Phương pháp dùng người của ông Donald Trump
Khi Giám đốc Ngân sách Nhà Trắng Mick Mulvaney được hỏi lý do tại sao Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm cựu tướng thủy quân lục chiến John Kelly trong vai trò Chánh văn phòng Nhà Trắng, Mulvaney đưa ra một lời giải thích đơn giản: “Bạn biết đấy, Tổng thống thích làm việc với các tướng lĩnh”.
Giữa những tranh cãi về vấn đề nhân sự ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã thể hiện cách dùng người rất riêng của mình. Một nhóm nhỏ các nhà cựu lãnh đạo quân sự đang thể hiện rằng, họ là những người duy nhất có thể hoạt động, tồn tại và thậm chí phát triển mạnh trong nội các của ông Trump.
Theo Reuters, Tổng thống đang ngày càng đặt niềm tin vào tính kỷ luật, lòng trung thành, khả năng ảnh hưởng đến từ các nhân vật xuất thân quân đội trong vòng tròn thân tín của mình.
Bộ ba các tướng lĩnh có uy tín nhất của Mỹ bao gồm cựu tướng thủy quân lục chiến James Mattis trong vai trò Bộ trưởng Quốc phòng. Bên cạnh đó là Trung tướng HR McMaster được bổ nhiệm làm Cố vấn an ninh quốc gia và cựu Giám đốc an ninh nội địa John Kelly, giờ đây là quan chức nắm giữ trung tâm chính trị của Nhà Trắng.
Ngoài ra, còn phải kể đến một tướng quân đội khác như cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mike Flynn, người từng là Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng nhưng đã phải từ chức sau bê bối liên quan đến người Nga.
Với việc ông John Kelly trở thành nhân vật thay thế cựu Chủ tịch đảng Cộng hòa Reince Preibus, ảnh hưởng của nhóm tướng quân đội đang trên đà phát triển thuận lợi. Họ ngày càng có tiếng nói hơn trong vấn đề chính sách đối ngoại, cũng như an ninh chính trị quốc gia.
Những người ủng hộ kỳ vọng các tướng lĩnh quân đội sẽ cung cấp một "liều thuốc" cần thiết cho sự tỉnh táo, kinh nghiệm đối với một chính quyền còn non trẻ.
Song ngược lại, với những người chỉ trích, họ cáo buộc Tổng thống Trump đang chính trị hóa các lực lượng vũ trang, vay mượn uy tín từ các nhân vật này, trong khi ông không thể có được nó.
Theo bình luận viên Peter Apps của hãng tin Reuters, về cơ bản, các nhân vật xuất thân từ quân đội hầu hết sẽ đem lại sự trung thành, đáng tin cậy. Hơn hết trong đó là sự tôn trọng tuyệt đối với Tổng thống.
Tuần trước, cựu tướng quân đội Anthony Zinni đã được cử là phái viên của Mỹ trong giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao ở Qatar. Đây là một quyết định được hoan nghênh rộng rãi ở Washington, nhất là trong thời điểm các vị trí quan trọng trong bộ Ngoại giao và bộ Quốc phòng hiện vẫn còn đang trống.
Liệu có thành "con dao hai lưỡi"?
Mặt khác, các nhà quan sát lo ngại các tướng lĩnh quân đội rất dễ bị sa đà vào việc áp đặt tư tưởng quân sự vào chính trị. Điều này đặc biệt đúng với Cố vấn an ninh quốc gia McMaster – người vẫn còn là một sĩ quan quân đội đương nhiệm, trước khi được ông Trump bổ nhiệm chính trị.
Tuần trước, người ta thấy ông McMaster thể hiện sự phản đối kịch liệt trước các đề xuất của cố vấn cấp cao Nhà Trắng Steve Bannon. Nội dung phản đối đó bao gồm các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, thỏa thuận hạt nhân của Iran và tăng cường quân cho Afghanistan.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng không tin tưởng đối với tân Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, người giờ đây phải vận hành toàn bộ bộ máy chính trị của Nhà Trắng, mặc dù ông có tương đối ít kinh nghiệm trong việc ứng phó trước Quốc hội.
Mattis, Kelly, McMaster là những người dày dạn kinh nghiệm trong quân đội Mỹ khi từng trải qua rất nhiều chiến dịch ở Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, với những vấn đề chính trị, họ lại tỏ ra khá lúng túng.
Mới đây, một Đô đốc thuộc Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đã công khai chỉ trích lệnh cấm người chuyển giới trong quân đội của Tổng thống. Mặc dù vậy, các cố vấn xuất thân từ tướng lĩnh quân đội của ông Trump đã tránh bàn luận công khai về vấn đề này.
Dưới chính quyền Obama, những nhân vật nhà binh có vai vế thường xuyên phàn nàn về các quyết định mà họ cảm thấy không phù hợp từ Tổng thống. Ngược lại, ông chủ Nhà Trắng cũng không có quan hệ thân thiết với các tướng lĩnh của mình và phần lớn tránh tiếp xúc trực tiếp với họ.
Trong khi đó chính quyền Trump lại có xu hướng để cho các tướng lĩnh tự vận hành các chiến dịch. Ông đã trao cho quân đội Mỹ quyền tự quyết nhiều hơn.
Điều đáng lo ngại nằm ở chỗ, các nhà phân tích e rằng quân đội có thể sử dụng vũ lực bừa bãi hơn trong các cuộc xung đột.
Bởi vậy, người ta sẽ còn chờ xem, liệu quyết định trọng dụng tướng lĩnh quân đội của Tổng thống Trump và ý đồ thực sự của ông sẽ mang đến điều gì. Điều này chắc hẳn sẽ đến trong tương lai không xa.