Ngày 28/8, Vụ Bưu chính thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông lên tiếng phản đối hành động vi phạm chủ quyền trắng trợn của Trung Quốc khi Bưu chính nước mới đây đã phát hành mẫu tem vi phạm chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Mẫu tem phát hành ngày 19/5 của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa |
Theo bà Nguyễn Thị Bội Lan, Vụ trưởng Vụ Bưu chính cũng đã yêu cầu Bưu chính Trung Quốc tôn trọng sự thật, hủy ngay mẫu tem, phong bì và bưu ảnh in hình các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Bộ Thông tin - Truyền thông khẳng định sự trái phép và vi phạm các quy định của Văn kiện Liên minh Bưu chính Thế giới (Điều 8, Công ước) trong hành động của Bắc Kinh.
Ngày 19/5 trước đó, Bưu chính Trung Quốc đã phát hành bộ tem phổ thông 6 mẫu mang tên “Mỹ lệ Trung Hoa”. Trong số này, mẫu tem có giá mặt 1,2 tệ tên "Tam Sa thất liên Dữ" (tạm dịch là nhóm 7 đảo nhỏ liền nhau ở Tam Sa) in các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Phong bì và bưu ảnh cũng vi phạm chủ quyền nghiêm trọng |
Mẫu phong bì FDC và một bưu ảnh mang hình nhóm đảo trên cũng được phát hành trong dịp này.
Tháng 6, cậu lạc bộ Viet Stamp thuộc Hội tem TP HCM đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội tem Việt Nam nêu rõ quan điểm phản đối Bưu chính Trung Quốc về việc phát hành tem vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Bộ tem "Mỹ lệ Trung Hoa" có mẫu tem vi phạm chủ quyền Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa |
Viet Stamp cho rằng, bưu chính Trung Quốc mượn cớ quảng bá du lịch để tuyên truyền cho cái gọi là "thành phố Tam Sa” để dân chúng nước họ gửi thư rộng rãi ở trong và ngoài nước.
Câu lạc bộ còn nhấn mạnh, đây không phải lần đầu Bưu chính Trung Quốc làm điều này. Năm 2004, Trung Quốc phát hành bộ tem phong cảnh biên giới gồm 10 mẫu, trong đó cũng đã có một mẫu tem với hình ảnh quần đảo Hoàng Sa.
Trước đó, Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Đà Nẵng từng ngăn chặn kịp thời nhiều vụ người Trung Quốc mang vào Việt Nam bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò” phi pháp và ấn phẩm in lãnh thổ Việt Nam không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Chỉ trong ngày 1/8, sân bay quốc tế Đà Nẵng đã xử lý 2 trường hợp khách Trung Quốc mang theo bản đồ thông tin sai lệch về chủ quyền lãnh thổ.
Trong đó, hành lý mang theo của bà Xing Shanshan, 27 tuổi, quốc tịch Trung Quốc xuất hiện bản đồ Trung Quốc in đường 9 khúc đứt đoạn tại khu vực biển Đông; hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam bị ghi thành Tây Sa và Nam Sa.
98 ấn phẩm tương tự cũng đã được Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Đà Nẵng thu giữ vào tối ngày 12/5.
Theo VNE, TNO, Đất Việt