Sáng nay (29/10), Buổi toạ đàm và ký kết thỏa thuận hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và đảm bảo chất lượng giáo dục các trường khối kinh tế đã được diễn ra tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Việc ký kết thoả thuận giữa 10 trường kinh tế trên cả nước nhằm mục đích thống nhất về các nội dung, phương thức hợp tác trao đổi giảng viên, sinh viên đa phương và song phương. Cùng với đó, các trường xác định và xây dựng các chương trình đào tạo mời sinh viên của các trường cùng học hàng năm, trao đổi sinh viên đa phương giữa các trường.
Cụ thể, trong thời gian tới sẽ có các hoạt động trao đổi sinh viên, học viên thông qua các khoá học ngắn hạn và dài hạn.
Ở các khóa dài hạn cho phép người học của các trường được đăng ký học tập, thực tập, nghiên cứu tại trường đối tác. Người học đăng ký tối đa 25 tín chỉ. Các học phần đăng ký phải có trong chương trình đào tạo của trường tiếp nhận. Người học được sắp xếp học tập, thực tập, nghiên cứu cùng các với người học của trường tiếp nhận trong các lớp học được mở theo kế hoạch học tập của trường.
Với các khóa ngắn hạn, các trường đại học tổ chức khóa học ngắn hạn trong thời gian hè, công bố chương trình, nội dung khóa học và cho phép người học của các trường được đăng ký học tập tối đa 12 tín chỉ.
Về học phí người học đăng ký các chương trình trao đổi sinh viên sẽ đóng học phí theo số tín chỉ được miễn, công nhận tại trường cử đi. Người học không phải đóng học phí cho trường tiếp nhận đào tạo.
Phát hiểu tại buổi lễ, GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Thoả thuận hợp tác ngày hôm nay chắc chắn sẽ mở ra, dấu mốc đặc biệt, mở ra cơ hội hợp tác hiệu quả hơn, thực chất hơn giữa các trường”.
Sự liên kết này giúp cho Sinh viên ở các trường đại học ở Hà Nội có cơ hội học tập ở Đà Nẵng, Tp.HCM.
“Quá trình hợp tác cho phép thực hiện nghiên cứu liên vùng, liên ngành, chắc chắn tạo sẽ tiếng nói mạnh mẽ hơn của các trường đại học khối kinh tế đối với xã hội. Đây sẽ là tiền đề quan trọng cho các trường nói chung và các cơ quan khác nói riêng trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”, thầy Chương bày tỏ.
Trao đổi với Người Đưa Tin, GS.TS Phạm Hồng Chương chia sẻ thêm: “Các em sinh viên hãy tận dụng những cơ hội tốt nhất để trải nghiệm cơ hội học tập ở các trường kinh tế. Giúp các em có cơ hội trải nghiệm các khoá học tập khác nhau và học hỏi những điều tốt nhất ở 10 trường”.
Trước câu hỏi, mỗi trường sẽ có những giáo trình và tiêu chuẩn khác nhau, vậy khi trao đổi sinh viên có cần những quy chuẩn chung đề đảm bảo chất lượng, thầy Chương cho biết: “Trước đó các trường đã có hoạt động điều chỉnh làm cho các chương trình đào tạo tương đối gần nhau, sinh viên học các môn tại trường của mình dễ dàng tương thích với các môn nào trong chương trình học học tập ở trường khác.
Việc chuyển đổi các môn học tương đương sẽ do phía trường tiếp nhận sinh viên quyết định. Điều quan trọng sinh viên trường nào vẫn là sinh viên trường đấy, trao đổi này chỉ tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội trải nghiệm”.
Đưa ra lời khuyên cho các em, thầy Chương thông tin các em sinh viên có thể bắt đầu trong kỳ học tới nhưng sau năm học thứ hai các em mới nên đi trao đổi, lúc đó có những nền tảng kiến thức phù hợp để sinh viên có thể học tập.
Đánh giá về cơ hội cho các em sinh viên, ông Bùi Quang Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM chia sẻ: “Chúng ta hay nghe trao đổi sinh viên Việt Nam với quốc tế nhưng trong nội bộ trong nước việc trao đổi còn hạn chế. Tính đa dạng trong hoạt động này sẽ giúp sinh viên được đào tạo rèn luyện ở những môi trường khác nhau, đây là cơ hội cho các em học tập. Đối với vấn đề chất lượng, phần lớn kiến thức chung của khối ngành kinh tế là giống nhau, nên chúng tôi không quá lo lắng về không đảm bảo chất lượng đào tạo”.