Thử nghiệm loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân
Theo hãng tin Reuters, hôm nay 15/5, Triều Tiên cho biết, vụ thử nghiệm tên lửa tầm trung mới được thực hiện vào hôm 14/5 đã thành công. Đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giám sát vụ thử. Điều đáng nói, vụ thử này được cho là nhằm thử nghiệm loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo vào vùng biển gần Nga hôm 14/5 và hành động này được Mỹ nhận định là nhằm gửi thông điệp tới Hàn Quốc, khi mà tân Tổng thống nước này trong lễ nhậm chức đã tuyên bố mở ra đàm phán với Bình Nhưỡng.
Tên lửa được phóng ở góc lớn không làm ảnh hưởng tới an ninh của các nước lân cận và bay cao tới hơn 2000 km, đánh trúng chính xác vùng biển mục tiêu cách 787 km, hãng thông tấn Triều Tiên cho biết.
“Vụ bắn thử được tiến hành ở góc lớn nhất để không ảnh hưởng đến an ninh của các nước láng giềng. Mục đích vụ phóng nhằm kiểm tra các thông số về chiến thuật và công nghệ của loại tên lửa đạn đạo mới được phát triển, có khả năng mang một đầu đạn hạt nhân nặng cỡ lớn”, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho biết.
“Nếu Mỹ còn tiếp tục khiêu khích Triều Tiên, nước này sẽ không thoát khỏi thảm họa lớn nhất trong lịch sử, ông Kim Jong-un cho biết và cảnh báo, Mỹ không nên phán đoán sai thực tế rằng lục địa và khu vực hoạt động ở Thái Bình Dương của Mỹ đều nằm trong tầm tấn công của Triều Tiên và rằng Bình Nhưỡng sở hữu những phương tiện mạnh mẽ để tấn công trả đũa”, thông tấn KCNA cho hay.
Theo Bình Nhưỡng, vụ phóng tên lửa có thể kiểm tra “hệ thống phóng, sức ép, cấu trúc và sự ổn định” của tên lửa trong “điều kiện bay thật sự”.
Triều Tiên được tin là đang phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và vươn tới Mỹ.
Theo Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, loại tên lửa được bắn thử của Triều Tiên "không tương đồng với một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa".
Theo các nhà ngoại giao, dự kiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ nhóm họp trong ngày 16/5 để thảo luận về vụ việc này, theo yêu cầu của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Nikki Haley cho rằng, vụ phóng thử tên lửa đạn đạo mới đây của Triều Tiên xuất phát từ “sự hoang tưởng” của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau cuộc bầu cử tổng thống vừa diễn ra tại Hàn Quốc (với phần thắng thuộc về ông Moon Jae-in).
Trả lời phỏng vấn kênh ABC, bà Haley khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục “siết chặt” Triều Tiên bằng sức ép từ cộng đồng quốc tế cũng như các biện pháp trừng phạt mới.
Bà Haley nói, một vụ phóng thử tên lửa không phải là cách để Triều Tiên có thể tiến hành đối thoại với Mỹ. Đại sứ Mỹ nêu rõ: “Nếu không đáp ứng được những điều kiện của Mỹ thì chúng tôi sẽ không ngồi vào bàn đàm phán với ông ta”.
Mũi tên trúng nhiều đích
Theo giới chuyên gia, vụ thử tên lửa mới của Triều Tiên này được cho là mang nhiều mục đích khác nhau. Ông Tong Zhao, nhà phân tích ở trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua cho rằng nếu tên lửa vươn tới đảo Guam, nó có thể mang đến cho Triều Tiên một “sự răn đe hạt nhân trong khu vực”, như vậy, không cần theo đuổi thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), Triều Tiên vẫn vươn tới Mỹ.
Theo ông Carl Schuster, giáo sư đại học Hawaii Pacific, cựu Giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo phối hợp, thuộc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, việc tên lửa được phóng sát tới gần Nga là nhằm gửi thông điệp tới cả Moscow và Bắc Kinh.
“Không phải ngẫu nhiên Triều Tiên thử tên lửa ngày hôm nay. Chính quyền Kim Jong-un như muốn thúc đẩy Nga cần tham gia nhiều hơn nữa trong việc giải quyết căng thẳng trên bán đản Triều Tiên. Đó là cách Bình Nhưỡng truyền tin tới Nga, họ cần phải lên tiếng để ngăn việc Mỹ gia tăng các lệnh trừng phạt quốc tế lên Triều Tiên”, giáo sư Carl Schuster phân tích.
Ông Schuster cho rằng, Triều Tiên muốn cảnh báo Nga: “Moscow cũng có thể là mục tiêu” và gửi thông điệp tới Bắc Kinh: “Chúng tôi không quan tâm những gì các ông nghĩ, chúng tôi là đất nước độc lập”.
Một mục tiêu khác được cho là nhằm phô trương sức mạnh tên lửa. Theo ông David Wright, Giám đốc Hiệp hội các Nhà khoa học Mỹ, Triều Tiên có lẽ muốn chứng tỏ họ sở hữu tên lửa tầm xa hơn so với các tên lửa hiện nay.
Và vụ thử tên lửa này cũng được coi là phép thử đầu tiên dành cho tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sau vài ngày nhậm chức. Vụ việc buộc ông Moon phải đặt vấn đề Bình Nhưỡng, ít nhất là trong lúc này, lên hàng đầu so với chương trình nghị sự về kinh tế mà ông vốn ưu tiên trong những ngày đầu trên cương vị Tổng thống.
Xem thêm >> Tiết lộ bí mật về hệ thống hầm ngầm tuyệt mật của Triều Tiên
Đào Vũ