Ngồi trước cửa ngôi nhà của mình, Nagusi Lolemu, một phụ nữ đứng tuổi với đôi bàn tay khéo léo tinh tế thoăn thoắt xâu những chuỗi hạt trang sức màu đỏ. Với giọng nói êm ái, cô kể về câu chuyện của mình. Câu chuyện của Nagusi Loleme cũng giống như nhiều cô gái khác ở ngôi làng này: Cô trở thành góa phụ sau cuộc hôn nhân kéo dài nhiều năm. Ngay sau khi người chồng qua đời, cô bị chính những người trong cộng đồng nơi cô gọi là nhà từ chối, đuổi đi. “Đã có quá nhiều phụ nữ độc thân” - cô giải thích. Phụ nữ độc thân không được phép sở hữu tài sản trong văn hóa Samburu, phía Bắc Kenya, phụ nữ nói chung cũng không được học hành, và bị coi như một gánh nặng tài chính đối với cộng đồng.
Phải rời bỏ chính ngôi nhà mình, Nagusi tới sống ở Umoja được 22 năm, có 2 người con đã trưởng thành. Giờ đây, cô không thất vọng về quyết định đến Umoja. “Các con tôi được học hành, làm việc và cống hiến cho gia đình và cộng đồng. Trong một ngôi làng bình thường, điều này không bao giờ có thể xảy ra” - Nagusi nói.
Ở ngôi làng trước đây cô từng sống, cũng giống như bất kỳ cộng đồng truyền thống nào ở Kenya, phụ nữ có rất ít cơ hội được giáo dục cũng như hưởng lợi ích tài chính. Con gái cô lớn lên cũng sẽ giống như cô, không biết chữ và phụ thuộc vào đàn ông, từ bất cứ nhu cầu cơ bản nào cho bản thân. “Còn ở đây, điều hiển nhiên là mọi người đều bình đẳng” - Nagusi nói.
Trong nền văn hóa của khu vực Samburu có một câu nói: “Đàn ông là cái đầu của cơ thể, còn phụ nữ là cái cổ”. Đầu luôn ở trên cổ, cổ là chỗ tựa cho cái đầu, và cái đầu luôn vượt lên trên, át cái cổ. Tuy nhiên, ở ngôi làng Umoja này, câu “thần chú” này không hề tồn tại. Những người phụ nữ ở Umoja nói rằng: “Chúng tôi chính là những cái đầu của chúng tôi, chứ không phải đàn ông”.
Từ cuộc trốn chạy
Lịch sử Umoja bắt đầu vào năm 1990, khi một tập thể 15 phụ nữ Samburu, bắt đầu bán những xâu chuỗi hạt đồ trang sức thủ công và những hàng hóa khác để kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình họ. Khi nhóm này kiếm được nhiều tiền, họ phải đối mặt với những phiền toái ngày càng gia tăng do chính những người đàn ông trong cộng đồng. Họ cảm thấy rằng việc kiếm tiền không thích hợp với phụ nữ, những người vốn xưa nay phụ thuộc vào đàn ông.
Không đồng tình với điều này, những người phụ nữ do Rebecca Lolosoli dẫn đầu đã quyết định bỏ trốn và bắt đầu xây dựng ngôi làng riêng của mình, để đảm bảo an toàn khỏi những người đàn ông tìm cách phá hoại. Rebecca Lolosoli đã nuôi ý định về một ngôi làng dành riêng cho phụ nữ từ khi bà phải nằm viện do bị một nhóm đàn ông tức giận đánh đập gần chết trước việc bà luôn đứng ra bảo vệ những phụ nữ bất hạnh và đòi quyền lợi cho phụ nữ.
Ngày nay, Umoja là “ngôi nhà” của 48 phụ nữ đến từ khắp nơi trên đất nước Kenya. “Chúng tôi luôn cố gắng đối xử thật tốt với nhau, cùng làm việc và vui đùa để quên đi những ngày buồn khổ” - bà Rebecca nói. Mỗi người đến đây là một câu chuyện buồn - một số cô gái trẻ chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân cưỡng ép, lấy những người đáng tuổi cha, ông họ, những người khác thì bị hãm hiếp hay bị lạm dụng tình dục và cả những góa phụ, những người bị cộng đồng xa lánh.
Những người dân làng dựa vào việc bán những xâu chuỗi hạt thủ công và lợi nhuận thu được từ địa điểm du lịch cắm trại và trung tâm văn hóa, hồ bơi gần đó tạo lập một ngân quỹ tập thể nuôi sống chính mình. Ngoài việc cung cấp thực phẩm và các nhu yếu phẩm cơ bản cho dân làng, lợi nhuận được sử dụng để trang trải chi phí y tế và hoạt động của một trường học dạy cả trẻ em và người lớn, những người muốn học hỏi các kỹ năng cơ bản và biết đọc, biết viết.
Nâng cao sự “đồng thuận”
Umoja, trong tiếng Swahili ở Kenya nghĩa là “đồng thuận”. Trong suốt 23 năm kể từ khi được thành lập đến nay, ngôi làng này đã có tác động đáng kể không chỉ đối với những phụ nữ đã chọn Umoja là nhà mà còn đối với cả những cộng đồng xung quanh. Từ hình mẫu được thiết lập ở Umoja này, cùng với sự nỗ lực của các cư dân đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều phụ nữ trong khu vực.
Bà Celena Green, Giám đốc chương trình châu Phi của tổ chức Vital Voices làm việc với các phụ nữ Umoja nói: Sự tồn tại của Umoja đã cho phép các nhóm phụ nữ ở các ngôi làng khác xung quanh tìm hiểu từ việc được trao quyền để hành động đến niềm tự hào của phụ nữ Umoja. Phụ nữ từ các cộng đồng lân cận tham dự các buổi hội họp tại làng nhằm mục đích giáo dục phụ nữ và trẻ em gái về nhân quyền, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực. Khi những phụ nữ này trở về nhà, họ bắt đầu thay đổi văn hóa, yêu cầu một cộng đồng an toàn, không có bạo lực, nơi phụ nữ và trẻ em gái được quý trọng và được bảo vệ.
“Lý tưởng nhất là không có phụ nữ hay cô gái nào phải chạy trốn khỏi nhà để đến Umoja nữa. Nhưng cuối cùng, mục đích của Umoja là cung cấp một nơi trú ngụ khẩn cấp an toàn cho những người phụ nữ gặp khó khăn và điều quan trọng hơn là để đóng góp vào việc hướng tới xây dựng những cộng đồng nơi mọi người đều được tôn trọng” - bà Celena Green nói.