Zimbabwe: Chân dung người thay thế Tổng thống 93 tuổi

Zimbabwe: Chân dung người thay thế Tổng thống 93 tuổi

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 6, 24/11/2017 08:00

Cựu Phó Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa, nhân vật kỳ cựu trên chính trường quốc gia châu Phi với biệt danh là "cá sấu" đã trở lại đất nước và tiếp quản vị trí của ông Robert Mugabe để lại.

Tiêu điểm - Zimbabwe: Chân dung người thay thế Tổng thống 93 tuổi

Cựu Phó Tổng thống Mnangagwa được sắp đặt vào chiếc ghế Tổng thống Zimbabwe.

Biệt danh “cá sấu” của nhân vật đặc biệt

Về gương mặt thay thế ông Mugabe - cựu Phó Tổng thống Mnangagwa từ lâu đã luôn thể hiện rõ ý định muốn kế nhiệm Tổng thống Robert Mugabe khi có cơ hội.

Trong bối cảnh Zimbabwe không còn người đứng đầu, ông Mnangagwa đã được đảng ZANU-PF cầm quyền mời về nước hôm 22/11 và hậu thuẫn nhân vật này lên thay thế vị trí của ông Mugabe vừa từ chức.

Cựu Phó Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa dự kiến tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào trong thời gian sớm nhất.

Là một chính khách tận tụy cống hiến trong nhiều năm, cái tên Mnangagwa với biệt danh Ngwena (có nghĩa là cá sấu) là nhân vật không xa lạ ở Zimbabwe. Biệt danh của ông Mnangagwa được biết đến rộng rãi đến mức những người ủng hộ ông được gọi là “Đội Lacoste (dựa trên hãng thời trang nổi tiếng của Pháp).

Cựu Phó Tổng thống Mnangagwa và cựu Tổng thống Mugabe từng có mối quan hệ rất tốt đẹp và Mnangagwa được coi là trợ lý trung thành phục vụ ông Mugabe trong thời gian rất dài.

Ông Mnangagwa sinh tại Zvishavane năm 1942 và là nhân vật nổi tiếng cùng thời với cựu Tổng thống Mugabe trong cuộc chiến giành độc lập tại Zimbabwe ở thập niên 70 của thế kỷ trước. Ông Mnangagwa được mệnh danh là “cá sấu” bởi kỹ năng sinh tồn lâu dài trên chính trường.

Cựu Phó Tổng thống Zimbabwe từng giữ chức vụ Bộ trưởng An ninh Quốc gia và quản lý Tổ chức Tình báo Trung ương (CIO) cũng như giữ vai trò quản lý tài chính của đảng ZANU-PF.

Trong thời kỳ độc lập ở đất nước này, ông Mnangagwa còn đảm nhận nhiều vai trò khác nhau trong Chính phủ Zimbabwe như Bộ trưởng bộ Tư pháp, Bộ trưởng bộ Tài chính, Ngoại trưởng và cuối cùng vào năm 2014 đảm nhận chức Phó Tổng thống.

Trong cuộc bầu cử năm 2008, khi ông Mugabe có nguy cơ thua trước đối thủ Morgan Tsvangirai, có nhiều tin đồn rằng chính ông Mnangagwa là người móc nối với quân đội và cơ quan tình báo gây sức ép lên những người ủng hộ đảng đối lập, khiến cho ông Tsvangirai phải rút lui. Về phần mình, ông Mnangagwa luôn bác bỏ những tin đồn trên.

Trong nhiều năm qua, người ta nói người đàn ông 75 tuổi này chỉ chờ cơ hội được tiếp quản chiếc ghế mà ông Mugabe để lại khi có cơ hội. Dù được hậu thuẫn vào vị trí thỏa lòng mong ước, ông Mnangagwa vẫn khiến nhiều người hoài nghi về việc liệu ông có mang lại sự thay đổi thật sự ở Zimbabwe trên cương vị mới hay không.

Về lý thuyết, việc bổ nhiệm ông Mnangagwa thay thế vị trí của cựu Tổng thống Mugabe để lại là đi ngược Hiến pháp Zimbabwe. Trên thực tế, Phó Tổng thống thứ hai Phelekezela Mphoko mới là người có đủ điều kiện để trở thành Tổng thống mới khi ông là người đương nhiệm, trong khi ông Mnangagwa đã bị phế truất. Tuy nhiên, ông Mphoko được cho là đồng minh thân cận của phu nhân Grace Mugabe và đã bị loại bỏ ngay từ đầu.   

Cuộc binh biến “có một không hai”

Tiêu điểm - Zimbabwe: Chân dung người thay thế Tổng thống 93 tuổi (Hình 2).

Vợ chồng cựu Tổng thống Mugabe nhiều khả năng sẽ không bị truy tố.

Mọi kỳ vọng của người dân Zimbabwe suốt một tuần qua đã được đền đáp với việc Tổng thống Robert Mugabe cuối cùng đã đồng ý từ chức vào cuối ngày 21/11. Sau khi lá đơn từ chức được Chủ tịch Quốc hội Zimbabwe đọc công khai, hàng ngàn người dân đã vui sướng xuống đường. Đây cũng là dấu chấm hết cho gần bốn thập niên cầm quyền của ông Mugabe.

Với việc tay trắng ra đi, để lại toàn bộ di sản chính trị của cả đời mình, ông Mugabe sẽ phải rời Zimbabwe và tiếp tục quãng đời còn lại bằng cuộc sống lưu vong. Theo nguồn tin từ Guardian, một lãnh đạo của phe đối lập Zimbabwe tiết lộ, cựu Tổng thống 93 tuổi nhiều khả năng sẽ sống lưu vong ở Singapore hoặc Malaysia, nơi được coi là “ngôi nhà thứ hai” của ông trong những năm gần đây.

Theo một số nguồn tin, Tổng thống Mugabe sở hữu khối tài sản lên tới hơn 1 tỷ USD. Ông sở hữu một lâu đài trị giá 5,2 triệu USD ở Hồng Kông vào năm 2013 và cung điện Hamilton ở Sussex, Anh, với trị giá ước tính khoảng 40 triệu USD. Với khối tài sản xa hoa như vậy, vợ chồng ông Mugabe vẫn có thể tận hưởng những năm tháng cuối đời nơi đất khách quê người như một bậc vương giả.

Sự nghiệp chính trị của ông Mugabe kết thúc bất ngờ bắt nguồn từ áp lực của quân đội nước này. Binh biến ở Thủ đô Harare xảy ra vào đầu tuần trước khi ông Mugabe phế truất cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa và ưu ái cho Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe vào vị trí kế nhiệm mình. Ông Mnangagwa có mối quan hệ chặt chẽ với một số thành viên của quân đội, đó là lý do dẫn đến cuộc đối đầu giữa cựu Tổng thống Mugabe và các tướng lĩnh. Trước sức ép từ phía quân đội và người dân, dù không muốn nhưng nhà cựu lãnh đạo 93 tuổi phải từ bỏ chiếc ghế quyền lực của mình sau một tuần.

Người phát ngôn đảng ZANU-PF Simon Khaya Moyo nhấn mạnh người dân cần công nhận những cống hiến mà ông Mugabe đã làm được cho đất nước kể từ khi giành độc lập từ Anh hồi năm 1980. Nói về cuộc binh biến vừa qua, quan chức này cho biết đã đến lúc ông Mugabe cần nghỉ ngơi và đây cũng là ước muốn của mọi người dân Zimbabwe.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.