Ý kiến của thầy, cô giáo
Đây là lần đầu tiên việc quản lý giờ làm thêm của học sinh, sinh viên được đề xuất trong quy định cụ thể và tạo nên nhiều luồng ý kiến xung quanh đề xuất này.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phòng Truyền thông và công tác sinh viên, Phân hiệu Trường ĐH Thủy lợi TP.HCM, cho biết ủng hộ đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. "Thực tế cho thấy nhiều sinh viên sa đà vào việc làm thêm mà lơ là việc học. Có những trường hợp sinh viên mệt mỏi khi đến giảng đường, không thể tiếp thu bài giảng vì dành quá nhiều thời gian để làm thêm ban đêm với các công việc ở: bar, pub, bida, quán nhậu… Vì lẽ đó, đề xuất này sẽ khống chế được thời gian làm thêm của sinh viên, giúp các bạn có thể dành nhiều thời gian cho nhiệm vụ học tập hơn", tiến sĩ Sơn nói.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, cũng cho rằng thời gian qua có nhiều vụ việc sinh viên sập bẫy lừa "việc nhẹ lương cao", bị chèn ép khi đi làm thêm, nhận mức lương bèo bọt không tương xứng với công sức bỏ ra, thậm chí không được trả tiền công… "Thế nên nếu đề xuất này đi vào thực tiễn, sẽ có thể giúp bảo vệ quyền lợi chính sách của sinh viên khi đi làm thêm", vị này cho biết.
Luật sư Nguyễn Hải Long, Đoàn luật sư tỉnh Tây Ninh, nhìn nhận hiện nay có nhiều học sinh, sinh viên tranh thủ thời gian rảnh để đi làm thêm nhằm có thu nhập và kinh nghiệm, kỹ năng sống.
"Nhu cầu làm thêm của học sinh, sinh viên là rất lớn. Tuy nhiên, vì thiếu những hiểu biết về pháp luật nên họ không ký kết hợp đồng lao động, bỏ qua các điều kiện, vấn đề quản lý lao động… Để rồi khi có tranh chấp, tai nạn xảy ra, học sinh, sinh viên thường chịu những thiệt thòi… Chính vì thế, khi Dự thảo luật Việc làm (sửa đổi) được triển khai áp dụng thì người sử dụng lao động (tức nơi tuyển dụng) phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Khi đó, người lao động (là học sinh, sinh viên) được đảm bảo quyền lợi một cách tốt hơn như hiện nay. Nếu người sử dụng lao động sai phạm, cơ quan chức năng có thể dựa vào luật để kịp thời chấn chỉnh, xử lý".
Tuy nhiên, đại diện một số trường đại học tại Tp.HCM "than khó" về vấn đề này. Hiệu trưởng một trường đại học tại Q.5, Tp.HCM, cho biết: "Bên cạnh những sinh viên tìm việc làm thêm do Phòng Công tác chính trị và học sinh, sinh viên cung cấp, thì cũng có nhiều trường hợp tự tìm việc qua mạng xã hội mà không báo về khoa, trường. Từ đó, trường không thể kiểm soát thực hư. Những điều này dẫn đến việc không thể quản lý một cách chặt chẽ".
Đại diện Phòng Công tác sinh viên một trường đại học ở Q.Bình Thạnh, Tp.HCM, cũng nói: "Rất khó để quản lý giờ làm thêm của sinh viên. Nếu sinh viên làm thêm 48 giờ/tuần mà báo 20 giờ/tuần thì trường cũng không thể biết được thời gian chính xác. Thực tế, có những sinh viên muốn làm thêm thật nhiều để kiếm thu nhập. Ở mỗi trường có hàng ngàn, thậm chí chục ngàn sinh viên. Nên theo tôi, việc quản lý, giám sát giờ làm thêm của sinh viên là không thể".
Bác sĩ Hoàng Anh Quân, làm việc tại Phòng khám Bệnh viện ĐH Y dược 1, Q.10, Tp.HCM, cho rằng khi học sinh, sinh viên mải mê làm thêm có thể kiếm thu nhập cao nhưng cũng vô tình "bán sức khỏe". Bởi nếu làm thêm trong thời gian 8 giờ/ngày, tức từ 48 - 56 giờ/tuần, thêm vào đó là phải đến trường, học bài, ôn thi… dễ dẫn đến tình trạng thiếu ngủ, kiệt sức, căng thẳng, kém minh mẫn...
Vì thế, bác sĩ Quân cho rằng làm thêm không quá 20 giờ/tuần là hợp lý, giúp đảm bảo hiệu suất công việc, học tập, thư giãn, ngủ nghỉ, giữ gìn sức khỏe. Bác sĩ Quân cũng khuyên cần chế độ ngủ đủ giấc từ 6 - 8 giờ/ngày, có chế độ ăn uống hợp lý…
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho rằng: "Số sinh viên làm thêm chiếm tỷ trọng khá cao. Nhu cầu làm việc của sinh viên ở nhiều trường có khi chiếm từ 80-90%. Vấn đề cần cụ thể hóa về mặt luật pháp cho sinh viên làm thêm vì đây là nguồn nhân lực vô cùng quan trọng đối với quốc gia, để đảm bảo làm sao vừa có sức khỏe lâu dài, vừa có điều kiện học tập vừa có thể dấn thân và trải nghiệm".
Ý kiến của sinh viên, học sinh
Việc học và làm điều có ý nghĩa quan trọng để sinh viên vừa đáp ứng được kiến thức và kinh nghiệm thực tế. Do vậy cân đối thời gian phù hợp và tăng tính chủ động là điều sinh viên mong mỏi để có thể học và đảm bảo cuộc sống.
Nhiều sinh viên lại cho rằng dự thảo nếu được áp dụng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các bạn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vì việc đi làm thêm là điều vô cùng cần thiết. Trong nội dung dự thảo đề xuất giao quyền cho các cơ sở giáo dục có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian vì những lo ngại ảnh hưởng đến kết quả học tập. Do vậy các ý kiến đóng góp cũng đề xuất cho rằng có thể kết hợp để triển khai các giải pháp thực tế.
Dành hầu hết thời gian rảnh để đi làm thêm tại quán cà phê, sinh viên Vương Thị Yêu rất băn khoăn khi nghe được thông tin về quản lý giờ làm thêm của sinh viên, đặc biệt là giới hạn về thời gian không quá 20 giờ/tuần.
"Nếu bị cắt đi thời gian làm việc nên số tiền sinh hoạt bị giảm bớt, thu nhập giảm bớt nên cũng khó khăn một chút. Nhân viên ở đây đa số là sinh viên, thời gian đi làm chủ yếu là thời gian rảnh nên khi bị cắt thời gian khá ảnh hưởng", Yêu cho biết.
Theo sinh viên Huỳnh Trung Tính: "Mình đã sắp xếp việc học rồi thì khoảng thời gian rảnh của mình sẽ khá nhiều, nhiều hơn 20 giờ một tuần".
"Nếu làm thêm 20 giờ/tuần sẽ ít hơn so với thời gian mình đang làm hiện tại, ngoài ảnh hưởng đến thu nhập cá nhân thì bố mẹ mình phải gửi thêm một khoản để đủ chi tiêu hàng tháng", sinh viên Vũ Thành Đạt lo lắng.
Hoàng Thanh Tường, học sinh Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM, cũng nói: "Sau khi đọc thông tin về Dự thảo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đã thử tìm kiếm việc làm thêm. Nhưng do bị khống chế thời gian làm việc nên chưa tìm ra việc phù hợp. Đa phần công việc đều yêu cầu phải đáp ứng từ 4 – 8 giờ/ngày. Em thử liên hệ xin làm việc tại một quán cà phê trên đường Bùi Đình Túy, Q.Bình Thạnh, nhưng họ không đồng ý cho làm 3 - 4 ngày/tuần. Bắt buộc phải 6 ngày/tuần. Hiện tại, em tiếp tục tìm nơi khác để có thể làm thêm kiếm tiền sau giờ học".
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay nhiều đơn vị tuyển dụng có hai yêu cầu mà nhân viên làm việc bán thời gian phải đáp ứng đồng thời. Đó là phải làm từ 4 – 8 giờ/ngày và ít nhất 6 ngày/tuần. Điều đó có nghĩa phải làm việc từ 24 – 48 giờ/tuần. Nên áp dụng điều này e là rất khó cho các em sinh viên, học sinh và doanh nghiệp.
Nếu chỉ được làm thêm 20 tiếng mỗi tuần, sinh viên sẽ rất khó tìm việc, và họ phải tìm cách lách luật theo kiểu làm nhiều nơi một lúc.
“Theo tôi, quy định như vậy chỉ làm khổ sinh viên hơn mà thôi. Sinh viên sẽ tìm đủ mọi cách để lách luật, kiểu như làm ở nhiều cơ sở, mỗi nơi dưới 20 tiếng một tuần, hoặc làm thêm các công việc tự do, hoặc bán hàng online để cố gắng kiếm đủ số tiền đáp ứng cho nhu cầu cơ bản của họ.
Với lượng thời gian không quá 20 giờ mỗi tuần, thực sự sinh viên sẽ khó kiếm việc hơn, mức lương cũng sẽ bị trả thấp hơn vì sẽ khó cạnh tranh việc làm với nhưng người lao động khác (không phải sinh viên).
Tôi đang có một cơ sở kinh doanh nhỏ và có vài bạn sinh viên đang làm thêm. Tôi luôn tạo điều kiện cho các bạn linh động về thời gian, chủ động đổi ca làm việc với nhau khi trùng lịch học. Nhưng nếu quy định sinh viên làm thêm chỉ 20 tiếng một tuần được áp dụng, chắc chắn tôi sẽ phải cân đối lại việc thuê sinh viên. Vì nếu số giờ làm bị giảm đi như vậy, tôi sẽ phải thuê nhiều người làm hơn (chi phí cho nhân viên có thể là không đổi nhưng chi phí quản lý, nhân lực quản lý sẽ phải tăng lên rất nhiều), chưa kể đến tính ổn định của sinh viên khi làm thêm là không cao làm tốn thời gian và chi phí tuyển dụng nữa”, một chủ cửa hàng chia sẻ khi được hỏi ý kiến về điều này.
Nhìn chung đây là vấn đề đang gây rất nhiều sự tranh cãi, bàn thảo.
Tuy nhiên, việc kiểm soát học sinh, sinh viên làm thêm và chủ doanh nghiệp không hề dễ dàng. Điều này còn tùy thuộc vào ý thức tự giác của sinh viên lẫn doanh nghiệp. Cơ quan chức năng chỉ có thể quản lý thông qua báo cáo tài chính, chi trả tiền lương của doanh nghiệp. Nhà nước cần chuẩn bị kỹ lưỡng hành lang pháp lý trước khi áp dụng quy định giới hạn giờ làm thêm đối với học sinh, sinh viên.
Quỳnh Chi (t/h)