Động thái này được đưa ra sau khi nhiều bên đã quyết định rút quảng cáo khỏi YouTube. Tháng 3 vừa qua, chính phủ Anh ngừng quảng cáo trên YouTube và thủ tướng của Anh, bà Theresa May, trước đó đã nhiều lần kêu gọi YouTube kiểm soát chặt chẽ hơn nội dung của mình.
Một số đối tác khác của YouTube như Johnson & Johnson, Verizon, Starbucks, Pepsi,… tuyên bố họ đang xem xét việc rút quảng cáo khỏi YouTube bởi sự ảnh hưởng của các video có nội dung tiêu cực. Adidas, Mask và HP tuyên bố cắt hợp đồng với YouTube khi thấy quảng cáo của họ bị đặt cạnh các video có nội dung phân biệt chủng tộc hoặc xâm hại trẻ em.
Trước tình trạng này, CEO của YouTube, bà Susan Wojcicki, nói: "Một số người đã lợi dụng YouTube để lừa đảo, thao túng, quấy rối thậm chí là gây hại". Và hôm nay website này đã thành lập nhóm chuyên trách gồm 10.000 nhân viên để giải quyết tình trạng nói trên.
Họ đã xem xét khoảng 2 triệu video từ tháng 6 có nội dung bạo lực hoặc cực đoan. Tuần trước, YouTube đã gỡ bỏ 15.000 video liên quan đến trẻ em được người xem báo cáo là không lành mạnh. Bên cạnh đó, để tăng hiệu quả, Google kết hợp cả giải pháp trí tuệ nhân tạo vào việc này.
Công nghệ đó được gọi là “computer-learning” (máy tính học) để phát hiện các video có nội dung xấu. Thực chất công nghệ này chỉ nhận dạng và đánh dấu bằng cách gắn cờ vào các video nghi có nội dung không lành mạnh. Sau đó, con người sẽ ra quyết định cuối cùng và trí tuệ nhân tạo sẽ học để xử lý cho lần sau.
Sự kết hợp này được Google áp dụng từ tháng 6 vừa qua và đem lại những kết quả tốt. Trí tuệ nhân tạo đã giúp các nhân viên xóa được gấp 5 lần trước đây lượng video có nội dung xấu. Không dừng lại ở nội dung video, trí tuệ nhân tạo và các nhân viên còn kiểm soát luôn cả các bình luận có nội dung không tốt trong thời gian ngắn nhất.