“Dân chơi” Hà thành săn chó cộc đuôi của người Mông

“Dân chơi” Hà thành săn chó cộc đuôi của người Mông

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 7, 17/02/2018 07:00

Vượt hàng trăm cây số, băng rừng, vượt núi vào các bản làng ở Lào Cai, Hà Giang… để săn lùng chó cộc đuôi của người H’Mông, những “dân chơi” Hà thành kể rằng, mỗi khi tìm được chú chó này, đấy là thắng lợi.

“Nằm gai nếm mật” tìm… chó

Gia đình - “Dân chơi” Hà thành săn chó cộc đuôi của người Mông

Anh Hải Anh coi Tun như một người bạn.

Vừa vuốt ve chú chó cộc đuôi có tên Tun, anh Nguyễn Hải Anh (Sinh năm 1990, Hà Nội) kể, anh là người rất yêu động vật, đặc biệt là loài chó. Năm 2007 tình cờ anh biết được giống chó cộc đuôi của người H’Mông qua một người bạn, kể từ đó cho đến nay anh dành nhiều thời gian tìm hiểu và chơi loài chó này.

Thế nhưng, giống chó này chỉ có ở trên vùng cao phía Bắc nên phải ai thật sự yêu thích mới đủ kiên nhẫn băng rừng, lội xuống đi tìm kiểm giống “tứ đại danh khuyển” này.

“Cách đây khoảng 5-6 năm, khi ấy tiết trời mùa đông, tôi cùng với một người bạn quyết định cùng nhau lên Hà Giang để tìm một chú chó cộc đuôi chuẩn. Sau bao ngày tìm kiếm, cuối cùng tôi đã gặp được. Hôm ấy, chúng tôi tìm vào nhà ông trưởng bản của một huyện ở Hà Giang. Vừa vào đến nơi, tôi nhìn thấy chú chó cộc đuôi và thích ngay. Tôi mải mê ngắm và trả giá rất cao nhưng chủ nhà không đồng ý bán”, anh Hải Anh kể.

Trước sự từ chối của chủ nhà, anh Hải đã đôi phần nản, nhưng quay ra nhìn chú chó đáng yêu, anh lại kiên trì thuyết phục thêm: “Tôi quyết định “nằm gai nếm mật” tại nhà trưởng bản dùng hết ngày nghỉ phép rồi “ăn vạ” nhưng sự kiên trì của tôi vẫn không có kết quả.

Tôi chào tạm biệt trưởng bản ra về, lòng rất buồn. Thật không ngờ, vị trưởng bản đồng ý bán thậm chí ông ấy còn không lấy một đồng nào. Cảm kích trước việc làm của vị trưởng bản tôi đã tặng gia đình ông muối, xà phòng và một tải gạo. Tôi ôm chiếc lồng chó mà tôi hằng ao ước vượt đường rừng để trở về Hà Nội trong niềm vui khó tả”.

Gia đình - “Dân chơi” Hà thành săn chó cộc đuôi của người Mông (Hình 2).

Anh Hải Anh lặn lội lên bản tìm bằng được giống chó cộc đuôi
hoang dã.

Sau chuyến đi “săn” đó anh Hải Anh tiếp tục lên vùng cao tìm thêm một vài con nữa nhưng với anh, Tun chính là chú chó mà anh tốn nhiều công sức nhất.

Cũng có niềm yêu thích động vật, từng nuôi một vài giống chó cộc đuôi nhưng đến khi được biết về loài chó cộc đuôi của người Mông thì anh Phạm Văn Khánh (SN 1967) thấy thú vị nên đã quyết định từ Hà Nội ngược lên huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

“Năm 2013, khi lên Mèo Vạc tìm kiếm tôi cùng với một người bạn phải đi qua nhiều xã, nhiều bản, có cung đường phải đi xe ôm, thậm chí đi bộ hàng cây số và tìm kiếm cả ngày trời cuối cùng tôi mới tìm được một chú chó ưng ý”, anh Khánh tâm sự.

 Loài chó có sức hút kỳ lạ

Đưa tay vuốt ve chú chó cộc đuôi của mình, anh Khánh tiết lộ: “Con chó mà tôi kiếm được ở Mèo Vạc đã không còn, nhưng con của nó đã ở bên tôi được 4 năm. Việc chăm sóc loài chó này đơn giản như chó ta. Sức hút kỳ lạ của giống chó này là rất thông minh. Nếu chó ta cứ thấy người lạ vào nhà là sủa thì chó cộc đuôi không vậy, thấy người lạ vào nhà chúng sẽ thăm dò, khi không thấy chủ ra đón tiếp chúng mới bắt đầu sủa. Ngoài ra, loài chó này rất quấn chủ, rất trung thành”.

Gia đình - “Dân chơi” Hà thành săn chó cộc đuôi của người Mông (Hình 3).

Anh Khánh rất yêu quý loài chó này.

Khi nhắc về sức hấp dẫn đặc biệt của loài chó cộc đuôi, anh Hải Anh không giấu được cảm xúc khi nhắc về một sự cố với chú chó Tun. “Lần đó tôi gửi Tun sang nhà người bạn ở phố Trương Định, nhưng hôm sau Tun cắn đứt xích và bỏ đi. Tôi nhờ bạn bè tìm kiếm nhưng không thấy, một tuần sau Tun có mặt ở nhà (khu vực đường Âu Cơ – PV), tôi cứ ngỡ là sẽ không bao giờ gặp lại nữa thì nó xuất hiện ngay trước mặt”.

Gia đình - “Dân chơi” Hà thành săn chó cộc đuôi của người Mông (Hình 4).

Săn tìm chó cộc đuôi là đam mê của không ít người. 

Anh Đỗ Võ Việt Dũng (SN 1968, Chủ nhiệm câu lạc bộ chó Mông cộc đuôi Hà Nội), cũng được coi là “dân chơi” giống chó này có tiếng tại Hà thành chia sẻ thêm: “Chó cộc đuôi gắn liền với bà con dân tộc Mông, luôn được bà con coi là báu vật trông nhà. Loài chó này có những đặc điểm khác với những loài chó khác: Không có đuôi hoặc có những con sinh ra có đuôi nhưng lại rất ngắn (do đột biến gene- PV). Tai hình tam giác và luôn dựng đứng. Nó luôn trong tư thế sẵn sàng tấn công. Giống này lầm lì, chỉ nghe theo lời chủ nên chúng trông nhà rất tốt”.

Theo anh Dũng, chó cộc đuôi dễ nuôi hơn nhiều so với nuôi chó Tây. Duy chỉ có một điều khó khăn là cho chó thích nghi với “chế độ chuyển vùng” từ vùng cao xuống miền xuôi.

Gia đình - “Dân chơi” Hà thành săn chó cộc đuôi của người Mông (Hình 5).

Anh Dũng mong muốn bảo tồn giống chó quý, hiếm của Việt Nam.

“Với loài chó cộc đuôi, khi mới mang về người nuôi cần hết sức lưu ý chế độ dinh dưỡng. Vì ở vùng cao chúng chỉ được ăn mèn mén, ăn cám chung với lợn, khi đem về xuôi mọi người cho ăn thừa chất và chưa kịp thích nghi sẽ dẫn đến ốm, bị đường ruột, nếu biết cách chăm sóc thì nuôi chú chó này không khác chó ta là mấy”, anh Việt Dũng cho biết.

Anh Dũng thông tin thêm, cân nặng của giống chó này dao động từ 20-25kg, giá có con lên đến vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, mục đích chính của anh và các thành viên trong câu lạc bộ không phải để làm kinh tế, mà là để bảo tồn giống chó được coi là quý, hiếm của Việt Nam.

Mong mọi người biết đến chó cộc đuôi nhiều hơn

Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Đức Khương (SN 1994, thành viên câu lạc bộ chó cộc đuôi của người Mông Hà Nội) cho biết: “5 năm tham gia câu lạc bộ, tôi chỉ có mong muốn là mọi người biết đến loài chó này nhiều hơn, còn lâu dài mong giống này được quốc tế công nhận là một giống chó đặc biệt của Việt Nam”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.