Pháp đang tăng cường áp lực lên Brussels về việc đáp trả những gì họ coi là lợi thế không công bằng của Trung Quốc trong các lĩnh vực xuất khẩu như xe điện, trong khi EU đang cảnh giác về những rủi ro gây ra xung đột thương mại toàn diện với Bắc Kinh, trang Politico cho biết hôm 15/6.
Theo Politico, trong những năm gần đây, Brussels đã nâng cấp kho vũ khí phòng vệ thương mại của mình, và giờ đây Paris muốn Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan định hướng chính sách thương mại cho khối 27 quốc gia – sử dụng kho vũ khí này “một cách thực chất”, chứ không phải là giả bộ làm.
Câu hỏi liệu Pháp có thành công vượt qua sự cản trở từ phần còn lại của EU hay không, đặc biệt là Đức, có thể sẽ là chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự khi các nhà lãnh đạo EU gặp nhau tại một Hội nghị Thượng đỉnh vào cuối tháng này.
Phòng vệ thương mại
Đức và một số thành viên EU khác – vốn đã bị một “vố đau” vào năm 2013 khi Brussels sử dụng các công cụ thương mại của khối này để chống lại Bắc Kinh – có khả năng sẽ muốn một lộ trình thận trọng hơn để không kích động Bắc Kinh đưa ra các biện pháp “trả đũa” ngành công nghiệp châu Âu.
Ý tưởng gây tranh cãi nhất của Pháp là gợi ý EU mở một cuộc điều tra dọn đường cho việc áp thuế đối với xe điện Trung Quốc. Nỗi sợ hãi chính của châu Âu là Bắc Kinh có thể sử dụng sự hỗ trợ “khủng” của Nhà nước họ để sản xuất các phương tiện giá rẻ một cách vô lý và tràn vào thị trường EU với tốc độ và quy mô có thể đe dọa ngành sản xuất ô tô điện của chính EU.
EC đang thảo luận về việc có nên tiến hành một cuộc điều tra có thể cho phép Brussels áp thuế bổ sung, được gọi là thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, đối với những chiếc xe điện như vậy hay không, 2 quan chức cấp cao của EU nói với Politico.
Ủy viên Thị trường Nội bộ EU Thierry Breton cho biết ông “rất ủng hộ việc mở cuộc điều tra bán phá giá đối với ô tô điện càng sớm càng tốt”. EC không có bình luận gì thêm.
Ngoài cuộc điều tra xe điện, EC cũng đang xem xét sử dụng lần đầu tiên một bộ công cụ phòng vệ thương mại mới nhằm thúc đẩy Trung Quốc mở cửa thị trường mua sắm công đối với các thiết bị y tế. Ngành đường sắt Trung Quốc cũng đang trong “tầm ngắm”, nguồn tin của Politico cho biết.
Dưới sự dẫn dắt của Pháp, trong nhiều năm nay, EU đã và đang xây dựng các công cụ thương mại quyết đoán hơn để đảm bảo khối này luôn sẵn sàng khi phải đối mặt với các hành vi không công bằng hoặc hành vi “bắt nạt kinh tế”.
“Chúng ta không được loại trừ việc xem xét thuế quan”, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho biết vào tháng trước. “Vấn đề có thể mang tính khiêu khích, nhưng khi chúng ta thấy số lượng trợ cấp được cấp cho một số sản phẩm sẽ đến lục địa châu Âu vào ngày mai, chúng ta sẽ không thể bỏ qua vấn đề thuế quan”.
Hôm 15/6, một quan chức của Bộ Kinh tế Pháp cho biết ý tưởng về áp thuế đối với ô tô điện Trung Quốc là “phù hợp với lập trường của chúng ta: Không ngây thơ và cạnh tranh công bằng”.
Bài học cay đắng
Ký ức cay đắng về việc EU sử dụng chính sách thương mại để đối đầu với Trung Quốc vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí các quốc gia thành viên. Brussels và Bắc Kinh đã bị đẩy đến bờ vực của một cuộc chiến thương mại vì các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các tấm pin mặt trời và thiết bị viễn thông của Trung Quốc vào năm 2012 và 2013.
Cũng chính việc căng thẳng leo thang đã “giết chết” một thỏa thuận đầu tư lớn giữa EU và Trung Quốc, gọi là CAI, dù hai bên đã kết thúc đàm phán về nguyên tắc từ cuối năm 2020.
Tuy nhiên, thị trường ô tô điện là một ưu tiên chính trị. Vì EU đã coi năm 2035 là hạn chót để loại bỏ xe hơi chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, các quốc gia thành viên đang chạy đua đẩy mạnh sản xuất pin và xe điện để đáp ứng mục tiêu xe điện trong thời hạn.
Trong những năm gần đây, khoảng 50 dự án nhà máy sản xuất pin đã được công bố tại EU và Paris đã đặt mục tiêu sản xuất 2 triệu xe điện mỗi năm vào năm 2030, theo Bộ Kinh tế Pháp.
Trong một bài phát biểu hồi tháng 5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lập luận rằng EU không nên để Trung Quốc giành chiến thắng trong lĩnh vực xe hơi giống như cách họ đã làm với các tấm pin mặt trời.
“Chúng ta không được lặp lại trên thị trường ô tô điện những sai lầm đã mắc phải với quang điện, nơi chúng ta tạo ra sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp Trung Quốc và giúp các nhà sản xuất của họ phát triển thịnh vượng”, nhà lãnh đạo Pháp nói.
Nhưng các quan chức Đức đã cảnh báo rằng nếu Bắc Kinh trả đũa, điều đó có thể gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu sang Trung Quốc, cũng như khiến việc làm ăn của các công ty châu Âu đã đầu tư mạnh vào đó trở nên khó khăn hơn. Trung Quốc cũng có thể đe dọa hạn chế đầu tư vào “lục địa già”.
Phản ứng dữ dội tiềm ẩn đó đang gây căng thẳng cho ngành công nghiệp, đặc biệt là do các mối quan hệ địa chính trị đang xấu đi.
“Chúng tôi thích không có hạn chế hơn”, CEO một hãng ô tô Đức nói với Politico. “Nó có thể gây ra những hậu quả không mong muốn đối với quan hệ thương mại EU-Trung Quốc. Nếu thực sự có các biện pháp hạn chế, phía Trung Quốc sẽ không bỏ qua điều này”.
An ninh kinh tế
Thị trường Trung Quốc từ lâu đã là một “con bò sữa” đối với các nhà sản xuất ô tô lớn của Đức, với những hãng như Volkswagen và Mercedes-Benz thu được lợi nhuận từ việc bán các mẫu động cơ đốt trong cao cấp tại một thị trường nơi đã nhanh chóng dẫn đầu thế giới về phương tiện giao thông sử dụng năng lượng “sạch”.
Nhưng với sự thống trị vô song của họ trong công nghệ pin xe điện, các thương hiệu địa phương, chẳng hạn như BYD, Great Wall và Nio, đang làm xói mòn thị phần của các nhà sản xuất ô tô nước ngoài ở cả thị trường đại chúng và phân khúc cao cấp, gây rủi ro hàng tỷ Euro doanh thu cho các nhà sản xuất ô tô Đức.
Điều đó làm cho việc tiếp cận không hạn chế vào thị trường ô tô Trung Quốc trở nên cần thiết đối với các thương hiệu lớn của Đức, nhưng đó là một câu chuyện khác đối với các đối thủ Pháp như Renault và Stellantis khi họ ít hoạt động hơn ở Trung Quốc và nhạy cảm hơn với các nhà sản xuất xe điện giá rẻ.
“Các nhà sản xuất ô tô Pháp tiếp xúc rất nhiều với thị trường nội địa của chính họ”, ông Matthias Schmidt, một nhà phân tích về công nghiệp ô tô cho biết. “Nếu sự thống trị thị trường trong nước của họ bị suy giảm do sự xuất hiện của những tay chơi mới từ Trung Quốc, những nhà sản xuất ô tô Pháp đó sẽ gặp rắc rối lớn và nền kinh tế Pháp cũng vậy”.
Tuy nhiên, nhiều thứ đã thay đổi kể từ cuộc tranh cãi về tấm pin năng lượng mặt trời một thập kỷ trước. Trên khắp EU, một nhận thức đang dần hiện lên rõ rằng rằng châu Âu cần có lập trường quyết đoán hơn đối với Bắc Kinh.
Ngay cả ở Đức, các quan chức hiện lo ngại doanh số bán xe điện của Trung Quốc sẽ đè bẹp ngành công nghiệp ô tô của châu Âu – một trong những ngành sử dụng lao động và “hái ra tiền” lớn nhất của cựu lục địa.
Tuần tới, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sẽ công bố một chiến lược an ninh kinh tế mới của EU, bổ sung yếu tố an ninh quốc gia vào chính sách kinh tế của khối. Chiến lược này, sẽ được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU vào cuối tháng 6, là dấu hiệu mới nhất cho thấy EU đang rời bỏ chính sách thương mại tự do phóng khoáng kéo dài hàng thập kỷ của mình để hướng tới một tư thế phòng thủ hơn.
Đề xuất về điều tra chống bán phá giá đối với xe điện Trung Quốc có nhiều cơ hội thành công, theo bà Elvire Fabry, một chuyên gia thương mại tại Viện Jacques Delors ở Paris.
“Rất có khả năng EC sẽ sớm có tất cả thông tin cần thiết để đưa ra các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp một cách hiệu quả, và chúng tôi đã có tiền lệ với các tấm pin mặt trời”, bà nói, đồng thời dự đoán rằng lần này mọi thứ có thể sẽ khác và các nước châu Âu sẽ đoàn kết hơn.
“Bối cảnh đã thay đổi sâu sắc, các bài học về trường hợp tấm pin mặt trời đã được rút ra, và sẽ không có chuyện lặp lại điều này đối với xe điện”, vị chuyên gia Pháp nhận định.
Minh Đức (Theo Politico, GeoTV)