Tham dự buổi lễ trao bằng công nhận di tích Quốc gia đặc biệt và khai mạc Hội Xuân Yên Tử năm 2013 có Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Thiện Nhân cùng nhiều Đại diện Lãnh đạo đến từ trung ương, Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và hàng ngàn du khách thập phương, bà con phật tử trong nước cũng như quốc tế.
Chương trình Lễ đón bằng Di tích quốc gia đặc biệt, khai mạc Hội xuân Yên Tử năm 2013 được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình Trung ương và Đài Truyền hình Quảng Ninh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Di tích danh thắng Yên Tử là một địa chỉ quan trọng trong lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Vua Trần Nhân Tông đã 2 lần chỉ huy toàn dân đánh tan đoàn quân xâm lược Nguyên Mông. Sau đó, Phật hoàng Trần Nhân Tông trở thành vị Phật hoàng của Phật giáo Việt Nam, sáng tạo và phát triển thiền phái Trúc Lâm suốt chiều dài lịch sử dân tộc đến ngày nay”.
Yên Tử là ngọn núi cao trong dãy núi Đông Triều vùng đông bắc Việt Nam. Núi thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh được mệnh danh là "đất tổ Phật giáo Việt Nam".
Sau hai lần lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông thắng lợi, vua Trần Nhân Tông (1258-1308) đã rời bỏ ngai vàng, xuất gia về Yên Tử tu hành (năm 1299), lấy pháp hiệu Trúc Lâm Đại Đầu Đà, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo với một dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, đặc trưng Phật giáo của Việt Nam.
Như vậy, Quảng Ninh là địa phương duy nhất có 2 di tích quốc gia đặc biệt là di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử và di tích lịch sử Bạch Đằng.
Theo Giám đốc Ban quản lý di tích Yên Tử Nguyễn Trung Hải cho biết, trong dịp Tết di tích đón trên 250.000 lượt khách. Trong ngày khai hội, 200 cán bộ chiến sỹ đã được tăng cường bảo đảm an ninh.
Mùa lễ hội năm nay, du khách đến với Yên Tử có cơ hội được chiêm ngưỡng bức tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông đang ở giai đoạn hoàn thiện. Theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết, vị trí xây dựng tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông nằm trong tuyến bộ hành bằng đá tự nhiên, từ khu vực tượng đá An Kỳ Sinh lên chùa Đồng, được dựng trên khu đất rộng 2.200 m2. Nơi đây khi xưa vua Trần Nhân Tông tu hành thường chọn tọa thiền và ngắm cảnh. Tượng được lấy từ bản gốc bức tượng đá đang thờ tại Tháp tổ chùa Hoa Yên. Bức tượng khổng lồ này có trọng lượng 140 tấn đồng, thân tượng cao 9,9 mét.
Trước Yên Tử, Cổ Loa - kinh đô của nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương cũng đã được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.
Thiên Yết