Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng

Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng

Dương Thị Thu Nga

Dương Thị Thu Nga

Thứ 3, 30/06/2020 06:00

Một người phụ nữ sinh ra đứa con trai và khổ nhọc nuôi nấng đến ngày trưởng thành, rồi một người phụ nữ khác tới hái quả. Bởi vậy mà, có lúc hai người đàn bà với “mâu thuẫn” phát sinh khi về chung một nhà lại không thể yêu thương nhau….

Quan hệ mẹ chồng - nàng dâu ở xã hội phương Đông mang nhiều màu sắc. Có không ít mối quan hệ còn hơn cả mẹ đẻ, con ruột, song cũng nhiều lúc mối quan hệ này được đưa đẩy trong đời sống thành kịch tính và mang nhiều màu sắc “oan gia ngõ hẹp”. Vì đâu nên nỗi? Có lẽ, nó nằm ở truyền thông… dân gian.

Ca dao có câu: Thật thà cũng thể lái trâu/ Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng. Không ít gia đình găm vào tiềm thức của những nàng dâu tương lai và những mẹ chồng rằng, sẽ khó  có một tình cảm chân thành trong mối quan hệ của họ.

Thông điệp được lặp lại liên tục trong một thời gian dài khiến không ít cô gái chưa về nhà chồng đã sẵn tinh thần phòng thủ. Một mối quan hệ bắt đầu với những định kiến sâu nặng thì nhất cử nhất động của hai bên đều bị soi chiếu với góc nhìn nghi kị. Để hòa thuận, yêu thương được thật khó biết bao.

Tâm sự - Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng

Đến bao giờ mẹ chồng nàng dâu mới thuận hòa?

Trước, cuộc hôn nhân lệch tuổi của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ không hề được bà Vũ Thị Khánh - mẹ ruột Lưu Quang Vũ - đồng tình. Nhưng như lời nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn kể, dù bị mẹ chồng không ưa, Xuân Quỳnh vẫn hạ quyết tâm rằng: “Ta nhất định sẽ yêu quý bà, coi bà như mẹ đẻ”. Và Xuân Quỳnh đã thành công.

Nhưng tất nhiên, chẳng mấy nàng dâu trên đời này, nhất là các nàng dâu hiện đại, làm được điều đó. Khi bị o ép cảnh “mẹ chồng nàng dâu”, họ có thể nín nhịn nhưng là nín nhịn trong ấm ức. Họ có thể cố gắng phục tùng, nhưng phục tùng trong tủi hờn. Cũng như ở chiều ngược lại, có bao nhiêu mẹ chồng đặt mục tiêu rằng: Ta nhất định sẽ yêu quý con dâu ta, coi nó như con đẻ? Định kiến xã hội truyền đời khiến một bên thủ thế, một bên không chịu cúi mình. Và ai cũng muốn người đàn ông đứng giữa làm “người phán xử”, ngày này qua tháng nọ vật vã bên cái cân để “bên tình, bên hiếu bên nào nặng hơn”.

Một người bạn bất bình bảo với tôi rằng: “Suy nghĩ mẹ chồng phải yêu con dâu và con dâu phải yêu mẹ chồng cũng là một định kiến. Mẹ chồng - nàng dâu đối xử với nhau trên cơ sở đủ tôn kính, đúng phép tắc là đủ và có thể chấp nhận được”.

Bạn kể, ngay từ khi về làm dâu, bạn luôn xem mẹ chồng là “khách hàng khó tính cần phải chăm sóc”. Bạn vạch ra những “quyền lợi” của vị khách hàng đặc biệt này cùng nghĩa vụ của bên cung cấp dịch vụ là bạn để thực hiện một cách chu đáo nhất... Bạn bảo, nhờ thế mà chồng bạn rất rảnh và mẹ chồng cũng rất hài lòng.

Cách của bạn cũng là cách hay để tham khảo, dù rằng làm được như bạn thì cũng cần trình độ của một cử nhân quan hệ công chúng. Xét cho cùng, cốt lõi của mọi mối quan hệ vẫn là sự chân thành. Mọi sự chân thành đều được cảm nhận và hồi đáp. Nếu có thể trút bỏ định kiến để dành cho nhau sự chân thành thì lẽ nào mẹ của một người đàn ông và vợ của anh ta lại không thể xem nhau như người ruột thịt.

Hồng Hà

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.