Mấy ngày gần đây, nhiều ý kiến trái chiều đã nổ ra xung quanh ý kiến của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội. Chủ tịch Chung cho rằng, loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó nên cần đánh giá, rà soát, nếu thấy không hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ đi.
Ý kiến này lập tức gây "bão" trên mọi diễn đàn tới mức, Ông Nguyễn Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phải đăng đàn trả lời báo giới. Cụ thể, ông Khánh cho rằng, tới đây Sở sẽ khảo sát về cơ sở vật chất, nội dung thông tin, thời gian, thời điểm phát thanh diễn ra như thế nào ở xã, phường, thị trấn.
Đặc biệt, Sở sẽ lấy ý kiến của người dân để thấy được tính hiệu quả của hệ thống truyền thanh hiện nay. Sở cũng sẽ tham mưu với thành phố là không bỏ mà chỉ điều chỉnh hệ thống truyền thành này mà thôi.
Tuy nhiên ý kiến của lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cũng không thể chấm dứt được những cuộc tranh cãi không hồi kết liên quan tới chiếc loa phường. Sau đây là những ý kiến ghi nhận của PV báo Người đưa tin liên quan tới vấn đề này.
Nên chuyển loa phường tới những địa phương vùng sâu, vùng xa
TS. Vũ Thế Long, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội UNESCO Hà Nội cho biết: "Tôi cho rằng loa phường vốn là đặc sản của thời kinh tế tập trung trong những năm chiến tranh và bao cấp. Thời đó, người ta đi làm theo giờ giấc và loa phường phát huy tác dụng to lớn.
Nhưng những đô thị lớn hiện nay đã thay đổi rất nhiều với đủ mọi thành phần lao động và giờ làm việc khác nhau. Vì thế việc ngày nào những chiếc loa phường cũng ra rả thông tin đã không còn phù hợp. Lối truyền thông áp đặt trong bối cảnh thông tin mở như hiện nay liệu sẽ được người dân đô thị chấp nhận?
Tôi đi nhiều tỉnh, thành vùng cao và nhận thấy, vai trò của những chiếc loa xã vẫn có tác dụng vô cùng lớn. Vậy tại sao chúng ta không chuyển những chiếc loa phường vốn không còn phù hợp với đời sống đô thị hiện đại lên tặng cho những tỉnh vùng cao vốn còn thiếu thốn hệ thống phát thanh? Tôi cho rằng đây sẽ là việc làm vừa ý nghĩa, vừa phù hợp với nhu cầu thực tiễn của Hà Nội hiện nay".
Mấu chốt không nằm ở chiếc loa
Bà Hoàng Bích Lan, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nói: "Bản thân chiếc loa không phải tác nhân gây nên cuộc tranh luận mà điểm mấu chốt là cách vận hành của nó. Từ những năm chiến tranh, tới thời kỳ bao cấp và cho tới thời điểm hiện tại, cách vận hành của nó vẫn như vậy. Chính vì thế, bỏ chiếc loa không phải việc khó nhưng nếu giữ lại thì chúng ta phải đổi mới. Từ cách đặt loa ở đâu, âm lượng ra sao, giờ phát thế nào, nội dung muốn truyền tải cái gì và người đọc có được đào tạo bài bản hay không? Tất cả những thứ đó phải thay đổi để phù hợp với yêu cầu mới của đời sống hiện đại.
Loa phường giờ là một loại gây ô nhiễm âm thanh
Nhà nghiên cứu văn hóa Thế Hùng (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) chia sẻ: "Tôi nói chuyện với nhiều người nước ngoài, họ cho biết rất bất ngờ và ngạc nhiên vì đến ngày nay, chúng ta vẫn còn sử dụng cách thức truyền thông lỗi thời như vậy.
Trong đời sống đô thị, đây là một loại gây ô nhiễm âm thanh. Không nói đâu xa, chính chúng ta từng cấm các phương tiện giao thông kéo còi vào những khung giờ nhất định. Vậy tại sao loa phường không bị cấm dù tác động của nó còn lớn hơn so với tiếng còi xe ô tô? Vì thế ở những đô thị lớn, theo tôi nên bỏ loa phường để người dân có cuộc sống yên tĩnh hơn.
Loa phường vẫn có tác dụng nhất định
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch phụ trách văn – xã phường Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội phân tích: "Tôi cho rằng, mặc dù loa phường đã bộc lộ những bất cập trong bối cảnh hiện nay nhưng nếu công bằng mà xét nó vẫn có những tác dụng nhất định. Thứ nhất, loa phường ngoài việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người dân, nó còn là phương tiện để thông tin những công việc nội bộ của phường (như thông báo nhận lương, tổng vệ sinh …).
Dù thời gian tới người dân sẽ nắm bắt thông tin qua cổng thông tin điện tử các phường nhưng tôi tin vẫn còn nhiều người khó tiếp cận được cách thức này. Chẳng hạn người trung tuổi, lớn tuổi đều khó khăn trong việc sử dụng internet nên tuyên truyền, phổ biến thông tin qua loa vẫn còn hữu ích. Tất nhiên trong tương lai, khi mọi người dân đều tiếp cận được internet thì bỏ loa phường cũng hợp lý.
Phạm Thiệu