Nên mở rộng đối tượng áp dụng
Dự thảo thông tư Hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo quy định mới được bộ Tài chính lấy ý kiến lần 2, đã nhận được rất nhiều bình luận và góp ý. Trong đó, nhóm quy định liên quan đến quản lý, thu chi tiền công đức tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội nhận được nhiều ý kiến đa chiều.
Đây là vấn đề được xã hội rất quan tâm, vì thế PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã nhận được những ý kiến đóng góp vào dự thảo Thông tư này của các luật sư, chuyên gia văn hóa. Để góp phần hoàn thiện dự thảo Thông tư này, tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật đưa các quan điểm khách quan để rộng đường dư luận.
Ở góc nhìn pháp lý, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hà (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, tiền công đức (tên gọi truyền thống là: tiền giọt dầu, đặt lễ, cúng dường,..) là tài sản mà tổ chức tôn giáo được phép tiếp nhận và được công nhận quyền sở hữu theo quy định của luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, phù hợp với quy tắc chung của Bộ luật Dân sự về bảo hộ quyền sở hữu tài sản riêng của pháp nhân phi thương mại.
Vì vậy, dự thảo thông tư lần này nên quy định theo hướng mở rộng đối tượng áp dụng chung cho các tài sản của tổ chức khác, thay vì đang sử dụng thuật ngữ “tiền công đức”.
“Cách tiếp cận hiện này đang vô tình tạo ra nhiều quan điểm trái chiều khi góp ý kiến về dự thảo Thông tư này từ dư luận”, thạc sĩ Thanh Hà cho hay.
“Việc kiểm soát, giám sát chi phí đầu tư, xây dựng, duy tu, bảo trì di tích đã có các quy định chi tiết của luật Di sản, luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Khi phát hiện các dấu hiệu, hành vi vi phạm về quản lý chi phí đầu tư, xây dựng theo quy định, hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác về giao dịch tài chính, Nhà nước vẫn có thể can thiệp qua chức năng kiểm tra, giám sát của mình” thạc sĩ Nguyễn Thanh Hà nói thêm.
Cùng làm rõ nội dung này, luật sư Vũ Cát Tường (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) trao đổi: Các di tích văn hoá - lịch sử tại Việt Nam thường gắn với các chùa, tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do đặc thù của lịch sử, truyền thống văn hoá. Nhưng xét cả ở góc độ pháp lý và thực tiễn thì “tiền công đức” và tiền “tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội” có bản chất pháp lý khác nhau và chịu sự điều chỉnh của hai hệ thống văn bản pháp luật khác nhau.
Vị luật sư phân tích, tiền công đức là một tài sản của tổ chức tôn giáo, thuộc quyền sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo nên được tổ chức tôn giáo tự mình quyết định việc quản lý, sử dụng, định đoạt theo khoản 5, Điều 21 và Điều 56, luật Tín ngưỡng tôn giáo. Quyền đối với tài sản thuộc sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo được Nhà nước bảo hộ theo các quy định tại khoản 3, Điều 3 và khoản 6, Điều 7 luật Tín ngưỡng tôn giáo và nguyên tắc về bảo hộ quyền tài sản tại Bộ luật Dân sự hiện hành.
Trong khi đó, tiền tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội là các khoản quyên góp, tài trợ, đóng góp tự nguyện của cá nhân, tổ chức cho mục đích bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, lịch sử, thuộc sự quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động văn hoá, di tích theo quy định của luật Di sản văn hoá năm 2001 (được sửa đổi bổ sung năm 2009) và các văn bản hướng dẫn.
Do vậy, luật sư Vũ Cát Tường cho rằng, trong dự thảo Thông tư kể trên có việc xác định không đúng về đối tượng điều chỉnh, các quy định liên quan đến nguyên tắc góp, tiếp nhận tiền công đức và quản lý thu, chi tiền công đức cũng chưa phù hợp. Cụ thể, tại khoản 4 Điều 2 dự thảo Thông tư này quy định nguyên tắc “Tiền công đức… không thuộc sở hữu cá nhân và không phản ánh vào ngân sách Nhà nước; được để lại toàn bộ cho cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, quản lý di tích sử dụng cho các hoạt động lễ hội, quản lý và sử dụng di tích” là không phù hợp.
Nguyên nhân bởi, không có cở sở khẳng định tiền công đức không thuộc sở hữu cá nhân vì theo văn hoá và truyền thống về thực hành tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam thì chủ yếu người cho tặng vật, tiền trong trường hợp này có ý chí hướng đến các nhà tu hành nên tài sản thuộc sở hữu riêng hợp pháp của cá nhân nhận cho tặng cho.
Tiếp đến, việc tặng, cho thường gắn với niềm tin tâm linh và người tặng, cho cũng không quan tâm hoặc không cần được cam kết về mục đích sử dụng số tiền, tài sản tặng, cho đó.
Làm gì cũng cần tuân thủ quy định của pháp luật
Cùng chia sẻ quan điểm xung quanh dự thảo Thông tư của bộ Tài chính, PGS.TS, chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung – nguyên Trưởng khoa văn hóa học viện Báo chí tuyên truyền lại có quan điểm cho rằng: Về nguyên tắc tài chính, bất cứ tổ chức nào cũng phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam, không phải muốn sử dụng tiền công đức vào việc gì cũng được.
Đã nói đến tiền công đức thì có người công đức ít, người công đức nhiều (có thể lên tới tiền tỷ, chục tỷ…). “Theo tôi được biết, có người hiến tặng tiền xây một tòa nhà, biếu tặng các vật tư, nguyên liệu, quy ra rất nhiều tiền. Những việc này thì phải công khai, dưới sự quản lý của Nhà nước. Cho nên dự thảo Thông tư này có tính chất quản lý Nhà nước về vấn đề tài chính ở tất cả các đơn vị, cơ quan tổ chức trên đất nước Việt Nam”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung nói.
Cũng theo chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung, vấn đề quản lý ở đây có nhiều khía cạnh của quản lý, các tổ chức chi tiêu tiền công đức vào việc gì thì phải báo cáo cho chính quyền địa phương. Ví dụ: dùng tiền để ủng hộ phòng chống dịch Covid hay dùng để xây dựng, tu bổ cơ sở,…đều phải tuân theo quy định chung, tránh tình trạng làm sai luật dễ dẫn đến những tiêu cực.