Một thời sống với văn chương
Tôi hẹn gặp ông tại nhà, ngôi nhà cấp 4 nằm sâu trong con hẻm trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận 3, TP.HCM. Trước mặt tôi là một người đàn ông quắc thước, gương mặt phong trần, mái tóc điểm sương. Ông bảo đang soạn lại đồ nghề và chờ tôi đến để biểu diễn...
Ảo thuật gia Y23 đang biểu diễn màn ảo thuật cho PV xem.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thượng lưu ở Huế, từ nhỏ, ông đã say đắm văn chương. Tốt nghiệp trung học, ông thi vào khoa Văn của Viện Đại học Đà Lạt, nay là Đại học Đà Lạt. Nơi đây đã giúp ông có một thời văn chương đáng nhớ.
Ông kể, học ở trường được 2 năm thì một tai nạn xảy ra khiến ông không đi lại được. Buồn, chán, bản tính vốn phóng túng, thích nay đây mai đó nên ông quyết định nghỉ học và chuyên tâm vào "ngòi bút", cái nghề ông đã ấp ủ từ rất lâu.
Ông viết tiểu thuyết, làm thơ, nghiên cứu triết học, in sách, rồi trở thành phóng viên bất đắc dĩ của một tờ báo lớn ở Sài Gòn.
Không lâu sau, với bút danh Quang Dạ Thanh, ông đã cho ra đời những tác phẩm "bán chạy" một thời.
Trong số những tác phẩm của mình, ông tâm đắc nhất tiểu thuyết đầu tay “Những nốt nhạc cuối cùng”. Nói về cuốn tiểu thuyết này, ông bồi hồi tưởng nhớ về câu chuyện mang tinh thần và tư tưởng sống của chính mình, một câu chuyện đầy chất nghĩa hiệp và lãng mạn của tên cướp khét tiếng với một tiểu thư tuyệt sắc, con nhà giàu...
Cũng trong thời gian sống với văn chương, ông đã trải qua một cuộc tình mà theo ông, nó đã khiến ông hạnh phúc, buồn bã lẫn đau đớn... Vì vậy ông đã tìm một công việc và nơi ở khác để nguôi ngoai nỗi buồn.
Vào Sài Gòn, ông làm đủ thứ nghề để sống, từ kinh doanh buôn bán đến giám sát công trình...Rong ruổi mãi để rồi cách đây 3 năm, ông trở thành một ảo thuật đường phố. Nói về sự thay đổi này, ông chia sẻ: "Thật ra con người có một nguồn mạch cảm xúc, khi nguồn mạch đó được ta khơi, được ta sống cùng thì lúc nào nó cũng trong và đầy sinh khí. Nhưng một khi ta thay đổi, không chịu khơi nó, thậm chí né tránh nó thì dần dần nguồn mạch đó sẽ bị cạn kiệt đi...".
Tuy kinh qua nhiều công việc, bỏ văn chương là một điều không phải dễ nhưng ông không hối tiếc. Bởi lẽ mỗi nghề có cái hay riêng của nó.
Ông lý giải: "Nếu xem văn chương là nghệ thuật, là việc của văn nghệ sĩ thì ảo thuật cũng là một việc đậm chất nghệ sĩ. Cái cốt yếu là ở mỗi người thấy vui với nó, có sự đam mê, sáng tạo, chú trọng chất lượng và giá trị tinh thần cho những "đứa con" của mình".
Ảo thuật gia đường phố
Ảo thuật tuy không phải là lựa chọn đầu tiên nhưng theo ông, nó là đích đến cuối cùng. Bắt đầu từ việc học dăm ba ngón nghề của một người anh, ông miệt mài ngày đêm học hỏi, tập luyện, sáng tạo để trở thành một ảo thuật gia thực thụ với nhiều trò hấp dẫn mà nhiều người trong nghề phải nể phục. Và nghệ danh Y23 đã có tiếng tăm trong làng ảo thuật Việt...
Nói về nghệ danh của mình, ông thích thú: "Do mình thích nhạc sĩ Y Vân nên mình lấy chữ Y, còn số 23 chỉ là sự lựa chọn ngẫu nhiên mà thôi". Đến nay, ông có thể làm rất nhiều trò ảo thuật: Nhả bóng đèn, xuyên kiếm, ảo thuật với những quân bài, những sợi dây, nâng người khỏi mặt đất, chiếc bàn bay, biến hóa những tờ tiền...
Tôi đã được xem ông biểu diễn các tiết mục và lấy làm thán phục vô cùng. Đặc biệt nhất là tiết mục "Cửu diện nhân". Theo ông, "Cửu diện nhân" là khả năng thay đổi 9 khuôn mặt khác nhau một cách nhanh chóng trước mắt mọi người, đây là môn ảo thuật xuất phát từ Trung Quốc và hiện nay ở Việt Nam chỉ duy nhất một mình ông làm được...
Ảo thuật gia Y23 đang biểu diễn trên đường phố.
Nghề ảo thuật rất cần sự dày công, khổ luyện để đạt đến độ chuyên nghiệp, nếu không, khi biểu diễn sẽ rất dễ bị "lộ tẩy".
Ngày mới vào nghề, ông cũng đã gặp phải không ít khó khăn. ông kể: "Đó là lần biểu diễn đầu tiên của mình trên sân khấu với tiết mục "Cửu diện nhân". Khi mình đã biến ra hết những khuôn mặt thì không thể biến ra khuôn mặt bình thường được nên bị ông bầu la, tuy nhiên lúc đó khán giả cũng vỗ tay cuồng nhiệt"...
Giờ đây, mỗi ngày nếu không có "sô" biểu diễn ở các phòng trà, nhà hàng hay phục vụ cho các khu du lịch thì ông sẽ có mặt trước cổng Nhà thi đấu Phú Thọ, trên đường Lý Thường Kiệt, quận 11 để biểu diễn cho khách qua đường xem. Khi có ai muốn học một vài trò, ông sẽ nhiệt tình chỉ dạy với số tiền chỉ vỏn vẹn 20.000 đồng.
Có thể nói, ảo thuật một thời là thú chơi của người có "của ăn của để". Những năm 70 - 90 của thế kỷ trước có câu "nhất cải lương nhì ảo thuật" để chỉ sự cuốn hút và xa xỉ của nó còn bây giờ, ảo thuật theo ông phải bình dân, phải đến với nhiều người và nhất là những người lao động, nghèo khó. Ông giải thích người nghèo họ thích ảo thuật lắm, vì nó như một phép mầu. Và thực tế cho thấy hiện nay, có rất nhiều người sau một ngày lao động vất vảó đã tìm học ảo thuật. Họ không chỉ vì sự tò mò, nhu cầu giải trí mà vì ảo thuật là một nghề có thu nhập rất khá.
Ngoài việc đi làm và dạy, ông còn tự mày mò và chế tạo ra rất nhiều dụng cụ là phương tiện để phục vụ cho ảo thuật vốn thường phải nhập từ nước ngoài.
Nếu như một cái bàn bay phải nhập từ bên Mỹ với giá đến 5 triệu đồng thì ông tự chế có giá thành thấp hơn đến 10 lần. Rồi những quân bài, bút, một số đồ nghề khác... phải nhập với giá hàng trăm ngàn nhưng với sự sáng tạo của ông, những sản phẩm đó có giá thấp hơn đến hàng chục lần.
Đây được xem là một thành quả rất ý nghĩa và đáng trân trọng cho giới ảo thuật. Vì nó không chỉ thể hiện trình độ của ảo thuật Việt mà còn là điều kiện để ảo thuật Việt được nhân rộng và gần gũi công chúng nhiều hơn...
Nói về dự tính tương lai, ông bảo: "Mình thấy mình còn phải phấn đấu với nghề nhiều hơn nữa. Nếu ai muốn học và sống với nghề ảo thuật thì mình rất sẵn lòng giúp đỡ để người đó có cuộc sống tốt hơn"...
Ảo thuật đường phố hay người ta gọi là street magic khác với ảo thuật trên sân khấu ở chỗ, ảo thuật đường phố không có sự hỗ trợ kỹ xảo từ sân khấu, tất cả là do sự biến hóa thủ công của người nghệ sĩ... |
Nguyên Pháp