Lợi ích của đường
Theo Vnexpress, đường cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin B1, B2, B6, C; các muối vô cơ gồm canxi, phốt pho, sắt và các acid hữu cơ. Nếu không sử dụng đường đúng cách sẽ có tác hại đối với sức khỏe. Chỉ nên dùng một lượng vừa đủ cho nhu cầu hoạt động của cơ thể vì nếu dư thừa sẽ dễ dẫn đến béo phì, đái tháo đường...
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại đường khác nhau, trong đó phổ biến nhất là đường được làm từ mía màu trắng thường gọi là đường tinh luyện cát trắng. Còn một loại đường khác cũng làm từ mía nhưng có màu vàng và đường bánh, đây là đường chưa được tinh luyện.
Nhiều bà nội trợ thường nghĩ rằng, đường đơn giản chỉ là gia vị cung cấp chất ngọt, pha nước, nêm nếm món ăn hay dùng làm bánh nên chỉ cần có độ ngọt và rẻ là được. Nhưng ít ai biết được rằng những loại đường siêu ngọt, siêu rẻ trôi nổi, không nhãn mác có thể tồn tại những nguy hại tiềm tàng cho sức khỏe người tiêu dùng nếu sử dụng về lâu dài.
Đường là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu và trước tiên cho cơ thể để cơ thể hoạt động và để não bộ tư duy. Trong khẩu phần ăn hàng ngày, glucid phải chiếm đến 40-55%. Chúng ta chỉ đề cập đến đường ở trong trái cây, rau xanh, ngũ cốc hay đồ khô, chứ không phải đường ở trong chất phụ gia, cần phải tránh. Chế độ ăn giảm cân mà loại bỏ hết glucid, như các chuyên gia khuyến cáo là không nên. Bởi, thiếu đường sẽ phát sinh những vấn đề về tim mạch và thận.
8 lợi ích của việc ăn ít đường
Việc tiêu thụ đường không phù hợp sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật. Người ta biết rằng, ăn đường quá nhiều là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh béo phì và đái đường. Trên thế giới, có tới 1/3 người lớn bị béo phì, trong đó số người ở độ tuổi trên 40 tăng gấp 3 lần, tức là vào khoảng 650 triệu người. Số người bị bệnh đái đường khoảng 422 triệu người, tăng gấp 4 lần so với năm 1980, theo thống kê của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới). Đường huyết quá cao có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, suy thận, mù lòa…
Giảm viêm nhiễm: Thông tin trên Zing, tại Mỹ, 125 triệu người mắc các bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh Alzheimer và viêm khớp. Cứ 5 người trên toàn cầu thì có 3 người chết vì những bệnh viêm nhiễm này. Uống nhiều rượu, hút thuốc, béo phì và căng thẳng mạn tính có thể làm tăng khả năng bị viêm. Nghiên cứu năm 2006 cho thấy tiêu thụ nhiều đường cũng có thể gây ra viêm nhiễm. Vì vậy, không ăn đường có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc một số tình trạng viêm nhiễm này.
Giảm nguy cơ ung thư: Theo Thanh Niên, báo cáo được đăng tải trên tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ (2020) cho thấy lượng đường tiêu thụ có thể là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của một số bệnh ung thư, chủ yếu là ung thư vú. Chuyên gia dinh dưỡng Allison Tallman, MS, RDN, CNSC, đã đăng ký tại Sporting Smiles, chia sẻ việc từ bỏ đường cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Chuyên gia Tallman nói: "Tiêu thụ đường nuôi các tế bào ung thư, ngay cả với những tế bào đã bị ung thư".
Giảm cân hiệu quả: Tiến sĩ David Ludwig, giáo sư dinh dưỡng tại đại học Harvard (Mỹ), lưu ý rằng nồng độ insulin tăng cao sẽ gây ra mỡ bụng, sau đó đưa các tế bào mỡ trên cơ thể vào trạng thái dự trữ calo quá mức. Đặc biệt việc thay thế carbs tinh chế và thực phẩm có đường bằng chất béo lành mạnh giúp giữ ổn định insulin. Điều này cũng đảm bảo lượng calo được lưu trữ dưới dạng chất béo sẽ ít hơn.
Đẹp da hơn: Lượng thực phẩm có đường bạn tiêu thụ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng lượng đường trong máu cao sẽ dẫn đến đến hiệu ứng domino phân tử được gọi là glycation. Glycation là một quá trình cản trở việc tái tạo collagen - là tác nhân làm cho làn da căng đầy. Do đó, đường làm giảm độ đàn hồi của da và có thể gây ra nếp nhăn sớm.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường: Cắt giảm các món tráng miệng có đường giúp kiểm soát cân nặng dễ dàng hơn. Điều này cũng giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2.
Làm giảm mỡ bụng: Uống soda hằng ngày có thể khiến tăng cân, đặc biệt là xung quanh bụng, và mỡ bụng thực sự nguy hiểm. Đặc biệt các món ngọt khiến cho lượng đường trong máu tăng đột biến, có thể gây ra một cơn lũ insulin tràn vào cơ thể, dần dần thúc đẩy sự tích tụ mỡ bụng càng nhiều, theo Health News.
Khiến cơ thể khỏe mạnh hơn : Khi chế độ ăn uống có quá nhiều thực phẩm và đồ uống có đường, bạn có thể bị cơn “say đường”, nghĩa là sau khi ăn rất nhiều đường, ngày hôm sau bạn sẽ cảm giác cạn kiệt năng lượng và cơ thể gần như kiệt sức, do tình trạng mất cân bằng đường trong máu, dẫn tới thiếu năng lượng, mệt mỏi do tiêu thụ lượng lớn carbonhydrate. Để tránh cơn “say đường”, hãy tiêu thụ thực phẩm bổ dưỡng đầy đủ protein và chất béo lành mạnh. Những thực phẩm sau đây sẽ cung cấp cho bạn một nguồn năng lượng ổn định bền vững hơn, tránh được cơn say đường đáng sợ: Táo, chuối, sô cô la đen, trứng, cá béo (cá hồi và cá ngừ), đậu lăng, cháo bột yến mạch, hạt Quinoa, khoai lang, sữa chua, theo Health News.
Tăng cường sức khỏe tim mạch: Theo một nghiên cứu, đường có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tim mạch. Các phát hiện cho thấy những người tiêu thụ 17 - 21% lượng calo hằng ngày từ thực phẩm và đồ uống có đường, có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao hơn 38%, so với những người giữ lượng đường ở mức chỉ 8% lượng calo hằng ngày, theo Health News.
Trúc Chi (t/h)