10 năm không học thêm vì không mang lại kiến thức gì mới

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 3, 18/02/2025 18:50

Nếu đề cao tinh thần tự học, không chạy theo thành tích, về lâu dài học thêm tiêu cực sẽ mất đi "chỗ đứng", hạn chế tiêu cực.

Bước vào tuần học tập đầu tiên sau khi Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT về học thêm, dạy thêm chính thức có hiệu lực. Việc chấm dứt học thêm khiến nhiều học sinh, cha mẹ lo lắng sẽ không có người bổ trợ kiến thức cho các con. Tuy nhiên, với vẫn có nhiều bộ phận phụ huynh vui mừng ủng hộ, bởi hiện nay học sinh sẽ được tự chủ động học tập theo nhu cầu và mong muốn bản thân.

Điều này cũng đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi học sinh phải tự lực chiếm lĩnh kiến thức để phát triển năng lực, phẩm chất (qua hoạt động học và vận dụng kiến thức). Phương pháp giáo dục mới hiện nay là tích cực hóa hoạt động học tập, chú trọng tổ chức hoạt động học nhằm hình thành và phát triển năng lực tự học cho học sinh; thực hiện phương châm "Học qua làm".

Trao đổi với Người Đưa Tin, phụ huynh Nguyễn Thị Thanh Ngà (Cầu Giấy, Hà Nội) đang có con học lớp 10 tại một trường công lập tự chủ tài chính đánh giá Thông tư 29 phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Vị phụ huynh này chia sẻ, bản thân con chị trong quá trình học có nhiều năm đạt học sinh giỏi, ở trong top đầu của lớp, cũng có thời điểm do khủng hoảng tâm lý, thay đổi môi trường nên học tập sa sút. Nhưng 10 năm qua không bao giờ con chị Ngà đi học thêm dù gia đình có đủ điều kiện đầu tư học tập.

10 năm không học thêm vì không mang lại kiến thức gì mới- Ảnh 1.

Áp lực thi cử khiến học sinh phải đổ xô đi học thêm (Ảnh: Hữu Thắng).

"Qua quá trình theo dõi và quan sát, tôi nhận thấy cháu có năng lực học tập tốt, khả năng tự học nên tôi cũng quyết định không cho con học thêm. Trong giai đoạn học lớp 4 và bước sang cấp 2, cháu cũng có học kém hơn ở một số kỳ học và một số môn, thầy cô cũng gợi ý muốn hỗ trợ cho con nhưng chính cháu cũng không muốn phải học ngoài giờ trên lớp", chị Ngà chia sẻ.

Mặc dù vậy, để không đi học thêm nhưng vẫn có được kết quả tốt, ngoài năng lực bản thân, phụ huynh cũng nhìn nhận rằng cần có thầy cô giáo tâm huyết trong giảng dạy kiến thức, kèm theo đó là đồng hành, tâm sự, chia sẻ tâm tư với học sinh. Song hành với đó, là cha mẹ phải tôn trọng năng lực học tập của con, không chạy theo thành tích, sẵn sàng đón nhận những kết quả học tập kém của học sinh. Ở đây, quan điểm của chị Ngà là không ép buộc, để con tự học tập đúng năng lực và nhu cầu, tôn trọng sự lựa chọn của con. Cùng với đó, phối hợp với cô giáo chủ nhiệm động viên con học tập.

Với nhiều năm không tham gia các hoạt động học tập kiến thức ngoài giờ lên lớp, vì vậy khi con học lớp 10, chị Nguyễn Thị Thanh Ngà đã rất bức xúc khi phải đăng ký "tự nguyện" cho cháu học các câu lạc bộ tại trường.

10 năm không học thêm vì không mang lại kiến thức gì mới- Ảnh 2.

Nhiều quy định cấm dạy thêm, học thêm trong Thông tư 29.

"Các câu lạc bộ gần như không có giá trị, thậm chí, chỉ trong thời gian ngắn đã khiến con tôi chán nản và nghỉ học. Cháu cũng đánh giá các câu lạc bộ không mang lại những kiến thức mới, chỉ ôn tập lại những nội dung trên lớp nên rất nhàm chán. Chưa kể đến chỉ riêng giờ học chính khoá cùng với bài tập về nhà đã rất nhiều, vì vậy việc phải đi học thêm là quá sức với con", vị phụ huynh cho hay.

Sau ngày 14/2, khi nhà trường dừng các câu lạc bộ, con chị Ngà chỉ phải học nửa buổi và có nhiều thời gian tự học tập ở nhà, về chi phí học tập đã giảm từ 4 triệu đồng xuống còn hơn 2 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ thêm, phụ huynh cho rằng học thêm là cần đối với gia đình không có thời gian quản lý và chăm sóc con thì cần nhà trường và cần thầy cô hỗ trợ; Với những bạn lực học quá yếu, bố mẹ không có phương pháp hỗ trợ học tập cho con. Hoặc là dành cho những em muốn trở nên xuất sắc, muốn học những kiến thức ngoài nhà trường.

"Đa phần bây giờ học thêm đều là biến tướng, học thêm chỉ là đào lại những kiến thức đã học. Khi Thông tư 29 có hiệu lực, sẽ tránh tình trạng dạy học thêm tràn lan nhưng không hiệu quả, gây lãng phí tiền bạc thời gian.

Với giáo viên có thể mất đi nguồn thu, nhưng phụ huynh không có điều kiện sẽ không còn lăn tăn con mình không đi học thêm sẽ bị trù dập", chị Ngà đưa ra quan điểm.

10 năm không học thêm vì không mang lại kiến thức gì mới- Ảnh 3.

Học thêm phải xuất phát từ nhu cầu của học sinh (Ảnh: Hữu Thắng).

Có con đang học lớp 8 tại quận Đống Đa, Hà Nội, chị Minh Thu cũng đã lựa chọn cho con dừng tham gia các câu lạc bộ và các lớp dạy thêm do thầy cô trong nhà trường tổ chức vì không hiệu quả.

"Con tôi học kém Ngữ văn, tôi quyết định cho con tự ôn ở nhà và thi tuyển theo học vào một trung tâm luyện thi vào lớp 10. Trước đó, cháu cũng học các câu lạc bộ trong trường nhưng do lớp đông, học lực không thay đổi nên tôi cũng quyết định xin nghỉ học cho con", vị phụ huynh cho hay.

Chị Minh Thu bày tỏ rằng khi phụ huynh bỏ ra chi phí học tập cho con, cần phải nhận được lại kết quả tương xứng, nên phải được lựa chọn những cơ sở phù hợp để theo học.

Đề cao việc chủ động học tập của học sinh, theo TS.Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam học tập là suốt đời vì vậy học sinh phải trang bị thói quen tự học tập mới có khả năng tự lập tránh dựa dẫm vào học thêm khiến xói mòn khả năng tự học.

"Các em phải có năng lực tự học, biết cách học, chọn lọc, sắp xếp kiến thức vào cuộc sống chứ không phải chỉ đi nghe giảng. Với những học sinh thông minh, có năng lực chỉ cần nghe thầy cô giảng là hiểu và biết cách tự học. Nhưng với những học sinh trung bình, khá rất cần trường phải dạy học sinh biết cách tự học", ông Lâm chia sẻ.

Ngay khi Thông tư 29 có hiệu lực thầy Nguyễn Minh Quý - Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Hải Phòng) đã viết bức thư ngỏ gửi tới thầy trò nhà trường, trong đó thầy giáo nhấn mạnh vai trò tự học của học sinh.

Trong thư ngỏ thầy Quý nêu: "Chỉ trong vài ngày tới, thói quen "học thêm" sẽ phải dừng lại. Chắc chắn có sự hụt hẫng, hoang mang, thậm chí là khó khăn lớn xuất hiện. Tuy nhiên đây cũng chính là cơ hội để các em tìm lại sức mạnh nội tại: tinh thần tự học. Lúc đầu, tự học có thể khó khăn, mệt mỏi và kém hiệu quả. Nhưng làm quen và thuộc dần thì tự học sẽ trở thành một nguồn sức mạnh to lớn, giúp các em vững vàng đối mặt với thử thách và thành công trong tương lai"

Thầy Nguyễn Minh Quý cho rằng tự học không chỉ là kỹ năng, mà còn là nền tảng để hình thành ba phẩm chất quan trọng đó là tự tin, tự giác và tự chủ.


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.