Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 12/2022/TT-BTTTT về việc quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. Thông tư này được ban hành để thay thế cho Thông tư số 03/2017/TT-BTTTT ngày 24/4/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2022 và thay thế Thông tư 03/2017/TT-BTTTT ngày 24/4/2017.
Bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo 5 cấp độ
Theo đó, việc bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ thực hiện theo yêu cầu cơ bản quy định tại Thông tư này và Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11930:2017 về Công nghệ thông tin – các kỹ thuật an toàn – yêu cầu cơ bản về an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
Yêu cầu cơ bản đối với từng cấp độ là các yêu cầu tối thiểu để bảo đảm an toàn hệ thống thông tin, bao gồm yêu cầu cơ bản về quản lý, yêu cầu cơ bản về kỹ thuật và không bao gồm các yêu cầu bảo đảm an toàn vật lý.
Trong đó, yêu cầu cơ bản về quản lý, bao gồm: Thiết lập chính sách an toàn thông tin; tổ chức bảo đảm an toàn thông tin; bảo đảm nguồn nhân lực; quản lý thiết kế, xây dựng hệ thống; quản lý vận hành hệ thống; phương án Quản lý rủi ro an toàn thông tin; phương án kết thúc vận hành, khai thác, thanh lý, hủy bỏ hệ thống thông tin.
Yêu cầu cơ bản về kỹ thuật, bao gồm: Bảo đảm an toàn mạng; ảo đảm an toàn máy chủ; bảo đảm an toàn ứng dụng; bảo đảm an toàn dữ liệu.
Việc xây dựng phương án bảo đảm an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu cơ bản theo từng cấp độ thực hiện theo nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 85/2016/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Đối với hệ thống thông tin cấp độ 1, 2, 3: Phương án bảo đảm an toàn thông tin phải xem xét khả năng dùng chung giữa các hệ thống thông tin đối với các giải pháp bảo vệ, chia sẻ tài nguyên để tối ưu hiệu năng, tránh đầu tư thừa, trùng lặp, lãng phí.
Đối với hệ thống thông tin cấp độ 4, 5: Phương án bảo đảm an toàn thông tin cần được thiết kế bảo đảm tính sẵn sàng, phân tách và hạn chế ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống khi một thành phần trong hệ thống hoặc có liên quan tới hệ thống bị mất an toàn thông tin.
Ngoài ra, Thông tư cũng nêu rõ yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin đối với phần mềm nội bộ khi xây dựng mới hoặc mở rộng, nâng cấp: Phần mềm nội bộ được xây dựng mới hoặc mở rộng, nâng cấp phải tuân thủ Khung phát triển phần mềm an toàn; đáp ứng yêu cầu an toàn cơ bản đối với Phần mềm nội bộ.
Trường hợp hệ thống thông tin cấp độ 3 được triển khai dưới hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin tại Trung tâm dữ liệu hoặc Điện toán đám mây, thiết kế hệ thống phải đáp ứng các yêu cầu sau: Phải được thiết kế tách riêng, độc lập với các hệ thống khác về logic và có biện pháp quản lý truy cập giữa các hệ thống; các vùng mạng trong hệ thống phải được thiết kế tách riêng, độc lập với nhau về logic và có biện pháp quản lý truy cập giữa các vùng mạng; có phân vùng lưu trữ được phân tách độc lập về logic.
Trường hợp hệ thống thông tin cấp độ 4 hoặc cấp độ 5 được triển khai dưới hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin tại Trung tâm dữ liệu hoặc Điện toán đám mây, thiết kế hệ thống phải đáp ứng các yêu cầu: Phải được thiết kế tách riêng, độc lập với các hệ thống khác về vật lý và có biện pháp quản lý truy cập giữa các hệ thống; các vùng mạng trong hệ thống phải được thiết kế tách riêng, độc lập với nhau về logic và có biện pháp quản lý truy cập giữa các vùng mạng; có phân vùng lưu trữ được phân tách độc lập về vật lý; các thiết bị mạng chính phải được phân tách độc lập về vật lý.
Nội dung kiểm tra, đánh giá về an toàn thông tin
Theo đó, nội dung kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, bao gồm: Kiểm tra, đánh giá tuân thủ đối với Chủ quản hệ thống thông tin theo quy định tại Điều 20 Nghị định 85/2016/NĐ-CP, bao gồm: việc thực hiện thành lập/chỉ định đơn vị chuyên trách/bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin của chủ quản hệ thống thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 85/2016/NĐ-CP; việc thực hiện lập Hồ sơ đề xuất cấp độ, tổ chức thẩm định, phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ theo quy định đối với các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý; việc triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo phương án trong Hồ sơ đề xuất cấp độ được phê duyệt đối với các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý; việc tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin và quản lý rủi ro an toàn thông tin trong phạm vi cơ quan, tổ chức mình theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 20 Nghị định 85/2016/NĐ-CP; việc tổ chức thực hiện đào tạo ngắn hạn, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và diễn tập về an toàn thông tin theo quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 20 Nghị định 85/2016/NĐ-CP.
Kiểm tra, đánh giá tuân thủ đối với Đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin của chủ quản hệ thống thông tin theo quy định tại Điều 21 Nghị định 85/2016/NĐ-CP, bao gồm các nội dung: công tác tham mưu, tổ chức thực thi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thông tin; công tác thẩm định, phê duyệt hoặc cho ý kiến về mặt chuyên môn đối với Hồ sơ đề xuất cấp độ theo thẩm quyền quy định.
Kiểm tra, đánh giá tuân thủ đối với Đơn vị vận hành theo quy định tại Điều 22 Nghị định 85/2016/NĐ-CP.
Kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực thi các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin theo phương án bảo đảm an toàn thông tin được phê duyệt.
Bên cạnh đó, Thông tư 12/2022/TT-BTTTT cũng quy định nội dung kiểm tra, đánh giá hiệu quả của các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin theo phương án bảo đảm an toàn thông tin được phê duyệt, bao gồm:
Kiểm tra tính đầy đủ và phù hợp của Quy chế bảo đảm an toàn thông tin theo phương án bảo đảm an toàn thông tin về quản lý được phê duyệt.
Đánh giá việc tuân thủ các quy định, quy trình trong Quy chế bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình vận hành, khai thác, kết thúc hoặc hủy bỏ hệ thống thông tin.
Đánh giá việc thiết kế hệ thống theo phương án bảo đảm an toàn thông tin được phê duyệt.
Đánh giá việc thiết lập, cấu hình hệ thống theo phương án bảo đảm an toàn thông tin được phê duyệt.
Kiểm tra việc cấu hình, tăng cường bảo mật cho thiết bị hệ thống, hệ điều hành, ứng dụng, cơ sở dữ liệu và các thành phần khác liên quan trong hệ thống theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Hiện hành, theo Thông tư 03/2017/TT-BTTTT, đánh giá hiệu quả của biện pháp bảo đảm an toàn thông tin là việc rà soát một cách tổng thể, xác minh mức độ hiệu quả của phương án bảo đảm an toàn thông tin theo từng tiêu chí, yêu cầu cơ bản cụ thể.
Như vậy, so với hiện hành, Thông tư 12/2022/TT-BTTTT quy định cụ thể hơn nội dung đánh giá hiệu quả biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống thông tin.
Tuệ Minh