Y tế Việt Mỹ: Công ty mẹ thụt lùi, công ty con thua lỗ

Nguyễn Phương Anh

Nguyễn Phương Anh

Thứ 2, 31/03/2025 20:00

Sau hơn 20 năm hoạt động, Y tế Việt Mỹ đã tăng vốn gấp 87 lần nhưng tình hình kinh doanh của công ty vẫn nhiều bấp bênh, lợi nhuận lao dốc, cổ tức trì hoãn.

Theo báo cáo của Vietnam Report, thị trường dược phẩm và thiết bị y tế Việt Nam được đánh giá giàu tiềm năng, với tốc độ tăng trưởng kép dự kiến đạt 6-8% giai đoạn 2023-2028.

Động lực chính thúc đẩy ngành đến từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn trong bối cảnh già hóa dân số và gia tăng bệnh không lây nhiễm. Cùng với đó, thu nhập cải thiện giúp người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho dược phẩm và thiết bị y tế.

Xu hướng này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành mở rộng thị phần. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng tận dụng lợi thế này. Điển hình là Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (HNX: AMV), dù đã liên tục mở rộng quy mô vốn nhưng lợi nhuận vẫn còn nhiều bấp bênh.

Y tế Việt Mỹ: Công ty mẹ thụt lùi, công ty con thua lỗ- Ảnh 1.

Sau hơn 20 năm hoạt động, Y tế Việt Mỹ đã tăng vốn gấp 87 lần nhưng tình hình kinh doanh của công ty vẫn nhiều bấp bênh, lợi nhuận lao dốc, cổ tức trì hoãn…

Lợi nhuận không theo quy mô vốn

Y tế Việt Mỹ được thành lập ngày 26/08/2002, với sự góp vốn từ The Sun Co (100% vốn nước ngoài), Incomex Sài Gòn và Dopharco (đều là doanh nghiệp nhà nước). Từ số vốn điều lệ ban đầu chỉ 15 tỷ đồng, AMV đã trải qua nhiều lần tăng vốn mạnh mẽ.

Từ năm 2007, AMV bắt đầu mở rộng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Đến năm 2017, công ty đã nâng vốn lên 271 tỷ đồng và tiếp tục phát hành cho cổ đông hiện hữu, đưa vốn điều lệ lên 1.311 tỷ đồng.

Sau đó, công ty liên tiếp tăng vốn điều lệ lên 531 tỷ đồng vào năm 2020 rồi lên 911 tỷ đồng vào 2021. Lần gần nhất AMV tăng vốn điều lệ là vào năm 2022, lên mức 1.311 tỷ đồng. Như vậy, trong vòng 20 năm, công ty đã tăng vốn điều lệ lên gấp 87 lần so với ngày đầu thành lập.

Tuy nhiên, trái ngược với quy mô vốn ngày càng lớn, hiệu quả kinh doanh của AMV lại không ổn định. Công ty đã có 5 năm thua lỗ (2004, 2011, 2012, 2014, 2015), đặc biệt năm 2014 lỗ hơn 9 tỷ đồng do giá đầu vào tăng cao, nâng cấp nhà máy và không đủ điều kiện đấu thầu tại các bệnh viện.

Sau giai đoạn khó khăn, AMV có lãi trở lại vào năm 2016, đạt 811 triệu đồng. Đây cũng là thời điểm có sự thay đổi lớn về nhân sự khi nhóm cổ đông tổ chức thoái vốn, nhường chỗ cho các nhà đầu tư mới, trong đó bà Đặng Nhị Nương giữ vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc với tỉ lệ sở hữu 16,2%. Sự thay đổi này mở ra một chương mới cho AMV, với những kỳ vọng về cải tổ và tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Giai đoạn thăng hoa ngắn ngủi

Những thay đổi về nhân sự nhanh chóng mang lại kết quả khi năm 2017 đánh dấu bước ngoặt quan trọng: doanh thu và lợi nhuận quý IV/2017 đột biến, lần lượt đạt 61 tỷ đồng và 37 tỷ đồng, chủ yếu nhờ hoạt động thương mại thiết bị y tế.

Năm 2018, AMV ghi nhận doanh thu thuần 460,78 tỷ đồng, gấp 4,6 lần năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 219 tỷ đồng, gấp 5,5 lần. Đà tăng trưởng tiếp tục duy trì vào năm 2019, khi doanh thu tăng 14,86% lên 517,8 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận chỉ tăng 1,79% (219 tỷ đồng), cho thấy tốc độ tăng trưởng bắt đầu chững lại. Công ty chỉ hoàn thành 69% kế hoạch doanh thu và 89,4% kế hoạch lợi nhuận năm 2019.

Sau giai đoạn kinh doanh khởi sắc, công ty chốt quyền nhận cổ tức năm 2019 với tổng tỉ lệ 20%, tương đương 262 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay lịch thanh toán vẫn bị dời do AMV cần tập trung vốn cho sản xuất và đầu tư. Ngoại trừ lần trì hoãn đầu tiên do Covid-19, các lần hoãn sau đều có lý do tương tự.

Đáng chú ý là bao nhiêu năm Y tế Việt Mỹ trì hoãn trả cổ tức cũng là bấy nhiêu năm tình hình kinh doanh của công ty trượt dài. Từ năm 2020, lợi nhuận của AMV lao dốc mạnh - đây cũng chính là năm bà Đặng Nhị Nương rời khỏi ghế Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên đến nay, vị này vẫn đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc, Thành viên HĐQT AMV.

Năm 2024, dù doanh thu đạt 310 tỷ đồng (cao nhất 5 năm qua, tăng 57% so với 2023), nhưng lãi ròng chỉ dưới 5 tỷ đồng – mức thấp nhất trong 8 năm và giảm đến 98% so với đỉnh năm 2019.

Những mối quan hệ chồng chéo

Bên cạnh những biến động kinh doanh, AMV còn gây chú ý với các giao dịch nội bộ. Ngay sau khi bà Đặng Nhị Nương trở thành Chủ tịch HĐQT năm 2017, AMV phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược nhằm huy động 250 tỷ đồng để mua cổ phần tại Công ty Cổ phần Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ. Tuy nhiên, giá phát hành 10.000 đồng/cổ phần bị đánh giá là cao so với thị giá AMV thời điểm đó (7.000 - 9.000 đồng/cổ phiếu).

Công ty Cổ phần Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ được thành lập ngày 13/2/2017 tại Phú Thọ, hoạt động chính với ngành nghề buôn bán dược mỹ phẩm, máy móc thiết bị y tế.

Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập gồm: CTCP Kanpeki Nhật Bản (nắm 98%), ông Lê Đức Khanh (nắm 1%) và bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh (nắm 1%).

Trong đó, CTCP Kanpeki Nhật Bản thành lập năm 2015 và có trụ sở chính tại Hà Nội với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Cổ đông lớn nhất là bà Nguyễn Phương Hạnh sở hữu 98%.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cả Kanpeki Nhật Bản và bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh đều là các cổ đông có mối liên hệ với CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (HoSE: JVC).

Đáng nói, bà Đặng Nhị Nương còn có mối quan hệ gia đình cái tên nêu trên. Trong đó bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh – cựu Phó Giám đốc Thiết bị Y tế Việt Nhật là con gái ruột. Và bà Đặng Thập Nương – mẹ vợ cựu Chủ tịch JVC Lê Văn Hướng - là chị gái của bà Đặng Nhị Nương.

Công ty con thua lỗ kéo dài

Một vấn đề khác của AMV là tình trạng thua lỗ kéo dài của công ty con – Công ty CP Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ. Thành lập năm 2017 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, công ty này rơi vào vòng xoáy thua lỗ kể từ khi AMV mua lại cổ phần.

Nửa đầu năm 2024, Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ báo lỗ 4,8 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 4,3 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Trước đó, công ty đã lỗ 1,4 tỷ đồng trong năm 2023, đánh dấu sự suy giảm mạnh so với mức lãi gần 4 tỷ đồng ghi nhận vào năm 2022.

Y tế Việt Mỹ: Công ty mẹ thụt lùi, công ty con thua lỗ- Ảnh 2.

Do thu hồi công nợ bị chậm theo kế hoạch nên Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ mới chỉ thanh toán được 7,6 tỷ đồng, còn hơn 6,8 tỷ đồng chưa thể trả đúng hạn.

Chưa dừng lại ở đó, mới đây, Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ đã "khất nợ" trái phiếu năm 2024. Theo đó, công ty phải chi trả 2 đợt lãi trái phiếu vào ngày 27/2 và 27/8 với tổng số tiền 14,4 tỷ đồng trong năm 2024. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp mới chỉ thanh toán được 7,6 tỷ đồng, còn hơn 6,8 tỷ đồng chưa thể trả đúng hạn. Lý do được Bệnh viện Việt Mỹ đưa ra là do gặp khó khăn trong việc thu hồi công nợ.

Theo dữ liệu trên Sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ chỉ đang lưu hành một mã trái phiếu duy nhất là BVVM.BOND.2021, phát hành từ ngày 7/1/2021 với kỳ hạn 3 năm.

Ban đầu, trái phiếu này sẽ đáo hạn vào ngày 7/1/2024, nhưng đến cuối năm 2023, công ty đã phải gia hạn thêm 2 năm, kéo dài thời gian thanh toán đến ngày 7/1/2026. Sau khi mua lại 8,5 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 8/1/2024, giá trị trái phiếu còn lưu hành vẫn ở mức cao, lên tới 126,5 tỷ đồng.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.