Tuần trước, Carter Page, một cựu cố vấn về chính sách đối ngoại của ông Trump, đã tới Moscow, Nga. Ông Page không công khai về mục đích chuyến thăm lần này tới Nga nhưng cho hay ông sẽ ở lại cho tới ngày 14/12 để “gặp các doanh nhân có ảnh hưởng cùng các nhà lãnh đạo tư tưởng”.
Theo tờ Sputnik, chuyến thăm của ông Page đã khiến giới quan sát phải chú ý bởi đây được xem là những bước đầu tiên trong quá trình “xây dựng cầu nối” giữa chính quyền ông Trump đối với Nga.
“Tôi tin rằng mục đích chính của chuyến thăm của ông Page tới Nga là để đánh giá tình hình và xây dựng cầu nối liên kết giữa Washington và Moscow trước khi ông Trump nhậm chức”, nhà phân tích chính trị Dmitry Abzalov từ Trung tâm Chiến lược Truyền thông Nga cho biết.
Cũng theo ông Abzalov, chuyến thăm của ông Page cho thấy sự quan tâm của đội ngũ nhân sự làm việc cho ông Trump đối với hợp tác kinh tế và chính trị đối với các đối tác người Nga.
Tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn rằng ông Page đang theo đuổi một mục tiêu nào đó cố định tại Nga, chuyên gia Abzalov cho hay.
“Trước khi ông Trump chính thức vào Nhà Trắng, ông ấy có một vài công cụ để gây ảnh hưởng, vì thế ông ấy đang sử dụng các cố vấn và đối tác của mình. Tôi tin rằng một trong những mục đích của ông Page là “kết nối những cây cầu” mà không để ông Trump bị chỉ trích”, ông Abzalov phân tích thêm.
Hồi tháng 7, ông Page đã từng thuyết giảng tại Moscow theo lời mời của Trường Kinh tế mới, gây ra một “cơn bão” những lời chỉ trích từ phía chiến dịch của bà Hillary Clinton. Tuy nhiên, trái với nhiều cáo buộc, ông Page đã không gặp mặt những quan chức cấp cao của Nga.
Tương tự như vậy, cuộc gặp lần này của ông Page cũng sẽ không có cuộc đàm phán cấp cao nào, theo chuyên gia Abzalov, bởi điểm mấu chốt của vấn đề là việc ông Page liên lạc với những quan chức cấp cao Nga có thể gây tổn hại cho lợi ích của ông Donald Trump. Ông Abzalov cũng nhấn mạnh rằng, những người ông Trump bổ nhiệm cho nội các mới vẫn chưa được Quốc hội Mỹ thông qua.
Trên thực tế, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đã nói rằng Bộ không có kế hoạch gặp gỡ ông Page. Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cũng khẳng định rằng các quan chức chính quyền Nga cũng không có kế hoạch gì với cựu cố vấn của ông Trump.
Theo nhà phân tích Nga Abzalov, những cuộc đàm phán của ông Page với các quan chức cấp cao Nga sẽ thu hút sự chú ý của cả những người ủng hộ và phản đối ông Trump, điều đó cũng khiến ông Trump rơi vào tình thế khó xử.
“Sẽ rất liều lĩnh nếu ông Page gặp các lãnh đạo Nga trước khi ông Trump nhậm chức. Có thể điều đó được cho là chống lại những quy tắc của Bộ Ngoại giao Mỹ và gây căng thẳng với Quốc hội. Nhưng nếu ông Page chỉ gặp các nhà lãnh đạo tư tưởng thì sẽ không có vấn đề gì”, Abzalov nhận định.
Đồng thời, ông Page có thể gặp những đối tác kinh doanh cũ của ông Trump ở Nga, gồm những người liên quan tới ngành xây dựng và phát triển kinh tế. Điều đó cho thấy rằng ông Trump đang muốn nỗ lực hơn nữa để đưa hai nền kinh tế Nga – Mỹ “xích lại gần nhau hơn”.
“Hãy nhớ rằng định hướng kinh tế lớn của ông Donald Trump là hỗ trợ những doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế tạo máy, bất động sản, sản xuất nguyên liệu thô... Có thể những cuộc họp với các đại diện ngành nhiên liệu sẽ nằm trong chương trình nghị sự của ông Page”, ông Dmitry Abzalov nhận định.
Cùng chung nhận định với chuyên gia Abzalov, chuyên gia quân sự Vladimir Eveseev, phó giám đốc viện các nước SNG cho hay việc ông Page tới thăm Moscow trước lễ nhậm chức của ông Trump cho thấy thiện chí của hai bên trong việc giảm bớt mức độ đối đầu.
Chuyến thăm của ông Page như một cách “ngoại giao công chúng” – giao tiếp và xây dựng một mối quan hệ với công chúng nước ngoài với mục đích thiết lập một cuộc đối thoại đa cấp độ, chuyên gia Abzalov khẳng định.
Ông Carter Page từng làm cố vấn của ông Trump và bị đặt nghi vấn có quan hệ ngầm với Nga, dẫn tới việc các quan chức tình báo Mỹ đã tiến hành điều tra quan hệ của ông với Moscow.
Ông Page từng nói rằng chính quyền mới của Tổng thống Mỹ cần có những người tin tưởng vào tiềm năng của mối quan hệ Nga – Mỹ và không thể thực hiện đối thoại giữa hai bên nếu không tin tưởng vào nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Thậm chí, ông từng chỉ trích chính sách của Mỹ đối với Nga và từng lấp lửng về khả năng công nhận Crimea là của Nga.
Danh Tuyên