Bẫy giảm giá và khuyến mãi
Đây là một trong những lý do hay gặp nhất khiến mọi người mua những thứ họ không cần. Khi nhìn thấy những từ như “giảm giá” hay “khuyến mãi” được quảng cáo trong một cửa hàng, đa số đều tin rằng mình sẽ mua về sản phẩm với mức giá hời dẫn đến quyết định chi tiêu không chính xác.
Có thể bình thường bạn không hề có ý định mua món đồ đó nhưng khi nó được giảm giá, tâm lý “có lời cho bản thân” sẽ khiến người tiêu dùng nảy sinh ham muốn mua sắm, khiến chúng ta ham lợi mà rước về nhà những thứ chẳng đụng tới.
Mua vì cảm giác sợ hãi
Nhiều người có tâm lý khi sản phẩm nào đó mới được tung ra bán thì cần phải mua ngay kẻo cháy hàng hoặc sợ sau này mình sẽ chẳng có tiền để mua nữa. Tuy nhiên suy nghĩ đó không phải lúc nào cũng đúng.
Trong nhiều trường hợp, các sản phẩm sẽ rẻ hơn sau đợt chào bán đầu tiên và bạn chỉ việc chờ đợi thêm một chút thời gian. Hơn nữa trong lúc chờ đợi, bạn có thể cân nhắc kỹ lưỡng hơn về quyết định mua sắm, tránh việc chi tiêu quá mức hoặc chi cho sản phẩm không cần thiết.
Bẫy chi nhiều hơn để tiết kiệm
Nhiều cửa hàng chỉ áp dụng chính sách giảm giá khi khách hàng chi tiêu đến một mức nhất định. Đó chính là cái bẫy khiến người tiêu dùng mua nhiều mặt hàng hơn.
Nhìn bề ngoài có vẻ bạn đã được chiết khấu giá nhưng thực tế bạn lại đang lãng phí tiền thay vì tiết kiệm vì mua về những thứ chưa chắc đã dùng đến.
Bị người bán hàng tác động
Với khả năng ăn nói, những người bán hàng có thể thuyết phục bạn rằng một sản phẩm nào đó tốt hơn các loại khác hay khiến bạn mua một lúc 3 chiếc áo thay vì chỉ một như ý định ban đầu. Do đó hãy luôn nhớ sản phẩm bạn định mua. Tìm kiếm thông tin về mặt hàng đó trên mạng trước để không phải hỏi quá nhiều khi tới cửa hàng. Người bán hàng chỉ “lái” được những khách không biết rõ bản thân muốn mua gì.
Bẫy phút chót
Nếu cần mua món hàng quan trọng nào đó thì tốt nhất bạn nên mua trước thời điểm cần dùng đến càng sớm càng tốt. Khi mua sắm vào phút chót áp lực thời gian sẽ khiến bạn căng thẳng và thường phải bỏ ra số tiền lớn hơn để mua thứ đầu tiên nhìn thấy vì không có thời gian chọn lựa nữa.
Các mẹo của cửa hàng
Âm nhạc êm dịu, không gian bắt mắt, hương thơm ngọt ngào,… tất cả những điều này tác động khiến chúng ta bước vào cửa hàng mà mình vốn chẳng định mua gì. Không khí thoải mái bên trong nhiều khi khiến bạn đi dạo xung quanh cửa hàng quên cả thời gian và mua sắm vô bổ.
Mua sắm khi bụng rỗng
Việc đi mua sắm khi đang đói dễ dẫn chúng ta tới quyết định chi tiêu bốc đồng. Bạn sẽ mua nhiều đồ ăn hơn mức cần thiết. Cơn đói khiến cho thực phẩm có sức cám dỗ hơn gấp nhiều lần.
Mua cho tương lai
Nhiều người có tâm lý mua những món đồ cho tương lai, như chiếc váy cỡ S trong khi ta đang mặc size M vì nghĩ đó là động lực giúp mình giảm cân. Hãy nhớ rằng việc mua đồ như vậy không khiến bạn mảnh mai hơn, muốn đạt được mục tiêu này cần sự nỗ lực và kiên trì.
Hiệu ứng chơi trội
Nhiều người thích trở thành trung tâm chú ý và các món đồ mới là cách giúp họ làm điều đó. Họ sẽ mua các sản phẩm độc đáo mà ít người có để bản thân trở nên nổi bật hơn dù những món đồ này có giá thành cao hơn hẳn sản phẩm cùng loại hoặc là thứ không thật sự hữu ích.
Không lập kế hoạch chi tiêu
Việc lập kế hoạch cho nhu cầu và mong muốn của bản thân bao giờ cũng là điều cần thiết. Nếu không bạn dễ rơi vào chi tiêu lãng phí khi đến cửa hàng. Thói quen mua sắm tự do làm tăng các giao dịch mua, khiến hóa đơn bị “đội” lên rất nhiều. Việc lập danh sách mặt hàng cần mua sẽ thu hẹp sự tập trung của bạn, hướng chú ý vào chính xác những gì cần mua không hơn không kém.
Minh Hoa (t/h)