Sau 2 ngày xét xử, chiều nay (5/6), TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án đối với nhóm khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân.
Trong các phiên tòa xét xử trước đó, nhiều bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình, nhưng cũng không ít bị cáo nói mình không phạm tội, không tham gia vào nhóm khủng bố, không có động cơ chính trị, không thực hiện hành vi khủng bố và “không biết gì cả”.
Có bị cáo được nộp thêm 5 triệu đồng (trước đó đã nộp 5 triệu) để khắc phục hậu quả như bị cáo Nguyễn Đức Sinh. Đồng thời, bị cáo này còn khuyên các đồng phạm khác trong vụ án hãy nhận tội để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Bị cáo Đặng Hoàng Thiện được xác định vai trò cầm đầu, là người trực tiếp chế tạo bom xăng phục vụ cho các cuộc khủng bố, thừa nhận tội. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng hành vi của mình chỉ nằm ở khoản 3 Điều 84 BLHS 1999, khung hình phạt 2-7 năm tù chứ không phải 16 năm như toà sơ thẩm áp dụng.
Còn bị cáo Đoàn Văn Thế thì thừa nhận mình có tư tưởng chống phá chính quyền nên mới gia nhập các nhóm phản động nhưng chưa hành động. Theo đó, bị cáo cho rằng không phạm tội Khủng bố mà phạm một tội khác.
Các bị cáo khác như: Nguyễn Thị Chung, Hoàng Văn Dương, Trần Văn No lại kêu oan vì không biết các tổ chức khủng bố và “không biết gì cả”.
Sau phần xét hỏi tại tòa, đại diện VKSND thực hành quyền công tố đề nghị HĐXX bác tất cả kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.
Sau khi nghị án, HĐXX đã cho rằng, thông qua mạng xã hội, các bị cáo đã cấu kết với tổ chức phản động ở nước ngoài mua vũ khí, chế tạo bom xăng, thực hiện các hành vi khủng bố, xúi giục bạo loạn, biểu tình, tấn công vào cơ quan chính quyền địa phương, tấn công lãnh đạo chính quyền…
Trong đó, các bị cáo đã thực hiện 2 vụ khủng bố gây cháy nổ ở sân bay Tân Sơn Nhất và tại kho xe vi phạm của Công an TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Ngoài ra, các bị cáo còn có hành vi mua tiền giả, nhằm sử dụng cho việc mua vũ khí, các vật liệu chế tạo bom và thực hiện các hành vi khủng bố…
Trong vụ án này, một số bị cáo không tham gia tổ chức phản động nhưng giúp sức và để mặc hậu quả là đồng phạm. Hành vi khủng bố của các bị cáo là tinh vi, có tính toán và xem xét kỹ lưỡng.
Việc khủng bố đặc biệt nguy hiểm cho an ninh quốc gia, các bị cáo tham gia tổ chức nước ngoài phản động nên cần xử nghiêm. Các bị cáo kêu oan nhưng không có căn cứ, cơ sở để xem xét.
Từ các nhận định trên, HĐXX đã chấp nhận đề nghị này của đại diện VKS, bác kháng cáo kêu oan và xin giảm án của 14/15 bị cáo.
Cụ thể, HĐXX tuyên phạt bị cáo Thiện 16 năm tù, Sinh 10 năm tù, các đồng phạm còn lại bị tuyên phạt mức án 5-14 năm tù về các tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, Hủy hoại tài sản và Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Đồng thời áp dụng hình phạt bổ sung là quản chế các bị cáo 3-5 năm, kể từ sau khi chấp hành xong án tù. Riêng Lê Thị Thu Phương (bạn gái Thiện) không kháng cáo, chấp nhận án 18 tháng án treo về tội Không tố giác tội phạm.