Đó là thông tin từ ông Phan Đăng Long, phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, tại cuộc họp giao ban báo chí chiều 1/10.
Tại cuộc giao ban, PV đặt câu hỏi đến vị phó trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội về trường hợp của chị Hoàng Thị Nguyệt, người đứng tên trong lá đơn tố cáo sai phạm vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm tại BV Hoài Đức (Hà Nội).
Nhân dịp Hà Nội đang xét tặng thưởng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2013, ngành Y tế Hà Nội có giới thiệu chị Nguyệt vào danh sách đề nghị không? Chị Nguyệt có xứng đáng với danh hiệu trên không?
Ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội.
Ông Phan Đăng Long cho biết, mỗi dịp kỷ niệm giải phóng Thủ đô 10/10, tổ chức Hội nghị biểu dương “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu. Từ năm 2010, nhân dịp Đại lễ nghìn năm, Hà Nội có đề xuất tổ chức Hội nghị trên kết hợp với vinh danh 10 “Công dân Thủ đô ưu tú”.
Tuy nhiên, theo ông Long, năm 2010, lần đầu tiên Hà Nội vinh danh 11 công dân thủ đô ưu tú. Khi đó, GS Ngô Bảo Châu vừa được giành giải thưởng toán học Fields sau khi Hà Nội đã xét 10 người, nên Hà Nội đặc cách tặng thưởng GS.
Năm 2013 là lần thứ 4 Thành phố xét tặng thưởng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú".
Theo quy trình, các sở ban ngành giới thiệu danh sách những người xứng đáng, trên cơ sở đó, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng xem xét theo các tiêu chí xét tặng. Sau đó, Hội đồng bỏ phiếu, lấy từ cao xuống thấp.
Chị Nguyệt nhận bằng khen từ Sở Y tế Hà Nội ngày 16/8/2013.
Theo ông Long, năm 2013, các đơn vị giới thiệu tổng số 47 trường hợp, Hội đồng xem xét và cân nhắc 11 trường hợp xứng đáng, nhưng đề nghị thành phố xét tặng thưởng danh hiệu cho 10 người theo đúng quy chế.
“Câu hỏi Sở Y tế có đề xuất chị Nguyệt – người tố cáo vụ nhân bản kết quả xét nghiệm vào danh sách xét tặng không? Là một thành viên Hội đồng, tôi được biết, Sở không giới thiệu và nếu có đề xuất cũng chưa thể xem xét trường hợp chị Nguyệt”.
Ông Long giải thích, vụ việc chị Nguyệt tố cáo, hiện nay cơ quan điều tra đang làm, thời gian tới đưa ra xét xử. Sau khi xét xử mới biết rõ sai đúng của vụ việc.
Quan trọng hơn, Công dân thủ đô ưu tú là xem xét cả một quá trình chứ không phải chỉ riêng một việc. Ví dụ, những người được xem xét đều có cả một quá trình cống hiến như: GS Vũ Khiêu, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, GS Phan Huy Lê...
Theo ông Long, khi cân nhắc “Công dân Thủ đô ưu tú” cũng có một chút “cơ cấu”, để có các đối tượng trí thức, nông dân, nghệ sỹ... Nếu nhiều trí thức quá hay nhiều nghệ sỹ quá cũng không nên.
"Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2013, ngành Y tế giới thiệu GS. TS, Nhà giáo Nhân dân Phạm Gia Khải - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam. Ông sinh năm 1936, là một chuyên gia uy tín của nhiều tổ chức tim mạch học lớn trên thế giới.
Chiều 30/9, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội đã họp, xét và dự kiến đề nghị thành phố xét tặng thưởng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2013 cho 10 cá nhân: 1. Bà Chu Anh Đào, Giám đốc Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vượt khó Hà Nội (SN 1938). 2. GS.TS. Nhà giáo Nhân dân Phạm Gia Khải - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam (SN 1936). 3. GS Sử học Lê Văn Lan (SN 1936). 4. Bà Nguyễn Phi Nga, Tổ trưởng sản xuất tổ Môi trường 4 - Chi nhánh Hoàn Kiếm (SN 1961). 5. Ông Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội (SN 1955). 6. Ông Nguyễn Văn Thanh, Hội viên Hội Nông dân xã Vạn Thái, Ứng Hòa (SN 1963). 7. Đại tá Phạm Văn Thịnh, Trưởng phòng Công binh Bộ Tham mưu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (SN 1958). 8. Bà Nguyễn Thị Tiêu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Anh (SN 1943). 9. Ông Nguyễn Văn Tỵ, nguyên Chủ tịch UB MTTQ xã Đông Dư, huyện Gia Lâm (SN 1916). 10. Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội (SN 1941). |
Theo Khám phá