Bộ Tài chính dự kiến tăng mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) trong mỗi lít xăng dầu lên 3.000-8.000 đồng/lít so với khung thuế cũ là 1.000-4.000 đồng/lít trong dự thảo mới được đưa ra lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường.
Liên quan đến vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS,TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (bộ Tài chính) để có góc nhìn rõ ràng hơn về vấn đề đang gây tranh cãi này.
Bộ Tài chính vừa đưa dự thảo Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó có việc dự kiến tăng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Mức tăng có thể kịch trần ở mức 8.000 đồng/lít. Ông có đánh giá gì về dự kiến này?
Một câu hỏi đặt ra là có cần phải huy động nguồn lực để thực hiện bảo vệ môi trường hay không. Tôi cho là có vì trong xu thế hiện nay, nhiều hoạt động của con người ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái. Cho nên, Nhà nước phải tìm nguồn lực để giải quyết vấn đề này trong đó thuế là một công cụ quan trọng.
Đặc biệt, xăng dầu là nhiêu liệu hóa thạch trong quá trình sử dụng phát sinh khí thải ảnh hưởng đến môi trường. Việc đánh thuế môi trường là cần thiết. Theo tôi được biết, việc đánh thuế môi trường vào xăng dầu thì không phải nước nào cũng đánh. Kể cả ở châu Âu, nhiều nước cũng không đánh loại thế này vào xăng dầu.
Chúng ta đánh thuế bảo vệ môi trường vào xăng dầu là một trong số không nhiều nước áp dụng. Trước kia, mức đánh thuế môi trường vào xăng dầu từ 1.000-4000 đồng/lít. Với cách đánh thuế bằng số tiền tuyệt đối là không chuẩn, không phù hợp mà nên đánh tương đối bằng tỷ lệ phần trăm. Việc đánh thuế chốt tuyệt đối như hiện nay là không so sánh với giá trị thực tế của xăng, không hợp lý.
Ở mức khung cũ, từ lúc bắt đầu thực hiện là năm 2012, bộ Tài chính đã nâng mức thuế này đến 3.000 đồng/lít. Những lần nâng mức thuế này, tôi nhớ Quốc hội cũng đã có nhiều tranh cãi, phân vân về việc tăng thuế như vậy có ảnh hưởng đến giá không. Bởi vì thuế là một trong yếu tố cấu thành nên giá. Thứ hai là hiện nay một lít xăng “cõng” quá nhiều thuế, phí như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường.
Tôi nhớ Bộ trưởng bộ Tài chính khi đó có phát biểu là không ảnh hưởng. Nhưng tôi nhớ là tháng 5 năm đó bắt đầu thực hiện, một vài tháng sau giá cả tăng kinh khủng. Sau đó, có động thái muốn rục rịch tăng lên 4.000 đồng/lít kịch trần khung nhưng dư luận phản đối nên đã không tăng.
Theo tôi được biết, 2 lý do tăng thuế trong dự thảo này là Việt Nam tham gia các AFTA, thuế nhập khẩu sẽ giảm và nguồn lực tài chính đang mất cân đối. Chính vì thế, bộ Tài chính muốn có thay đổi. Tôi cũng có điều tra, tham khảo ý kiến và thấy rằng không nên tăng thuế bảo vệ môi trường quá cao như dự thảo.
Ông có thể nói rõ hơn lý do tại sao không nên tăng mức như dự thảo của bộ Tài chính đang đưa ra?
Không nên tăng quá cao như dự thảo vì xăng dầu là mặt hàng chiến lược quan trọng trong việc tạo nên năng lực cạnh tranh. Trong bối cảnh hiện nay, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt rất hạn chế. Khả năng hạn chế là do năng suất lao động thấp, chi phí giá thành sản phẩm cao mà xăng dầu là một chi phí yếu tố cấu thành giá. Chi phí tăng, giá thành tăng đương nhiên làm hạn chế khả năng cạnh tranh.
Thứ hai là dù thu nhập bình quân của VN có tăng nhưng vẫn thuộc diện thấp. Điều kiện sống còn khó khăn mà tăng thuế làm người dân thêm gánh nặng là điều không phải hợp lý. Với tất cả các yếu tố, bối cảnh hiện nay, theo tôi vẫn nên giữ mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu ở khung kịch trần 4.000 đồng.
Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường từ khung 1.000 đồng - 4.000 đồng/lít lên 3.000 đồng – 8.000 đồng/lít mà giá nhập xăng dầu hiện nay là khoảng 7.2000 đồng – 10.000 đồng/lít. Nếu tăng kịch trần 8.000 đồng/lít là bằng giá nhập khẩu. Tất cả cái đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, giá thành sản xuất, cuộc sống của người dân.
Thực tế, loại thuế này có tên là thuế Bảo vệ môi trường tuy nhiên việc chi tiêu từ khoản thu này cho môi trường ra sao, hiệu quả đến đâu là điều dư luận còn nhiều dấu hỏi. Ông có chung quan điểm này?
Đúng là hiện nay dư luận thấy rằng số thu thì khá lớn nhưng chi cho môi trường bao nhiêu là điều không phải ai cũng biết. Đó là chưa minh bạch. Dư luận sẽ đặt câu hỏi là “chi đã hết đâu mà đòi tăng!” Thu đúng mục đích, chi đúng mục đích, đồng thời phải hiệu quả là điều mà loại thuế, loại phí nào cũng phải giải trình được khi đề xuất thay đổi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đỗ Thơm