Chị Trần Thu Hằng (Nam Định) từng bị người trong làng kỳ thị, thậm chí còn có lời đồn cho rằng chị bị HIV khi cơ thể xuất hiện những mảng da bong tróc.
Tâm sự với chúng tôi, chị Hằng kể, năm 16 tuổi, tuổi đẹp nhất của người thiếu nữ, chị phát hiện mình bị bệnh vẩy nến. Thời điểm đó, trên cơ thể chị xuất hiện mảng vẩy kèm theo ngứa. Căn bệnh mỗi lúc một nặng hơn và đỉnh điểm là khi chị học đại học.
“Khi tôi là sinh viên năm thứ hai, bệnh vẩy nến phát ra toàn cơ thể. Sự mặc cảm đã từng khiến tôi có ý định nghỉ học”, chị Hằng nói.
Mặc dù sau đó không nghỉ học nhưng căn bệnh này đã khiến chị sống khép mình hơn. Chị cũng không dám mơ tới hạnh phúc lứa đôi cũng như một tổ ấm của riêng mình.
Thế nhưng, may mắn đã mỉm cười khi chị gặp được người đàn ông hiểu và thông cảm cho căn bệnh chị mắc phải. Họ cùng nhau vượt qua mọi sự đàm tiếu của người đời và anh đã hỗ trợ chị nhiều trong việc điều trị bệnh.
Khi cơ thể mệt mỏi, đầu óc căng thẳng, bệnh thường phát ra toàn thân. Bản thân chị Hằng đã có 4 lần bị như vậy, phải vào viện điều trị. Hiện nay, chị Hằng đã tìm cách chung sống "hòa bình" với căn bệnh và thoát khỏi cảm giác tự ti. Căn bệnh vẩy nến cũng không ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của chị.
Còn anh Vũ Chí Công (39 tuổi, Hà Nội) khi bắt đầu có những dấu hiệu mắc căn bệnh vẩy nến, lưng và tay mọc vài nốt đỏ, ngứa kèm vẩy, sau 1-2 ngày thì vẩy bong ra rồi mọc lại. Sau một tuần, căn bệnh bùng phát rất nhanh từ đầu cho tới chân.
Anh Công cho hay, đây là căn bệnh anh phải chung sống suốt đời. Bệnh không khỏi nhưng có thể kiểm soát được bằng tinh thần vui vẻ, dùng thuốc đúng cách và tin vào sự tư vấn của bác sĩ.
Ông Trần Hồng Trường, Chủ tịch hội Bệnh nhân vẩy nến, cũng là người bị căn bệnh này “hỏi thăm”, chia sẻ, bệnh vẩy nến không gây chết người nhưng liên quan tới nhiều bệnh khác có thể dẫn tới tử vong. Hiện nay, thông tin liên quan tới bệnh còn ít. Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 67 công nhận bệnh vẩy nến là bệnh nghiêm trọng, không truyền nhiễm. Người bị bệnh vẩy nến rất cần sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng, thay vì kỳ thị thì nên có cái nhìn cởi mở hơn với người bệnh.
PGS.TS.BS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc bệnh viện Da liễu Trung ương cũng đưa ra thông tin, hiện nay, trên thế giới có 3-5% dân số (khoảng 125 triệu người) mắc bệnh vẩy nến. Ở Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh này là từ 1-8% dân số. Bệnh này không loại trừ bất kỳ ai, cả nam và nữ đều có thể mắc. Tuy nhiên bệnh thường xuất hiện ở tuổi ngoài 20; có thể gặp ở người lớn tuổi ngoài 50, đôi khi gặp ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi nhưng với những lứa tuổi ấy thường có yếu tố gia đình với biểu hiện bệnh nặng hơn, kéo dài hơn.
Triệu chứng thường gặp nhất là vẩy nến thể thông thường (Psoriasis vulgaris), bệnh mạn tính, thường tái phát, có mảng và sẩn màu đỏ kèm theo vảy trắng bạc.
“Có 2 yếu tố được nghi ngờ nhiều nhất về nguyên nhân gây ra bệnh là gene di truyền và môi trường. Bệnh vẩy nến xuất hiện ở những người mang sẵn gene bệnh và tiến triển nặng khi có tác động của môi trường bên ngoài như nhiễm vi khuẩn, virus hoặc stress tâm lý. Rượu cũng là tác nhân làm cho bệnh nặng lên. Cho tới nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh ăn uống liên quan trực tiếp tới bệnh vẩy nến”, BS. Lê Hữu Doanh nói.
Theo BS. Doanh, bệnh vẩy nến có thể bị chẩn đoán nhầm với rất nhiều loại bệnh khác nhau. Ví dụ, tổn thương ở móng tay, chân, móng dễ bị tách, sùi gãy móng dễ chẩn đoán nhầm là nấm móng; vẩy nến ở kẽ mông, sinh dục có thể nhầm với bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục… Vì vậy, lời khuyên mà bác sĩ đưa ra là, khi có vấn đề về da thì phải tới chuyên khoa da liễu khám và xét nghiệm.
“Vẩy nến là một bệnh mạn tính, diễn biến bệnh lâu dài, có thể khỏi một thời gian dài nhưng nhiều trường hợp tái phát liên tục. Việc điều trị cần phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh. Qua đó, tìm ra phương pháp điều trị tối ưu nhất, hiệu quả, ít tác dụng phụ và phù hợp với hoàn cảnh người bệnh về kinh tế, công việc và gia đình”, PGS.TS Doanh nhấn mạnh.
Nguyễn Huệ