Nhập viện mới được thở bình ôxy!?
Câu chuyện hi hữu nhưng có kết cục đau lòng này xảy ra vào hồi 13h ngày 1/4 tại bệnh viện Lao phổi Trung ương (463 đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội). Nạn nhân là anh Vũ Thanh B., 31 tuổi (trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội). Được biết, trước đó, khoảng 12h ngày 1/4, bệnh nhân B. được xe cấp cứu của bệnh viện Việt Đức và một y tá chuyển sang bệnh viện Lao phổi Trung ương trong trạng thái buộc phải thở bình ôxy và có triệu chứng hôn mê sâu.
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, bệnh nhân B. mắc chứng bệnh về đường hô hấp nặng, đã được tiến hành chữa trị tại nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội như Thanh Nhàn, Việt Đức nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm mà có chiều hướng nặng dần lên. Cuối cùng anh B. được các bác sĩ bệnh viện Việt Đức giới thiệu chuyển sang bệnh viện Lao phổi Trung ương (nơi được xem là trung tâm chữa lao phổi hiện đại bậc nhất Việt Nam - PV) để chữa trị.
Trong quá trình di chuyển từ bệnh viện Việt Đức sang bệnh viện Lao phổi Trung ương, bệnh nhân phải thở bằng bình ôxy. Xe cứu thương cũng chở thẳng anh tới phòng cấp cứu. Tại đây anh vẫn được tiếp tục thở bằng bình oxy. Nhưng sau đó, một y tá của bệnh viện vào phòng và yêu cầu người nhà bệnh nhân đẩy bệnh nhân ra phòng làm thủ tục nhập viện cách phòng cấp cứu chừng 100m. Điều lạ lùng, anh B. rất yếu, phải cần đến bình ôxy để thở thì y tá đã tháo "nguồn sống" này ra không cho bệnh nhân sử dụng tiếp.
Người nhà đưa xác bệnh nhân B. khỏi bệnh viện
Theo nguyên tắc khám chữa bệnh, đối với các bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng nặng như anh B. việc tiến hành làm thủ tục nhập viện do người nhà bệnh nhân trực tiếp đi làm, không nhất thiết bệnh nhân phải ra tận phòng làm thủ tục. Hơn nữa, bệnh nhân B. đang trong trạng thái nguy hiểm, y tá không cho phép anh thở bằng bình ôxy không khác nào buộc anh phải đối mặt với tử thần. Việc y tá tự động tháo bình ôxy và buộc người nhà bệnh nhân đẩy bệnh nhân ra khỏi phòng cấp cứu khiến người nhà bệnh nhân phản ứng.
Theo lời kể của người nhà nạn nhân, chị Phạm Thị Lâm (vợ anh B.) lúc đó có mặt, đã yêu cầu cho anh B. được thở bằng bình ôxy nhưng bị nhân viên bệnh viện từ chối. "Phải chờ khi làm xong thủ tục nhập viện thì mới được thở bằng bình ôxy!?", một nhân viên nói. Trước thái độ bất hợp tác của y tá kíp trực, người nhà bệnh nhân buộc phải để cho họ tháo bình ôxy và đẩy bệnh nhân ra khỏi phòng cấp cứu và làm thủ tục nhập viện trong tâm trạng lo lắng. Khi PV Người Đưa Tin đến làm việc tại bệnh viện, mọi thông tin từ kíp trực hôm đó đang được giấu kín và từ chối công bố.
Bệnh nhân bị chết oan?
Sau mười phút không được thở bằng bình ôxy, bệnh nhân B. đã lâm vào trạng thái co giật, sùi bọt mép. Lúc đó, y tá kíp trực mới yêu cầu người nhà đẩy bệnh nhân B. về phía phòng hồi sức cấp cứu. Bệnh tình của anh B. càng lúc càng trầm trọng. Sự việc được báo khẩn cấp lên giám đốc bệnh viện, PGS. TS Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc bệnh viện trực tiếp tham gia cứu chữa. Ông Sỹ đã đọc điện tim nhưng lúc này điện tim bệnh nhân rung rất thấp. Ông cũng chỉ đạo sử dụng tất cả phương tiện hiện có của bệnh viện từ máy thở, máy xốc tim… để hỗ trợ nhưng bệnh nhân không qua khỏi và tắt thở lúc 15h cùng ngày.
Trước cái chết nhanh chóng của bệnh nhân B., người nhà cho rằng nguyên nhân do đội ngũ y bác sĩ kíp trực làm việc tắc trách. Theo người nhà của bệnh nhân, nếu anh B. được cho thở bằng bình ôxy chắc chắn anh vẫn còn sống. Quá bức xúc, chiều ngày 1/4, người nhà đã tụ tập rất đông trước cửa phòng cấp cứu để phản đối. Họ thể hiện sự phẫn nộ trước cách hành xử tắc trách, nhiêu khê của kíp trực, đồng thời yêu cầu phía bệnh viện phải làm rõ nguyên nhân cái chết của người thân. Sự việc nhanh chóng được báo lên cơ quan công an phường Ba Đình (quận Ba Đình - Hà Nội). Một cán bộ của phòng hình sự, công an quận Ba Đình cho biết, bước đầu vụ việc đang được phía công an tiến hành điều tra làm rõ.
Trước sự ra đi đột ngột của bệnh nhân B. cùng những nghi vấn xung quanh cái chết bất đắc kỳ tử này, PV Người Đưa Tin đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo bệnh viện Lao phổi Trung ương để tìm hiểu sự việc. Trong buổi làm việc diễn ra chớp nhoáng, chúng tôi đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến cái chết của bệnh nhân B. với Giám đốc bệnh viện nhưng vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng.
Cũng theo tìm hiểu của PV, qua quá trình làm việc giữa người nhà bệnh nhân B. và bệnh viện, phía người nhà đã đi đến thống nhất không mổ pháp y và chấp thuận đưa anh B. về mai táng. Đúng 10h30, sáng 2/4, có mặt tại bệnh viện, chúng tôi đã ghi nhận được không khí đau thương thể hiện trên từng khuôn mặt của mỗi người thân nạn nhân. Tiếng than khóc xé lòng và lời oán hờn trách móc của người thân anh B. khiến không khí buổi sáng hôm đó càng thêm thê thảm. Dường như, việc ra đi của anh B. là một cú "sốc" quá lớn với gia đình. Khi chưa tìm được nguyên nhân cũng đồng nghĩa với nỗi day dứt trong tâm can người nhà sẽ không thể nguôi bớt.
Trinh Phúc - Anh Đức