Cha mất con, vợ mất chồng, anh em chia lìa hai cõi âm, dương trong tột cùng đau khổ. Nhưng có vẻ như câu nói thời gian có thể chữa lành mọi vết thương chưa thật đúng trong trường hợp này, nhất là đối với những đứa trẻ khi chúng chưa đủ bản lĩnh gạt bỏ ký ức kinh hoàng để sống với những ngày "không gia đình" của hiện tại.
Dù có nương tựa vào nhau nhưng những người phụ nữ Mông mất chồng vẫn rất khó để nguôi ngoai nỗi đau. Ảnh: Phạm Hạnh - Dương Thu.
Những ngôi nhà chỉ có... phụ nữ nuôi con
Chúng tôi đến La Pán Tẩn vào một ngày cuối tháng 9. Con đường đi từ Ngã Ba Kim vào La Pán Tẩn chỉ chừng hơn 3km nhưng chúng tôi phải thay phiên nhau cầm lái, liên tục về số 1, kéo ga leo dốc, gần một tiếng sau mới vào đến trung tâm xã. Cái lạnh sớm ở vùng Tây Bắc khiến buổi chiều thu xã vùng cao này có chút gì đó u tịch, mênh mang. Khu vực trung tâm xã đang trong giai đoạn xây dựng trụ sở mới, công trình xung quanh còn ngổn ngang gạch đá, bụi bặm. Lẫn giữa các phòng ban của bưu điện, dự án xây dựng, tín dụng, phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm đến phòng của các vị cán bộ xã. Tiếp chúng tôi trong căn phòng ngổn ngang đồ đạc là Bí thư Đảng uỷ xã Giàng Chứ Ly. Ông Ly thở dài chia sẻ, từ sau tai nạn sạt núi kinh hoàng tháng 9/2012, đời sống của người dân các bản đã khó khăn lại muôn phần khó khăn. Những người mất mạng một năm trước phần lớn đều là nam giới, là lao động chính. Nhiều gia đình chỉ còn trơ lại người phụ nữ và mấy đứa con thơ. Những người đàn bà ấy dọn về ở với nhau, nép vào nhau dưới những mái nhà ọp ẹp, rách nát để cùng sưởi ấm cho nhau đi qua những tháng ngày góa bụa, cô quạnh.
Đó là trường hợp đau lòng ở thôn Trống Páo Sang. Hai anh em trai là Hảng A Danh và Hảng A Sùng đều không thể thoát khỏi sức tàn phá kinh hoàng của vụ sạt lở. Sau nhiều ngày đau xót nhớ thương, Thào Thị Chay đã chủ động rủ cô em dâu là Hờ Thị Chay dọn về một nhà sinh sống. Một là cho cả hai đỡ phần cô quạnh lúc nhớ, khi thương chồng. Nhưng điều quan trọng hơn là họ tựa vào nhau vì cái ăn cái ở trong cuộc sống thường ngày. Khi hai chủ lực lao động trong gia đình đã vĩnh viễn nằm lại với núi đá không về, kinh tế của cả hai gia đình đều sa sút trông thấy. Trước đây, có người đàn ông lo toan, họ cũng có một bờ vai để tựa. Dù có nghèo, họ vẫn vững được cái tâm. Nhưng giờ đây, khi cả hai điểm tựa không còn, dù muốn đứng vững một mình, họ cũng không làm được. Vẫn là chị là em chẳng đi đâu mà thiệt, họ dọn về ở cùng nhau với ước mong hai sự sống liêu xiêu sẽ hợp lực với nhau, nhen nhóm một điểm tựa cho những đứa con thơ.
PCT hội Nông dân xã, anh Hảng A Trừ dẫn PV đến với ngôi nhà cheo leo trên sườn vách núi gặp Hảng Thị Sông. Ảnh: Phạm Hạnh - Dương Thu.
Bơ vơ đường vào đời
Mất đi một người thân đã đau xót, một đứa trẻ mới 12 tuổi mà mất cả cha mẹ và anh trai trong cùng một ngày thì sẽ đau xót nhường nào. Ấy vậy mà Hảng Thị Sông, cô bé là học sinh lớp 7 của trường THCS La Pán Tẩn phải gánh chịu tai họa ấy. Người cha Hảng Tồng Chùa, mẹ Thào Thị Của và anh trai Hảng A Giàng vì men theo ánh sáng lấp lánh từ mỏ quặng, mưu sinh trên miệng tử thần mà đã mất mạng trong lòng núi mẹ, để lại Sông cùng người chị dâu trong ngôi nhà trống trải. Sau tai nạn bất ngờ, Sông hẳn phải có nghị lực lớn lắm để đối diện với cảnh không cha mẹ với cái đói cái nghèo cứ đeo đẳng từ ngày này qua ngày khác ở mảnh đất vốn dĩ đã cằn khô sự sống. Với mong muốn gặp được cô bé có hoàn cảnh gia đình không được may mắn ấy, chúng tôi tìm đến ngôi trường nằm ngay cạnh UBND xã. Những cô bé, cậu bé nhỏ thó, ánh mắt tròn xoe có đôi chút e dè khi thấy người lạ. Hỏi chuyện, chúng tôi được các em cho hay, Sông nghỉ học đã mấy ngày vì bị đinh đâm vào chân. Nhà Sông ở cách đây gần 2km, qua một ngọn đồi là đến.
Sau khi cha mẹ và anh trai qua đời, người chị dâu đi bước nữa, Sông dọn về ở cùng chú và thím dâu. Men theo con đường dốc đứng mới rải đá cấp phối nham nhở mù mịt bụi, chúng tôi đến nhà của Hảng Thị Sông sau hơn nửa tiếng căng não với những con đường. Ngôi nhà gỗ nhỏ nằm dưới chân một quả đồi nơi đón hướng gió. Mùa này, chắc ngôi nhà lạnh lắm vì nằm trên đường đi của những cơn gió lạnh luồn lách giữa khe núi.
Thật không may mắn, khi chúng tôi đến, Sông lại đi chăn trâu từ sáng chưa về. Ở nhà chỉ còn người thím dâu và đứa bé chừng 1 tuổi. Để trò chuyện với chị Hờ Thị Ka, thím dâu của Sông, chúng tôi phải nhờ đến người cán bộ xã đi cùng phiên dịch vì chị Ka không biết tiếng Kinh. Khi chúng tôi hỏi thăm tình hình sức khoẻ của cô bé, người phụ nữ không nhớ được tuổi của mình có phần ngượng ngùng chia sẻ, Sông đi khiêng gỗ với chú về sửa lại nhà để tránh rét thì bị đinh đâm vào chân. Vết đau cũng đã đỡ nhiều nhưng Sông nói ở nhà chán, cũng chẳng muốn đến trường nên đi chăn trâu cùng bạn, không biết khi nào sẽ về.
Qua những lời trò chuyện đứt quãng, chúng tôi cũng phần nào hiểu được hoàn cảnh gia đình mới của Hảng Thị Sông. Ngôi nhà ấy may mắn còn có một người đàn ông làm chỗ dựa. Kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào trồng lúa, hái táo mèo thuê và một con trâu. Mấy năm trước, táo mèo còn được giá, nhiều người mua nhưng thời gian gần đây, diện tích trồng bị thu hẹp, thương lái kém mặn mà nên nguồn thu từ loại thảo quả này không đáng là bao. Cũng giống như những gia đình người Mông khác, từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 10, chú thím Sông lại phải đối diện với cái đói dai dẳng. Tài sản đáng giá duy nhất là con trâu mộng trong chuồng thì được dùng làm sức kéo và gây giống. Hiện tại, việc học tập của Sông được Nhà nước hỗ trợ nên hầu như không phải đóng góp gì. Tuy nhiên khi nói về tương lai của Sông, người thím dâu chỉ biết cười trừ bởi nhà nghèo, chị không biết có thể lo cho Sông đi học đến khi nào.
Theo lời kể của chị Hờ Thị Ka, thời gian đầu khi cha mẹ và anh trai mới qua đời, Sông buồn và khóc nhiều lắm. Cả ngày chẳng trò chuyện cùng ai, lúc hứng lên thì Sông đến trường, khi buồn chán lại bỏ đi chơi. Người chị dâu lấy chồng xa một tháng cũng về thăm đôi lần và thi thoảng cho Sông được sáu bảy nghìn đi mua kẹo. Dù thương Sông lắm nhưng chị Ka cũng chỉ biết thể hiện bằng cách lo cho Sông có bữa ăn no bụng và mấy bộ quần áo thay đổi. Khi dạy dỗ, chị Ka cũng chẳng dám nói gì nặng lời bởi không phải cha mẹ đẻ. Sông là cô bé ngoan nhưng có lẽ sau khi gia đình gặp chuyện không may nên đôi lúc sinh ra lầm lì, bướng bỉnh. Đôi khi Sông rất nghe lời, nhưng có lúc chỉ cần hơi nói nặng là bỏ đi, lang thang vào rừng chơi cả ngày đến tối mới về. Sông luôn nói, em không có cha mẹ và ngôi nhà hiện tại đang sống chỉ là ở nhờ mà thôi.
Nghe câu chuyện về cô bé Sông mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Tai nạn sạt lở núi kinh hoàng không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân nghèo chân chất hiền lành mà còn cướp đi tuổi thơ của biết bao đứa trẻ, tương lai vốn dĩ đã không mấy sáng sủa nay càng thêm mờ mịt. Có nơi ăn chốn ở nhưng như những đứa trẻ không gia đình, các em bơ vơ giữa núi rừng mong tìm lại chút kỷ niệm rơi rớt bên những người thân yêu...mà chỉ thấy đá sỏi trơ trọi với mưa rừng sương núi.
Không đủ khả năng nuôi con Ông Giàng Chứ Ly cho biết: “Trường hợp của Hảng Thị Sông dù rất đau xót nhưng cũng là một sự may mắn lớn của cuộc đời khi em còn người thân có thể cưu mang. Nhiều đứa trẻ sau vụ sạt lở, do gia đình mất hẳn tiềm lực kinh tế là chồng, là cha đã phải nuốt nước mắt ôm con đi gửi làng trẻ S.O.S”. |
P.Hạnh - D.Thu