Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, giảm thải khí nhà kính, sáng ngày 7/6, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Ngân hàng thế giới- World Bank (WB) tổ chức hội thảo “Xây dựng đề án phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp Các bon thấp”. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã tham gia chủ trì buổi Hội thảo.
Nhiều cơ chế pháp lý thúc đẩy nông nghiệp bền vững
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Dina Umali-Deininger, Giám đốc thực hành WB bày tỏ sự vui mừng khi WB và Bộ NN-PTNT có cơ hội hợp tác trong một dự án mang tính chất toàn cầu và cho biết, ưu tiên hàng đầu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là nâng cao năng suất, đảm bảo phát triển bền vững, và đặc biệt, giảm phát thải khí CO2 trong các hoạt động nông nghiệp.
Trong quá trình triển khai thí điểm, dự án phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam bước đầu đã có những thành công tốt đẹp, năng suất trồng lúa tăng lên rõ rệt, chi phí sản xuất đầu vào giảm, qua đó giúp nâng cao thu nhập của người dân. Đồng thời, các biện pháp canh tác tốt, giúp giảm phát thải khí nhà kính đã nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ phía người dân và chính quyền.
Trước đây, khi đề cập đến vấn đề nóng lên toàn cầu, thường chỉ xoay quanh phạm vi hẹp một số lĩnh vực như khai thác khoáng sản, dầu khí nhưng trên thực tế, các hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng phát sinh rất nhiều khí CO2, ví dụ như phương pháp trồng lúa thâm dụng tài nguyên hóa học, trang trại chăn nuôi...
“Xu hướng tiêu dùng hiện nay của thế giới, ngoài các yêu cầu về an tooàn vệ sinh thực phẩm, thì sản phẩm “xanh- sạch” là một xu thế đang được rất nhiều quốc gia hướng đến. Mặt khác, người tiêu dùng cũng sẵn sàng trả giá cao để sử dụng một sản phẩm “xanh”, đây là động lực rất lớn để ngành nông nghiệp toàn cầu thay đổi phương pháp sản xuất”, bà Dina Umali-Deininger nhấn mạnh.
Tham luận tại Hội thảo, ông Cao Thanh Bình, chuyên gia nông nghiệp cao cấp của WB cho biết, trên thế giới, ngày càng nhiều quốc gia có yêu cầu “xanh” đối với nông sản nhập khẩu. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cao độ khi ban hành hàng loạt các chính sách cụ thể như, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 - Tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 để thúc đẩy nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nông nghiệp Các bon thấp.
Trên bình diện quốc tế, tại COP26 diễn ra vào tháng 11/2021 ở Glasgow, Việt Nam ký cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Mục tiêu trước mắt là đến năm 2030, giảm phát thải 9% khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước và 27% với sự hỗ trợ quốc tế theo đóng góp do quốc gia xác định (NDC). Tại Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực của Liên hợp quốc năm 2021, Việt Nam cũng đã cam kết chuyển đổi hệ thống lương thực theo hướng minh bạch, có trách nhiệm và bền vững.
“Đây là những tiền đề pháp lý vô cùng quan trọng để đưa nông nghiệp Việt Nam hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, trở thành một cường quốc lương thực toàn cầu”.
Bốn giải pháp cụ thể giúp giảm phát thải khí nhà kính
Theo đại diện WB, nông nghiệp Việt Nam hiện nay góp 19% tổng lượng khí thải của quốc gia, trong đó, riêng ngành lúa- gạo đã chiếm khoảng một nửa với hơn 70% lượng khí thải metan. Để hoàn thành mục tiêu quốc gia, nhiệm vụ cấp bách của ngành nông nghiệp hiện nay là giảm phát thải khí nhà kinh trong sản xuất lúa gạo.
Ông Bình cho biết, rút kinh nghiệm từ dự án ACP và VnSAT, việc áp dụng biện pháp kỹ thuật tổng hợp “1 phải, 5 giảm” (1P5G) trong canh tác lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã giúp tăng năng suất 5%, qua đó tăng lợi nhuận ròng cho người nông dân lên đến 28,6%, lượng khí CO2 thải ra môi trường giảm khoảng 8 tấn CO2/ha cho mỗi năm.
“Nếu áp dụng 1P5G cho 600.000 ha lúa còn lại của Đồng bằng sông Cửu Long, ước tính sẽ giảm được khoảng 3,2 triệu tấn CO2 mỗi năm và mức giảm sẽ còn lớn hơn nếu chuyển đổi lúa từ 3 vụ sang còn 2 vụ hoặc sử dụng các hệ thống canh tác Các bon thấp”, ông Bình phân tích.
Để thực hiện hiệu quả việc phát thải khí nhà kính, ông Bình đề xuất cần thực hiện đồng bộ bốn giải pháp.
Áp dụng mô hình sản xuất theo các tiêu chuẩn tiên tiến như mô hình nông nghiệp cộng đồng (CSA), quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), bởi kinh nghiệm thực tế từ các dự án như ACP và VnSAT cho thấy áp dụng 1P5G giảm được khoảng 4 tấn CO2/ha/vụ.
Chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các hệ thống canh tác phát thải Các bon thấp, hấp thụ Các bon như cây ăn quả hoặc cây trồng sẽ giúp giảm ít nhất là 2,6 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Quản lý khoa học phế phẩm nông nghiệp, hàng năm, cả nước có khoảng 53 tấn rơm rạ các loại, nếu đốt 1 tấn rơm rạ khô sẽ thải ra môi trường 0,5 tấn CO2. Như vậy, nếu toàn bộ 53 triệu tấn rơm rạ xử lý bằng phương pháp đốt bỏ sẽ thải ra một lượng khí Các bon khổng lồ. Sử dụng phương pháp tái chế 70% rơm rạ có thể giúp giảm 2,6 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Và cuối cùng là giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch, bởi theo tính toán, sản xuất 1 tấn thóc sẽ thải ra 0,5 tấn CO2.
“Nếu tổn thất từ thu hoạch, sau thu hoạch giảm từ 13% xuống 7% thì riêng khu vực ĐBSCL sẽ tiết kiệm được 1,5 triệu tấn thóc, qua đó giảm khoảng 0,8 triệu tấn CO2 mỗi năm”, ông Bình cho biết.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu và nhấn mạnh về công tác giảm thải khí nhà kính là mục tiêu quốc gia và nông nghiệp là ngành gánh vác trách nhiệm vô cùng quan trọng.
“Một dự án có đạt hiệu quả như mong muốn hay không cần bắt đầu ngay từ khâu chuẩn bị triển khai thực hiện, đòi hỏi sự thống nhất từ trung ương đến địa phương”.
Thứ trưởng cũng đề nghị các Cục chăn nuôi, Cục trồng trọt…cần sớm thống nhất chương trình hành động với WB để đi vào triển khai thực tiễn.