Theo đó, Tổng giám đốc VEC đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT giải trình về việc nhà thầu Trung Quốc trồng cỏ “lạ” tại gói thầu số 7 cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Trao đổi với PV, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC cho biết, trong thiết kế kỹ thuật của dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, mái ta luy nền đường không gia cố sẽ được bảo vệ bằng việc trồng cỏ. Nhà thầu xây dựng gói thầu A7 - Công ty TNHH xây dựng cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) đã đề xuất biện pháp gieo hạt để bảo vệ mái ta luy nền đường với 3 loại cây/cỏ: Bermuda grass (cỏ gà), Pigeon pea (đậu săng, đậu chiều), Leucaena glauca (keo dậu).
Theo VEC, đây là các loại thực vật bản địa hoặc được du nhập vào Việt Nam. Được tư vấn giám sát dự án chấp thuận, nên nhà thầu đã tiến hành trồng thử nghiệm 2/3 loại cỏ là Bermuda grass và Pigeon pea trên một số vị trí.
Giống cỏ này chưa qua kiểm định tiềm ẩn nguy cơ gây hại
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng giám đốc VEC cho biết, trong thiết kế kỹ thuật của Dự án, mái ta luy nền đường không gia cố sẽ được bảo vệ bằng việc trồng cỏ. Chỉ dẫn kỹ thuật của dự án nêu rõ, việc trồng cỏ có thể thực hiện bằng gieo hạt, đắp thảm cỏ hoặc trồng cỏ non.
Ông Nhi cũng cho biết, do nhà thầu này chưa xuất trình tài liệu nguồn gốc xuất xứ của cây cỏ nên VEC đã ra văn bản yêu cầu ngừng việc trồng cây cho đến khi cung cấp đầy đủ hồ sơ theo quy định.
“VEC đã yêu cầu Ban QLDA và tư vấn giám sát của Dự án đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai xem xét kỹ các quy định và liên hệ với các cơ quan chức năng để tìm hiểu thêm thông tin và hướng dẫn nhà thầu hoàn thiện các thủ tục theo đúng quy định hiện hành.
Đồng thời, VEC cũng chỉ đạo các đơn vị này nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc thực hiện các thủ tục của Việt Nam về việc sử dụng các giống cây trồng từ nước ngoài vào Việt Nam trước khi sử dụng cho dự án”- ông Nhi khẳng định.
Theo tìm hiểu thiết kế kỹ thuật của Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, mái ta luy nền đường không gia cố sẽ được bảo vệ bằng việc trồng cỏ. Mục 08150 chỉ dẫn kỹ thuật của dự án, việc trồng cỏ có thể thực hiện bằng gieo hạt cỏ, đắp thảm cỏ hoặc trồng cỏ non.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là nhà thầu Quảng Tây đã tiến hành trồng cỏ khi chưa có đầy đủ các giấy tờ thẩm định và cho phép của cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Những giấy tờ có trong hồ sơ của nhà thầu này chỉ gồm những xác nhận của Viện khoa học nông nghiệp Trung Quốc.
Sau đó, đơn vị giám sát đã có công văn tới nhà thầu gói thầu Quảng Tây yêu cầu ngay lập tức tạm dừng công tác trồng cỏ thực hiện tại hiện trường bằng các giống cỏ nhập khẩu hoặc bất kỳ vật liệu nào mà không có giấy phép nhập khẩu. Công việc trồng cỏ có thể được tiếp tục thực hiện chỉ khi nào nhà thầu sử dụng các vật liệu có xuất xứ từ Việt Nam và giải quyết yêu cầu kể trên.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc nhập khẩu các loại cây trồng và vật nuôi từ nước ngoài bắt buộc phải đảm bảo các thủ tục và có xác nhận rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng... Cơ quan chuyên môn có chức năng và nhiệm vụ thẩm định, xét duyệt các điều kiện và chấp thuận là Bộ NN&PTNT cùng nhiều bộ ngành liên quan khác.
Bỏ hàng trăm triệu đồng để dẹp cỏ từ Trung Quốc Ông Nguyễn Đình Hòe - Trưởng ban Phản biện xã hội, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết: Trước đây, đã có nhiều bài học về thực vật ngoại lai nguy hiểm cho môi trường. Cụ thể, cách đây vài chục năm, các nhà thầu Trung Quốc sang khôi phục đường sắt Thống Nhất đoạn qua đèo Hải Vân đã mang sang một giống cây có tên là Bìm Bôi hoa vàng, trồng để bảo vệ mái ta luy đường tàu. Song, sau mấy chục năm sinh sống ở đèo Hải Vân, cây Bìm Bôi hoa vàng đã trở thành một loài thực vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm. Cây Bìm Bôi hoa vàng hiện phủ kín khu rừng cấm Hải Vân - Sơn Trà, phủ rộng 15.000 ha. Hằng năm, TP.Đà Nẵng phải bỏ ra 200 - 300 triệu đồng để chặt bỏ loại cây này trên bán đảo Sơn Trà. |
C.T