Theo Zing, vùng lãnh thổ nằm bên trong khu vực biên giới của Yemen là một trong những cái nôi của nền văn minh lâu đời nhất ở Trung Đông với tên gọi cổ xưa là "Arabia Felix", có nghĩa là "hạnh phúc" hoặc "may mắn". Đất đai của Yemen cũng màu mỡ và trù phú hơn những khu vực khác trên bán đảo Arab do lượng mưa hàng năm nhiều hơn. Nhưng do nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt bao gồm trữ lượng dầu mỏ, Yemen hiện là một quốc gia nghèo khó với dân số khoảng 26 triệu người.
Song, quốc gia này vẫn nắm giữ một vị trí chiến lược ở khu vực cực tây nam Arab. Theo đó, Yemen nằm dọc theo tuyến đường biển lớn nối châu Âu với châu Á, cũng như nằm gần một số tuyến đường thủy thương mại hoạt động sầm uất nhất trên biển Đỏ.
Mỗi ngày, có tới hàng triệu thùng dầu được chuyên chở qua các tuyến đường này trên hành trình tới Địa Trung Hải thông qua kênh đào Suez cũng như từ các nhà máy lọc dầu ở Saudi Arabia tới thị trường châu Á. Cảng Aden của Yemen được đánh giá là một trong những khu cảng hoạt động nhộn nhịp nhất trên thế giới trong thế kỷ 20.
Quốc gia trẻ Yemen là vùng đất có lịch sử hình thành cách đây hàng nghìn năm. Tuy nhiên, đất nước Yemen hiện đại vẫn chỉ là một quốc gia trẻ bởi các đường biên giới của nước này mới chỉ được phân định vào năm 1990 sau khi miền Bắc và Nam Yemen thống nhất. Trước đó, người dân ở hai miền đất này liên tiếp giao tranh với nhau. Bắc Yemen đã thành lập nhà nước Cộng hòa vào năm 1970 sau nhiều năm bùng nổ cuộc nội chiến giữa những người theo chế độ quân chủ và cộng hòa.
Cuộc chiến này ban đầu nhận được sự hỗ trợ từ Saudi Arabia và sau đó là Ai Cập. Ngay cả cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh cũng đã giành quyền lãnh đạo thông qua hành động quân sự và nắm quyền trong hàng thập niên.
Nam Yemen bắt tay với Tổng thống Saleh ở Bắc Yemen vào năm 1990, nhưng họ nhanh chóng quay lại vòng xoáy bất đồng và tiếp tục một cuộc nội chiến mới, khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Kết quả, ông Saleh đã giành chiến thắng.
Ngoài những thành phố rộng lớn, Yemen còn có hàng loạt bộ lạc đang tồn tại dưới dạng tự trị. Nhiều người cho rằng số lượng vũ khí ở Yemen hiện còn nhiều hơn cả dân số nước này. Chính vì phần lớn người dân Yemen đều có vũ khí, nên các tay súng trong bộ lạc vẫn thường xuyên chiến đấu chống lại lực lượng quân đội quốc gia.
Thậm chí, các bộ lạc còn thực thi luật lệ của riêng mình thay vì hiến pháp quốc gia. Đây chính là lý do giúp lực lượng nổi dậy Houthis nhanh chóng phát triển thành lực lượng phiến quân hùng mạnh nhất tại Yemen.
Đại đa số người dân Yemen theo đạo Hồi nhưng họ lại bị chia cắt vì đi theo dòng Sunni và dòng Zaidi Shia. Những mâu thuẫn giữa người Sunni và Shia đều xuất phát từ cuộc xung đột tôn giáo suốt một thời gian dài liên quan người kế vị Nhà tiên tri Mohammed.
Trong khi người Shia cho rằng chỉ có họ hàng của Nhà tiên tri mới xứng đáng là người kế nhiệm, người Sunni lại muốn đưa một người bạn thân kiêm cố vấn của Nhà tiên tri Mohammed là ông Abu Bakr lên ngôi Vua Hồi.
Nhóm phiến quân Houthi đại diện cho người Zaidi theo dòng Hồi giáo Shiite ở cực bắc Yemen, nằm ngay cạnh biên giới Arab. Tên gọi của tổ chức này được lấy theo tên của dòng họ đứng đầu bộ lạc. Thủ lĩnh tôn giáo của người Zaidi và từng là một thành viên trong Quốc hội Yemen, ông Hussein Badreddin al-Houthi đã bị chính phủ Yemen cáo buộc chỉ huy cuộc nổi dậy của phiến quân Houthi khi tổ chức các cuộc biểu tình bạo lực chống lại người Israel và người Mỹ vào năm 2014. Sau khi phát lệnh truy nã al-Houthi, chính quyền Yemen đã ra lệnh bắt giữ hàng trăm người và tiêu diệt được vị thủ lĩnh này. Thậm chí, hàng chục người ủng hộ ông al-Houthi cũng đã bị giết. Kể từ đó, lực lượng phiến quân Houthi đã chủ động tấn công quân đội chính phủ Yemen, đồng thời đòi mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị và cáo buộc chính phủ liên minh với phái bảo thủ cực đoan Wahhabi ở Saudi Arabia trong khi phớt lờ sự phát triển của quốc gia và những yêu cầu thiết yếu từ các bộ lạc người Zaidi.
Tổng thống Yemen đương nhiệm Abed Rabbo Mansour Hadi cho rằng phiến quân Houthi đã nhận được sự hỗ trợ từ lực lượng Hezbollah.
Tuy nhiên, một số quan chức phương Tây lại cáo buộc Iran mới chính là nguồn hỗ trợ tài chính lớn cho Houthi để giành quyền kiểm soát khu vực bờ biển Đỏ trên lãnh hải Yemen. Song, chính lực lượng Houthi đã phủ nhận những lời cáo buộc trên.
Thảm kịch của những em bé
Suy dinh dưỡng nặng, nguy cơ tử vong cao do dịch bệnh hay thiệt mạng do bom đạn, trẻ em Yemen đang trở thành nạn nhân hứng chịu hậu quả nặng nề nhất từ nạn đói và cuộc xung đột kéo dài suốt nhiều năm qua tại quốc gia Trung Đông này.
Phát biểu ngày 4/11/2018 trước báo giới tại thủ đô Amman của Jordan, ông Geert Cappelaere, Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khu vực Trung Đông và Bắc Phi, đã mô tả Yemen ngày nay, đất nước liên tục bị nhấn chìm trong vòng luẩn quẩn của bạo lực, đói nghèo, bệnh tật, đã trở thành một "địa ngục trần gian" không phải với 50% hay 60% trẻ em mà là đối với "mọi bé trai và bé gái" tại đây.
Theo ông, cứ mỗi năm lại có 30.000 trẻ em tử vong vì suy dinh dưỡng tại Yemen, trong khi cứ mỗi 10 phút lại có 1 em chết vì các căn bệnh thông thường vốn có thể dễ dàng phòng ngừa.
Thống kê của UNICEF cho thấy 1,8 triệu trẻ em Yemen dưới 5 tuổi hiện đang bị suy dinh dưỡng trầm trọng, trong khi cuộc sống của 400.000 em khác cũng đang bị đe dọa.
Quan chức UNICEF nhấn mạnh những con số này là "một sự nhắc nhở đối với tất cả chúng ta rằng tình hình đã trở nên tàn khốc đến mức nào".
Trước thực trạng trên, ông kêu gọi tất cả các bên xung đột tại Yemen tham gia các cuộc hòa đàm do đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) Martin Griffiths làm trung gian hòa giải, dự kiến diễn ra tại Thụy Điển vào cuối tháng này, và nhất trí về một lệnh ngừng bắn, cũng như một lộ trình hòa bình cho Yemen.
Đào Vũ (Tổng hợp)