nhưng trong khi nhiều doanh nghiệp làm ăn gian dối bị lật mặt thì một số doanh nghiệp đang làm ăn yên ổn cũng bị dính đòn oan vì bị liệt vào “danh sách đen”.
Bà Lê Thị Bạch Trang, giám đốc công ty TNHH SX-TM-DV Tuấn Cường Phát (gọi tắt là Công ty Tuấn Cường Phát), có trụ sở tại 494B Hậu Giang, Phường 12, Quận 6, TP.HCM cho biết: công ty đang gặp vô vàn khó khăn trong kinh doanh sản xuất trong đợt khủng hoảng vừa qua. Tuy nhiên, đang trong lúc gắng gượng để giữ vững thương hiệu thì công ty bị dính một “đòn oan chí mạng”.
Trước đó, ngày 27/2/2013 xuất hiện một số bài báo khi viết về hiện trạng sữa giả, sữa kém chất lượng trên thị trường hiện nay, đã lấy Công ty Tuấn Cường Phát làm “dẫn chứng minh họa” với những thông tin thiếu kiểm chứng vô cùng nguy hại cho công ty. Bài báo đã lấy lại những số liệu từ năm cách đây 5 năm để “áp" vào câu chuyện sữa kém chất lượng hiện nay khiến nhiều khách hàng tưởng rằng Công ty Tuấn Cường Phát đang sản xuất sữa kém chất lượng.
Thực tế, vào thời điểm năm 2008 Công ty Tuấn Cường Phát đã bị phát hiện có một số mẫu bột sữa hàm lượng đạm thấp hơn tiêu chuẩn công bố trên bao bì. Tuy nhiên, để vực lại uy tín, Công ty Tuấn Cường Phát đã mạnh tay loại bỏ những sản phẩm vi phạm, đồng thời đăng ký lại với Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh để sản xuất những sản phẩm tốt hơn đúng với chất lượng công bố để phục vụ người tiêu dùng.
Theo những hồ sơ mà chúng tôi có được, trong 4 loại thực phẩm của Công ty Tuấn Cường Phát bị liệt vào “danh sách đen” thì sản phẩm Milk Power công ty đã không còn sản xuất (từ năm 2008), 3 mẫu còn lại là: mẫu thực phẩm bổ sung canxi và chất sắt Holland Gold, mẫu thực phẩm bổ sung dinh dưỡng New Zealand và mẫu thực phẩm bổ sung dinh dưỡng Hà Lan công ty đã đăng ký lại với Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) từ năm 2011 và công bố một cách chính xác và công khai trên bao bì sản phẩm bán ra thị trường.
Như vậy, tất cả 4 sản phẩm của Công ty Tuấn Cường Phát bị lọt vào danh sách đen là không hợp lý. Tuy nhiên, sau khi bài báo đăng nhiều khách hàng của công ty đã điện về phản ánh nhiều nghi ngại. Nhiều người thậm chí còn hủy cả những hợp đồng đã ký với công ty vì “nghi án sữa giả”
Cùng chung cảnh ngộ với Công ty Tuấn Cường Phát là Công ty TNHH chế biến thực phẩm – TM Hoàng Khang (gọi tắt là Công ty Hoàng Khang) có trụ sở tại số 2A - 107A , Ấp 2 Tỉnh Lộ 10, Xã Phạm Văn Hai, Huyện Bình Chánh, TP.HCM .
Công ty Hoàng Khang cũng bị đưa vào danh sách những cơ sở sản xuất có nhiều mẫu bột sữa hàm lượng đạm thấp hơn tiêu chuẩn công bố trên bao bì. Dù doanh nghiệp chưa bị đưa vào "danh sách đen" nhưng bài báo không hề chứng minh được những vi phạm của doanh nghiệp này.
Sau sự việc một số báo đưa thông tin không chính xác, thiếu kiểm chứng gây ảnh hưởng đến uy tín của Công ty Hoàng Khang, nhiều khách hàng đã điện thoại về công ty liên tục truy vấn, nghi ngờ về chất lượng sữa của công ty, thậm chí đòi trả hàng, khiến cho đầu năm công ty này không thể hoạt động.
Đành rằng việc vạch mặt những doanh nghiệp làm ăn gian dối là việc cần làm. Tuy nhiên, trong giai đoạn doanh nghiệp đang phải còng lưng chống lại bão khủng hoảng kinh tế hiện nay, thiết nghĩ không nên sa đà vào những thông tin thiếu kiểm chứng để tránh việc doanh nghiệp bị dính đòn oan như trường hợp 2 công ty nêu trên.
Bạt Phong