Theo 10 nguồn tin có thông tin về vòng đàm phán do Mỹ trung gian trong tuần vừa rồi, những bất đồng về sự hiện diện của quân đội Israel tại Gaza và về việc trả tự do cho tù nhân người Palestine là những yếu tố đang ngăn cản việc đề ra thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin.
Những nguồn tin này bao gồm 2 quan chức Hamas và 3 nhà ngoại giao từ các nước phương Tây cho biết, những bất đồng này bắt nguồn từ yêu cầu mà Israel đã đặt ra sau khi Hamas chấp thuận đề xuất ngừng bắn mà Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố trong tháng 5.
Các nguồn tin đều cho biết, Hamas đặc biệt lo ngại về những yêu cầu mới được đưa ra gần đây nhất với nội dung cho phép Israel tiếp tục điều động binh lính dọc Hành lang Netzarim, một dải đất theo hướng Đông-Tây mà Israel đã chiếm quyền kiểm soát trong cuộc chiến hiện đang ngăn chặn việc di chuyển tự do của người Palestine giữa miền Bắc và miền Nam Gaza, cũng như một dải đất trên biên giới Gaza-Ai Cập có tên Hành lang Philadelphi.
Các nguồn tin yêu cầu giữ kín danh tính do tính nhạy cảm của thông tin cung cấp.
Việc kiểm soát Hành lang Philadelphi mang lại cho quân đội Israel khả năng kiểm soát biên giới giữa Gaza và Ai Cập, phần biên giới duy nhất của Gaza không giáp với Israel.
Hamas cho rằng Israel đã thay đổi điều kiện "vào phút chót" và lo ngại việc đưa ra quyết định nhượng bộ có thể sẽ dẫn tới thêm nhiều yêu cầu khác.
Văn phòng truyền thông của tổ chức Palestine này không phản hồi yêu cầu bình luận về thông tin này. Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không phản hồi yêu cầu bình luận về vòng đàm phán.
Trong một thông cáo báo chí đưa ra vào ngày Chủ Nhật, Hamas cho biết những đề xuất được đưa ra sau vòng đàm phán trong tuần vừa rồi có nội dung quá có lợi cho ông Netanyahu. Tổ chức này hối thúc các nhà thương lượng trung gian đi sát hơn với đề xuất thỏa thuận khung đưa ra trong tháng 7, thay vì đề ra những vòng thương lượng mới.
Trong một tuyên bố đưa ra trước vòng đàm phán tuần vừa rồi, văn phòng của ông Netanyahu đã bác bỏ những quan điểm cho rằng ông đã đề ra những yêu cầu mới, khẳng định những yêu cầu được đưa ra dựa trên đề xuất trước đó.
Trong tuyên bố, văn phòng này cho biết đề xuất tháng 5 của Israel đã nhấn mạnh chỉ thường dân mới được cho phép trở lại miền Bắc Gaza, qua Hành lang Netzarim.
Văn phòng này khẳng định đề xuất mới của Israel, lần đầu tiên được đưa ra tại một cuộc họp tại Rome vào ngày 27/7, có nội dung khẳng định cần phải có biện pháp đảm bảo yếu tố này, ám chỉ nhưng không trực tiếp yêu cầu cần phải có sự hiện diện của quân đội Israel tại Netzarim để ngăn cản khả năng di chuyển của các tay súng Hamas.
Theo một nguồn tin có thông tin về các đàm phán, Israel đã đề xuất rằng một thỏa thuận cho phép thường dân trở lại miền Bắc Gaza sẽ được nhất trí "vào thời gian sau".
Nguồn tin này cho biết, một số nhà trung gian và Hamas đã coi đề xuất này là việc Israel rút lại cam kết trước đây về việc rút lực lượng khỏi Netzarim và cho phép di chuyển tự do tại Gaza.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kết thúc chuyến thăm tại khu vực vào ngày thứ Ba. Sau khi gặp ông Netanyahu, ông Blinken cho biết, Israel đã chấp thuận một đề xuất mới từ Mỹ nhằm xóa bỏ bất đồng giữa những quan điểm gần đây nhất của Israel và Hamas, đồng thời hối thúc Hamas chấp thuận đề xuất này.
"Một khi cả hai bên đã chấp thuận đề xuất này, chúng ta vẫn sẽ phải hoàn thiện những thỏa thuận chi tiết về phương pháp thực hiện chúng cũng như đưa thỏa thuận ngừng bắn đi vào hiệu lực".
Các bên vẫn chưa công bố đề xuất mà Blinken gọi là đề xuất cầu nối.
Một nhà ngoại giao phương Tây, khi mô tả về những yêu cầu gần đây nhất mà Israel đặt ra trong vòng đàm phán do Mỹ trung gian, cho biết có vẻ Mỹ đã chấp nhận những thay đổi mà ông Netanyahu đề xuất, bao gồm đề xuất có nội dung tiếp tục triển khai quân đội Israel trên hai hành lang.
Một quan chức Mỹ đã bác bỏ quan điểm này, khẳng định những thương lượng về "phương pháp thực hiện thỏa thuận" sẽ hướng tới giải quyết các bất đồng về Hành lang Philadelphi và Netzarim, số tù nhân Palestine được trả tự do và những tù nhân được trả tự do, cũng như các vấn đề khác.
Ông Blinken cũng đã phản đối những đề xuất cho phép binh lính Israel chiếm đóng Gaza lâu dài, khẳng định tại cuộc họp báo rằng lịch trình và khu vực quân đội Israel sẽ rút lui được nêu rõ trong thỏa thuận.
Vòng đàm phán mới
Vòng đàm phán tiếp theo được dự kiến sẽ diễn ra tại Cairo trong những ngày tới, dựa trên đề xuất cầu nối của Mỹ.
Các nguồn tin có thông tin về vòng đàm phán cho biết, chánh đàm phán viên của Mỹ, Giám đốc CIA Bill Burns, cùng với người đồng cấp từ Israel, giám đốc Mossad David Barnea, Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani và chánh đàm phán viên của Ai Cập được dự kiến sẽ tham gia vòng đàm phán này. Ông Sheikh Mohammed của Qatar được dự kiến sẽ viếng thăm Tehran trước khi tới Cairo. Một nguồn tin Iran cho biết, theo lịch trình, ông Sheikh Mohammed sẽ có mặt tại Tehran vào ngày thứ Hai.
Bộ ngoại giao Iran không trả lời các yêu cầu bình luận. CIA từ chối bình luận dựa trên chính sách không bình luận về lịch trình di chuyển của Burns.
Hai quan chức Hamas cho biết, đề xuất của Mỹ có nội dung bao gồm một số đề xuất từ Israel mà tổ chức này đã phản đối, bao gồm đề xuất yêu cầu cho phép "sự hiện diện vô thời hạn của quân đội Israel" dọc các hành lang, và trả tự do cho tù nhân Palestine nhưng cấm trở lại Bờ Tây và Gaza trong các trao đổi con tin.
Tuy nhiên, một quan chức thuộc chính quyền Mỹ cho biết, không có nội dung nào trong đề xuất cầu nối thay đổi những cam kết từ trước về Hành lang Netzarim. Quan chức này cho biết mọi quyết định tạm thời về Hành lang Philadelphi phải theo sát đề xuất ngày 27/5 của Israel cũng như phác thảo mà ông Biden công bố, như đã được ủng hộ bởi Hội đồng Bảo an LHQ.
Quan chức này cho biết đề xuất này sẽ mang lại "lợi ích lớn ngay lập tức" cho người dân Gaza và có bao gồm một số yêu cầu được Hamas đặt ra từ trước.
Hai nguồn tin là quan chức an ninh tại Ai Cập cho biết, Israel và Hamas có vẻ sẵn sàng giải quyết những bất đồng về các phương diện khác nhau ngoại trừ về việc Israel rút quân.
Mục tiêu chiến tranh của Israel bao gồm "đảm bảo an ninh biên giới phía Nam", theo một tuyên bố của văn phòng ông Netanyahu đưa ra trong ngày thứ Năm, hàm ý Hành lang Philadelphi.
Trả lời những câu hỏi của Reuters về bất đồng trong đề xuất ngừng bắn gần đây nhất, vụ thông tin quốc gia Ai Cập đã trích tuyên bố chính thức gần đây với nội dung nhấn mạnh sẽ tiếp tục thúc đẩy đạt được thỏa thuận tại Cairo và Doha.
Văn phòng truyền thông quốc tế Qatar không bình luận, nhưng trích lại một tuyên bố được đưa ra vào cuối ngày thứ Ba sau khi thủ tướng Qatar có cuộc nói chuyện với ông Blinken, với nội dung hối thúc nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza. Khi trả lời các câu hỏi của Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ đã trích các tuyên bố công khai của ông Blinken.
Hành lang Philadelphi
Vấn đề kiểm soát Hành lang Philadelphi trên khu vực biên giới giữa Gaza và Ai Cập cùng với chốt kiểm soát biên giới Rafah là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm đối với Cairo.
Ai Cập sẵn sàng đề ra các biện pháp an ninh mới tại Hành lang Philadelphi nhưng từ chối cho phép sự hiện diện của binh lính Israel tại đây.
Ảnh: Planet Labs qua Reuters.
Israel đã giành quyền kiểm soát hành lang chiến lược này vào tháng 5, khẳng định khu vực này được Hamas sử dụng để buôn lậu vũ khí và chất cấm thông qua các đường hầm vào Gaza.
Hoạt động quân sự của Israel đã dẫn tới đóng cửa chốt kiểm soát Rafah, giảm mạnh lượng hàng cứu trợ nhân đạo vào Gaza, kết thúc phần lớn hoạt động sơ tán y tế, và có thể cướp đi vai trò trung gian các thỏa thuận về quyền sử dụng nút giao này của Ai Cập.
Ai Cập khẳng định, những đường hầm được sử dụng trong hoạt động buôn lậu vào Gaza đã bị phá hủy hoặc buộc phải ngừng hoạt động, khẳng định sự hiện diện của chính quyền Palestine tại Rafah cần phải được khôi phục, và vùng đệm tại Hành lang Philadelphi đã được đảm bảo trong hiệp ước hòa bình Ai Cập - Israel năm 1979.
Nguồn tin Hamas cho biết việc binh lính Israel hiện diện dọc các hành lang sẽ tương đương với việc Israel tiếp tục chiếm đóng Gaza ngăn cản khả năng di chuyển tự do của người Palestine.
Tù nhân và hòa bình
Hai quan chức Hamas cho biết, kế hoạch cầu nối của Mỹ "không bao gồm yêu cầu ngừng bắn vô thời hạn".
Trong đề xuất tháng 5, ông Biden cho biết thỏa thuận ngừng bắn tạm thời sẽ trở thành ngừng bắn vô thời hạn, "chứng nào Hamas còn thực hiện đúng cam kết".
Các quan chức Hamas cho biết, Israel đã phủ quyết yêu cầu trả tự do cho khoảng 100 tù nhân người Palestine mà Hamas nêu tên, trong đó có nhiều tù nhân cao tuổi với bản án còn kéo dài hơn 20 năm tới.
Vấn đề trả tự do cho tù nhân người Palestine làm một phần trong thỏa thuận trao đổi con tin mà Hamas bắt giữ trong ngày 7/10 đã từng được coi là một trong những vấn đề dễ giải quyết hơn.
Ảnh: REUTERS/Mohammed Salem.
Một nhà ngoại giao phương Tây và hai quan chức Hamas cho biết điểm khó giải quyết nhất trong vấn đề này hiện tại là quan điểm của Israel cho rằng nhiều tù nhân mà chính quyền này trả tự do cần phải ngay lập tức bị trục xuất ra khỏi Israel, Bờ Tây và Gaza.
"Vì quan điểm này, Hamas từ chối chấp nhận văn bản của Mỹ-Israel".
Thỏa thuận khung ba giai đoạn cho thỏa thuận ngừng bắn đã được đề xuất từ cuối tháng 12/2023, tuy nhiên hàng loạt bất đồng giữa Israel và Hamas về những chi tiết chủ chốt đã khiến việc đi tới ký kết thỏa thuận gần như bất khả thi.
Mỹ cùng với Ai Cập và Qatar vẫn đang cố gắng tiếp lửa cho hoạt động thương lượng nhằm chấm dứt chiến dịch dài 10 tháng qua của Israel tại Gaza và trả tự do cho con tin bị Hamas và đồng minh bắt giữ trong ngày 7/10.
Nguyễn Quang Minh (Theo Reuters)