Sinh con một bề là nỗi ám ảnh khôn nguôi với những gia đình mà đức ông chồng phải nắm trọng trách đại sự - sinh cháu đích tôn cho dòng họ.
Chuyện những "gấu mẹ”vĩ đại
Chị Ngọc Anh, biên tập viên một chuyên san lớn về gia đình cho biết: "Anh xã nhà mình thực ra không quá nặng nề về chuyện sinh con trai nhưng mỗi lần về bên nhà chồng là tất cả lại đè nặng".
Chẳng là chồng chị là cháu đích tôn của dòng họ, tới nay sau 10 năm chung sống, anh chị đã có 3 cô công chúa xinh xắn, đáng yêu. Tất nhiên mẹ chồng chị vô cùng thất vọng và rầu rĩ sau khi có cháu gái thứ ba.
Vì là độc đinh nên dù nhà ở Hà Nội nhưng có quê gần Hà Đông nên hầu như tháng nào anh chị cũng phải về lo việc hiếu, hỉ, lễ lạt... Mà đã về quê thì vai vế đâu ra đó, anh xã nhà chị luôn ở vị trí nhất nhì trong họ, việc gì người trong họ cũng bẩm báo (dù tuổi vợ chồng chị còn khá trẻ), trong các đám cúng giỗ lễ lạt, cưới xin, chồng chị luôn được kính cẩn ngồi chiếu trên...
Dẫu đã sinh con thứ ba, mọi người đều đã biết sự cố gắng của chị nhưng xem ra chị vẫn còn phải cố... nữa khi không ít người trong dòng họ vẫn ý tứ than vắn than dài khó che giấu. Chị kể, trước đây khi mới có con bé đầu hai vợ chồng còn rủ nhau đi phượt, vi vu được. Nhưng từ ngày có bé thứ hai thì tất bật, rồi tới cô bé thứ ba thì không còn thời gian đâu cho sự riêng tư của vợ chồng nữa. Đó là gia đình chị kinh tế cũng khá vững, lại ở gần cả hai bên nội ngoại nên đã được ông bà giúp mà nhiều khi chị vẫn thấy... oải. Và con bé đầu dù chưa đầy 10 tuổi nhưng đã phải nhường mẹ cho các em, khi nằm ngủ chỉ dám khều nhẹ ngón chân mẹ cho đỡ... thèm. Chị nói, chị rất thương các cô con gái nhỏ của mình nhưng mỗi lần nghĩ tới cả dòng họ nhà chồng đang trông chờ là muôn nỗi hoang mang lại ập về...
Chị Oanh Lan cũng rơi vào tình cảnh tương tự như trường hợp trên. Dù khá xinh xắn và giỏi giang nhưng duyên vợ chồng đến với chị cũng khá muộn. Chị quen anh trong một lần tới nhà anh làm phóng sự về nghề chạm bạc gia truyền. Anh chị bén duyên, rồi thời gian ngắn sau đó là đám cưới. Bởi kết hôn muộn nên lấy chồng xong chị làm một lèo ba năm... hai công chúa. Thế rồi, vì áp lực nhà chồng, ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy chị sinh nhóc thứ ba - thật may mắn họ đã có đích tôn. Nếu không, với thể trạng yếu ớt, mỏng manh và tuổi chị lúc đó đã khá cao, không biết chị sẽ tiếp tục với vai trò máy đẻ ra sao...
Bật đèn xanh cho con trai đi tìm con trai ở... bên ngoài
Cũng vì phải sinh con trai theo "chỉ thị" mà chị Vân Anh (khu tập thể Thành Công) phải chịu sự ám ảnh vì làm chuyện bất đắc dĩ. Chị đã có một bé gái đầu lòng 3 tuổi, muốn sinh đứa thứ hai là con trai nên anh chị không ngại vung tiền đi siêu âm giới tính thai nhi. Hai lần mang thai, biết cái thai là gái nên đều phải bỏ. Chuyện phá thai thường xuyên không chỉ khiến chị hao mòn sức lực mà còn khiến chị cắn rứt lương tâm và ám ảnh tới cùng cực. Mình luôn tự trách bản thân vì đã làm chuyện thất đức, bỏ đi những đứa con ruột thịt của mình. Nhưng không thể không có con trai, mà sinh con thứ ba thì chồng bị ảnh hưởng đến sự nghiệp. "Bố mẹ chồng thì luôn miệng bảo khi nào nhìn thấy cháu đích tôn thì nhắm mắt mới yên lòng được", chị Vân Anh chia sẻ.
Còn chị Hường ở Ba Đình thì lại rơi và hoàn cảnh đau lòng hơn bởi lấy nhau vài năm rồi mà vợ chồng vẫn không có con. Mẹ chồng chị ngấm ngầm bật đèn xanh cho con trai đi tìm cháu trai ngoài luồng. Ngày hay tin thai nhi là con trai, chồng và mẹ chồng chị đã không thể kìm nén sự sung sướng trước mặt chị. Rồi mẹ chồng chị an ủi: "Thôi thì người ta vậy là giúp đỡ nhà ta nên con phải biết ơn".
Và điều gì đến đã phải đến. Không chịu nổi cảnh mình bị ghẻ lạnh như kẻ hầu người hạ, chị đã quyết định ly hôn để chồng tiện bề chăm sóc con trai sắp chào đời. Rồi một thời gian sau đó, chị hay tin sau khi sinh con, người vợ không giá thú của chồng đã bế con ra đi vì thấy gia đình không giàu có như cô ta nghĩ. Đau đớn hơn, nhà chồng chị ngã ngửa khi biết đứa con mà họ đã tốn rất nhiều công sức, tiền của ấy thực chất không phải là giọt máu của dòng họ nhà mình.
Có thể nói, dù cuộc sống hiện đại đã thay đổi từng ngày, nhưng ở nhiều gia đình, dòng họ việc nối dõi tông đường đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Dù họ là những gia đình trí thức, những phụ nữ mạnh mẽ ngoài xã hội cũng vẫn khó vượt qua ải cháu đích tôn với những gia đình con một.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu xã hội học nhận định, hệ luỵ của vấn đề này khá nghiêm trọng. Vì áp lực sinh con trai theo mong muốn của chồng và gia đình chồng, nhiều phụ nữ khi sinh con gái đầu lòng đều cảm thấy hoang mang và tìm cách sinh cho được con trai vào những lần sinh sau. Đây cũng là lý do khiến tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam tăng báo động trong những năm qua.
Theo bà Nguyễn Thị Khá, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thì do các chính sách giảm sinh và kiểm soát sinh đẻ khiến quy mô gia đình ngày càng nhỏ thì nhu cầu mong muốn có con trai càng mạnh mẽ. Nhiều người đã lợi dụng công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi, họ thường loại bỏ nếu biết đó là thai nhi gái. Điều đáng nói ở đây là dù ở Việt Nam, việc chẩn đoán giới tính thai nhi bị nghiêm cấm nhưng trên thực tế, trên 90% số phụ nữ mang thai biết được giới tính của con mình trước khi sinh.
Và cũng theo các chuyên gia cảnh báo thì tình trạng này dẫn đến hậu quả là việc gia tăng quy mô các hoạt động bắt cóc và buôn bán phụ nữ, buôn bán trẻ em gái. Phụ nữ sẽ bị giành giật và sẽ phải kết hôn sớm hơn. Đã đến lúc các ban ngành, đoàn thể cần nhanh chóng vào cuộc một cách tích cực hơn để tuyên truyền, vận động các bậc cha mẹ, các gia đình có cái nhìn đúng đắn về bình đẳng giới, tránh chuyện chạy theo "đích tôn" kẻo ảnh hưởng đến sức khoẻ bản thân, hạnh phúc gia đình và xã hội.
Mai- Uyên