Ghi nhận của PV Người Đưa Tin, 9h30 mới chính thức khai trương Store Zara nhưng nhiều vị khách có mặt từ khá sớm. Những vị khách này thuộc nhiều lứa tuổi, có cả các cô chú trung tuổi tới các bạn trẻ.
Bạn Vũ Khánh Linh (21 tuổi) cho biết: “Được biết, sáng nay Zara khai trương, mình rất tò mò muốn vào mua sắm tại store đầu tiên của Zara tại Hà Nội. Mình là một tín đồ thời trang của Zara nên khi Zara khai trương mình phải đến và 'rinh' những món đồ đẹp”.
Bên trong Store Zara rộng tới 4.500 m2 và trải dài trên 3 tầng của TTTM Vincom Bà Triệu: Tầng 1 là đồ nữ, tầng 2 là đồ trẻ em và TRF (phong cách trẻ trung), tầng 3 là đồ nam.
Đại diện Zara cho biết: Cửa hàng ứng dụng công nghệ mới nhất của tập đoàn mẹ Inditex, gồm công nghệ nhận dạng bằng tần sóng vô tuyến (Radio Frequency Indentification Technology – RFID) giúp theo dõi vị trí của sản phẩm một cách nhanh chóng và chính xác, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu mua sắm của khách hàng. Tại đây, để thử đồ, khách hàng phải đăng ký bằng số điện thoại để Zara xếp lượt.
Tới khoảng 12h trưa, lượng khách ước chừng lên tới hơn 1000 người. Và đến thời chiều tối, store Zara vẫn trong tình trạng đông đúc ổn định.
Được biết, đây là cửa hàng thứ 2 của Zara tại Việt Nam. Cửa hàng đầu tiên được đặt tại TPHCM, khai trương hơn 1 năm trước.
Zara là thương hiệu thời trang nổi tiếng tới từ Tây Ban Nha, thuộc sở hữu của Tập đoàn Inditex, nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới. Thương hiệu Zara lần đầu xuất hiện vào năm 1975. Hiện thương hiệu này có khoảng 2.100 cửa hàng tại 88 quốc gia.
Thị trường thời trang Việt Nam đang ngày càng sôi động nhờ sự góp mặt của những thương hiệu thời trang nước ngoài từ bình dân như Zaza, H&M, Mango tới cao cấp như Hèrmes, Gucci, Chanel, Giovanni, Salvatore Ferragamo, Versace, Burberry,... Cùng với đó, Uniqlo cũng đang ráo riết để đổ bộ thị trường đầy tiềm năng này.
Trước đó, ngày 7/6/2017, H&M (Hennes&Mauritz) cũng chính thức ra mắt cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, tọa lạc tại Vincom Đồng Khởi, TPHCM, sát vách với Zara. Thương hiệu thời trang Thụy Điển này đã phát đi thông điệp, Việt Nam nằm trong số năm thị trường trọng điểm mà thương hiệu này muốn hướng tới.
Nếu cuộc đổ bộ này diễn ra nhanh chóng và rộng khắp, các thương hiệu thời trang trong nước chắc chắn sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt.
Sự có mặt của các thương hiệu ngoại tạo sức ép cạnh tranh mạnh mẽ lên các thương hiệu trong nước. Và điều đó sẽ đặt ra yêu cầu với thời trang Việt Nam phải không ngừng cải tiến chất lượng, mẫu mã nếu không muốn thua ngay trên sân nhà và để thị phần rơi vào tay đối thủ ngoại.
Phong Linh