Theo đó, Vân Đồn sẽ là 1 trong 3 đặc khu kinh tế đang được chờ Quốc hội thông qua bao gồm: Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Khi được công nhận là đặc khu kinh tế, các đặc khu sẽ là nơi thu hút mạnh mẽ vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước bằng các biện pháp khuyến khích đặc biệt bao gồm môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, vị trí chiến lược…
Được công nhận là đặc khu, tốc độ phát triển kinh tế của khu vực sẽ thay đổi do nguồn vốn đổ vào lớn, cùng với đó, thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân trong khu kinh tế cũng sẽ được cải thiện rõ rệt.
Vân Đồn đang là 1 huyện đảo của tỉnh Quảng Ninh. Quảng Ninh đang tập trung mọi nguồn lực để Vân Đồn có thể cất cánh. Tuy nhiên, khi dự án mới còn đang ở trong “trứng nước”, đất đai ở Vân Đồn đã biến động một cách chóng mặt.
Giá đất bình quân của Vân Đồn đang từ vài triệu đồng/m2 đã lên tới hàng chục triệu đồng/m2, với sự tham gia của các cò đất và người có nhu cầu mua bán từ khắp nơi đổ về.
Trước tình hình này, theo nguồn tin từ PV báo Người Đưa Tin nắm được, đầu tháng 5/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản gửi sở TN&MT tỉnh này. Nội dung giao tham mưu, dự thảo cho UBND tỉnh chỉ đạo việc tạm dừng việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Vân Đồn đến khi quy hoạch chung xây dựng theo định hướng là đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Để xác thực tính pháp lý của văn bản này, PV đã tìm đến sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh, tiếp PV là ông Phạm Quang Đạm – Chánh văn phòng. Tại đây, khi PV đặt câu hỏi về văn bản đã nêu, ông Đạm xác nhận: “Sở chúng tôi có nhận được văn bản liên quan đến việc tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh về việc tạm dừng mua bán, chuyển nhượng… đất ở Vân Đồn của UBND tỉnh Quảng Ninh, nhưng đây là văn bản mật, chúng tôi không được phép cung cấp. Về nội dung chi tiết văn bản UBND tỉnh Quảng Ninh đề cập, vì là văn bản mật nên tôi không thể nói”.
Khi được hỏi, văn bản này có đúng với các quy định hiện hành của Nhà nước liên quan đến đất đai hay không? Ông Đạm không trả lời, nhưng cho rằng việc này là cần thiết.
“Trước việc đất đai ở Vân Đồn đang bị thổi giá một cách vô tội vạ, trong khi đặc khu kinh tế thì còn đang chờ Quốc hội thông qua, thì việc tỉnh Quảng Ninh siết chặt việc mua bán, chuyển nhượng là cần thiết. Bởi lẽ, quy hoạch của Vân Đồn đang rất lộn xộn, mới chỉ có quy hoạch 1/2000. Quy hoạch 1/500 cũng có nhưng là quy hoạch manh mún và đã cũ.
Tôi được biết tỉnh Quảng Ninh đang thuê đơn vị nhà thầu để lập quy hoạch tổng thể chi tiết 1/500 khu vực Vân Đồn. Tôi chỉ nói thế này, khi đặc khu chưa được công nhận, quy hoạch tổng thể chưa được thực hiện, nếu để tình trạng mua bán chuyển nhượng đất diễn ra một cách không kiểm soát được thì nhỡ sau này khu đất đã được chuyển nhượng nằm trong quy hoạch hành chính hoặc dịch vụ của đặc khu thì lại rắc rối trong việc đền bù.
Thế nên, kiểu gì cũng phải đợi Quốc hội thông qua việc thành lập đặc khu kinh tế và phê duyệt xong quy hoạch tổng thể rồi mới có hướng giải quyết việc chuyển nhượng đất ở khu vực này”, ông Đạm thông tin.
Luật sư Hoàng Văn Hướng – Trưởng văn phòng Hoàng Hưng (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Theo Hiến pháp của nhà nước, pháp luật về dân sự, đất đai cũng là một loại tài sản, các tổ chức cá nhân có quyền định đoạt, mua bán, tặng cho, thế chấp, chuyển đổi, chuyển nhượng…
Chỉ trừ khi, vì các mục đích an ninh, quốc phòng, vì lợi ích công cộng trong tình trạng cấp thiết thì có thể thực hiện việc cấm.
Tỉnh Quảng Ninh không thể coi việc ra văn bản tạm dừng việc mua bán, chuyển nhượng đất để ngăn chặn việc an ninh trật tự liên quan đến đất đai trở nên phức tạp. An ninh trật tự có công an, quân đội can thiệp và đảm bảo, chứ không thể dùng biện pháp dân sự bằng quyết định hành chính này”.