Yên Bái: Hôn nhân cận huyết tăng nhanh

Yên Bái: Hôn nhân cận huyết tăng nhanh

Thứ 2, 21/01/2013 09:34

Hiện nay, vấn đề hôn nhân cận huyết đang xẩy ra ở một số huyện vùng cao, vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Theo quan niệm của người H’Mông, dù là anh em ruột nhưng chị đã đi lấy chồng mang họ khác là các con có thể lấy nhau được; bởi nếu con cháu cùng nhà kết hôn với nhau sẽ gần gũi hơn, không phải phân chia tài sản cho người ngoài và không sợ mất con.

Xã hội - Yên Bái: Hôn nhân cận huyết tăng nhanh

Chính vì quan niệm lệch lạc trên, nên từ khi sinh ra cháu bé Vàng A Dua, con trai đầu lòng của anh Vàng A Chua và chị Mùa Thị Chia ở thôn Ba Cầu, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn đã bị dị tật ở bàn tay. Vì mẹ của chị Chia và bố đẻ của anh Chua là hai chị em ruột. Cho dù có sự ngăn cản của chính quyền địa phương đôi bạn trẻ này vẫn kết hôn với nhau.

Theo khảo sát của Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh Yên Bái tại 11 xã nằm trong vùng dự án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, trong năm 2011 đã có 260 cặp kết hôn nhưng trong đó có tới 185 cặp không có đăng ký kết hôn; đồng thời đã phát hiện ra 10 trường hợp hôn nhân cận huyết thống tại 3 xã. Điển hình như xã Bản Công, huyện vùng cao Trạm Tấu trong năm qua đã có 4 cặp hôn nhân cận huyết thống. Đáng chú ý, trong tổng số 18 cán bộ chủ chốt xã thì có tới 8 trường hợp có con cháu ruột tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Đây thực sự là những thách thức lớn trong công tác nâng cao chất lượng dân số tại những vùng đồng bào dân tộc ở vùng cao.

Trước những vấn đề về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Yên Bái  là 1 trong 5 tỉnh được Bộ Y tế triển khai dự án can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết nhằm nâng cao chất lượng dân số. Dự án này được triển khai tại 11 xã thuộc 4 huyện Văn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Dù bước đầu đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề này, tuy nhiên, để thay đổi những tập tục đã ăn sâu bén rễ trong đồng bào từ bao đời nay không phải là chuyện dễ thực hiện.

Theo đó, các cấp, các ngành phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân. Tập trung vào các đối tượng như ông bà, cha mẹ thấy tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết, để ngăn chặn con cháu. Tích cực đẩy mạnh công tác giáo dục sức khỏe sinh sản trong nhà trường, nhất là đối với học sinh nữ để các em nhận thức được kết hôn sớm, kết hôn cận huyết sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và nòi giống sau này. Bên cạnh đó chính quyền cơ sở cần có hình thức xử phạt thích hợp, xây dựng các quy ước, hương ước về luật hôn nhân và gia đình tới các dòng họ, thôn, bản. Có như vậy tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở vùng đồng bào dân tộc mới được giảm thiểu, góp phần nâng cao chất lượng dân số cũng như chất lượng cuộc sống của người dân ở vùng cao.

Ánh Dương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.