Thừa cân, béo phì không chỉ khiến chúng ta mất tự tin mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây. Vì vậy không ít người, đặc biệt là nữ giới, đã loay hoay tìm cách giảm cân. Trên mạng xã hội, nhiều chị em “rỉ tai” nhau cách tiêu mỡ, giảm cân nhanh chóng bằng cách uống giấm và cho rằng để phát huy tác dụng thì cần uống ngay lúc thức dậy vào buổi sáng, khi cơ thể đang đói... Thế nhưng uống giấm để giảm cân, lợi hay hại?
Trao đổi với Sức khỏe & Đời sống, bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh cho biết, giấm ăn là loại gia vị quen thuộc với mỗi gia đình. Thành phần của giấm có acid acetic hay acid citric và acid amin với tác dụng vào quá trình thúc đẩy sự trao đổi chất trong cơ thể, kích thích sự đốt cháy năng lượng và làm giảm chất mỡ đặc biệt là mỡ bụng nên có thể giúp giảm cân, giảm béo nhanh chóng, hiệu quả; đồng thời nồng độ của men trong giấm cũng giúp loại bỏ các tế bào chết, phân giải các thành phần chất béo hấp thu vào cơ thể và khử độc.
Nhưng lạm dụng giấm với một lượng lớn, đều đặn, thường xuyên hàng ngày là một chế độ giảm cân không phù hợp. Không có sự kiểm soát tiêu thụ lượng giấm uống vào người sẽ dẫn đến tình trạng niêm mạc dạ dày và ruột bị bào mòn, hủy diệt các men tiêu hóa. Người dùng giấm không còn cảm giác muốn ăn, không thể hấp thu được các chất dinh dưỡng; ngoài ra có thể gây độc với nhiều mức độ khác nhau do độ pH trong cơ thể giảm tác động lên hệ thần kinh, nguy hại cho dạ dày và ruột; thậm chí cả phổi, thận... cũng bị ảnh hưởng.
Vì vậy khi sử dụng giấm để giảm cân, giảm béo, cơ thể có thể gầy đi nhưng cùng với đó là dễ tăng nguy cơ mắc các loại bệnh do sức khỏe bị suy giảm, thể lực trở nên yếu kém, khó hấp thu các chất dinh dưỡng.
Đồng quan điểm, lương y Vũ Quốc Trung phân tích, bình thường giấm là một gia vị, kích thích ngon miệng khi ăn với một lượng nhỏ. Nhưng lạm dụng nó, sử dụng để giảm cân thì giấm rất độc.
Giấm ăn là axit acetic, khi đưa vào cơ thể một lượng lớn, đều đặn sẽ khiến dạ dày, đường ruột bị bào mòn. Nó cũng giết chết các men tiêu hóa, làm người không còn muốn ăn. Tùy theo người uống nhiều hay uống ít mà sẽ có mức độ ngộ độc khác nhau. Lương y Trung khẳng định nếu uống nhiều sẽ làm cho độ pH trong cơ thể giảm, sẽ tác động lên thần kinh, làm hại dạ dày, phổi, thận...
"Không phải giấm làm giảm cân mà nó làm mòn dạ dày, đường ruột, tiêu diệt các men tiêu hóa, làm con người không còn cảm giác muốn ăn, cơ thể không còn hấp thu được chất dinh dưỡng. Vì thế mà bị gầy đi nhanh chóng. Sự gầy đi này còn đi liền với bệnh tật. Từ đó về sau cơ thể sẽ yếu ớt, khó dung nạp chất dinh dưỡng. Từng có những trường hợp bị bục dạ dày vì giảm cân bằng giấm", lương y Trung nói.
Chị Khuyên, ở Thanh Trì (Hà Nội) là một trong những trường hợp phải chịu hậu quả vì uống giấm giảm cân. Vốn dĩ Khuyên không béo, chị cao 1m58, nặng 54 kg. Nhưng muốn mình mặc đồ đẹp như "mẫu", Khuyên đã uống giấm.
"Ngày đó còn trẻ sao dại dột thế. Đến cả trong mơ tôi cũng ước mình ốm, bị thổ tả hay ngộ độc thức ăn để cân nặng giảm xuống. Nhiều khi tôi còn chủ động ăn lung tung hay dầm mưa nhưng cũng không bị ốm. Thấy bạn nào ốm là tôi xuýt xoa, mong ốm chuyển sang cho mình", Khuyên nhớ lại.
Bình thường ngừng ăn đi một bát cơm khiến chị mệt không sống được. Nhưng từ khi uống giấm, chị thấy mình chán ăn, chẳng "háu đói" như xưa nữa. Nạp cái nước chua nồng đó hơn nửa tháng thì Khuyên bị ợ chua, bụng xót, nhói đau âm ỉ. Mẹ chị phát hiện, cấm con gái không được uống nữa.
Sau đó, giấc mơ được ốm của Khuyên trở thành hiện thực. Chị không biết mình ăn gì nhưng cứ nôn từ sáng tới tối, người mệt lử. "Tôi không còn buồn phiền vì cân nặng nữa nhưng cũng kể từ đó người càng gày hơn, hơi tí là đau bụng, khó tiêu. Mẹ tẩm bổ cho tôi đủ thứ nhưng có vẻ tôi không hấp thụ được nữa. Năm ngoái trước lúc kết hôn, chồng còn dọa tôi không lên được 48 kg sẽ không cưới nhưng cố bao nhiêu cũng có tăng được đâu", Khuyên chia sẻ với VnExpress.
Lấy chồng được hơn 1 năm nhưng Khuyên vẫn chưa mang thai vì sức khỏe yếu. Chị phải tẩm bổ đủ món ăn, bài thuốc cải thiện lại sức khỏe. "Bác sĩ bảo hệ tiêu hóa của tôi kém, không hấp thụ được thức ăn. Muốn tăng cân cần phải uống thuốc bổ một thời gian dài. Càng nghĩ càng thấy ngày xưa mình dại quá", Khuyên tự trách mình.
Có thể nói dùng giấm để giảm cân, giảm béo là một phương pháp thực hiện có thể mang lại kết quả nhưng cần sử dụng đúng cách.
Tốt nhất là dùng loại giấm tự nhiên và giấm tự làm ở nhà theo đúng phương pháp. Nhận biết giấm lên men tự nhiên thường dựa vào mùi hương, màu sắc; nên chọn loại giấm có mảng kết tủa do xác giấm bị lão hóa; khi lắc, bọt trong chai đựng giấm chậm tan; khi mở nắp chai cảm nhận vị chua nhẹ, dịu, không bay lên mũi ngay.
Do đó, cần mua giấm ở những nơi uy tín, có thương hiệu, tốt nhất là nên tự làm tại nhà. Giấm tự nhiên không phải là giấm được pha loãng từ acid acetic công nghiệp mà là giấm được sản xuất bằng cách cho lên men tự nhiên từ gạo, chuối, táo hay táo mèo và thường được gọi là giấm gạo, giấm chuối, giấm táo, giấm táo mèo.
Cách làm giấm tự nhiên ở nhà đơn giản nhất và luôn có sẵn nguyên liệu là cơm. Quy trình thực hiện: Ngâm cơm trong nước sạch ít nhất 4 giờ, tốt nhất là ngâm qua đêm trong tủ lạnh. Sau khi ngâm đủ thời gian, dùng miếng vải mịn bọc hỗn hợp cơm lại, lọc bỏ xác cơm, chỉ lấy phần nước.Pha mỗi bát nước cơm với 3/4 bát đường thành hỗn hợp rồi khuấy đều cho đến khi tan. Cho hỗn hợp nước cơm và đường vào nồi, đặt lên bếp nấu trong khoảng thời gian 20 phút với mức lửa vừa phải. Tắt bếp nấu, cho nồi sang một bên và để nguội.
Dùng hỗn hợp đã nguội để pha thêm với men bia theo tỉ lệ 1/1. Hỗn hợp sẽ lên men trong thời gian từ 4 đến 7 ngày và bay mùi hương thơm sau 4 tuần. Trước khi lấy ra sử dụng, nên đun sôi lại hỗn hợp với lòng trắng trứng với tỷ lệ 40 cốc hỗn hợp thêm 2 lòng trắng trứng để thành giấm. Cuối cùng lấy giấm ra cho vào chai thủy tinh, để nguội và dùng dần.
Bên cạnh đó, mỗi ngày chỉ nên dùng 15 - 30ml giấm, chia ra uống sau mỗi bữa ăn chừng 20 phút; không được uống khi bụng đói vì làm thương tổn niêm mạc dạ dày và không được uống nhiều hơn số lượng quy định mỗi ngày. Có một số người do muốn giảm cân, giảm béo nhanh đã tăng số lượng giấm uống hàng ngày hoặc uống khi bụng đói sẽ gây nên ảnh hưởng nguy hại cho dạ dày.
Có thể pha loãng thêm với mật ong hay nước ép trái cây để dễ uống hơn. Ngoài uống giấm, có thể kết hợp giấm để chế biến các loại thức ăn khác như trộn rau xà lách, trộn gỏi, làm nộm, cho thêm vào món ăn...
Nếu uống với một số lượng giấm trực tiếp lúc đầu có thể gây ợ chua, có cảm giác cồn cào khó chịu trong bụng dễ dẫn đến nguy cơ viêm loét dạ dày; khi phát hiện tình trạng này xảy ra, phải ngưng ngay việc sử dụng giấm để giảm cân, giảm béo vì có thể phương pháp này không phù hợp.
Đặc biệt, những trường hợp dưới đây tuyệt đối không nên uống giấm để thực hiện giảm cân, giảm béo như:
- Đang sử dụng một loại thuốc để chữa bệnh nào đó vì có một số loại thuốc như sulfathiazole dễ bị kết tinh trong môi trường acid của giấm sẽ gây hại cho thận.
- Nếu dùng thuốc có tính kiềm, giấm sẽ làm cho hiệu lực của thuốc điều trị bị hạn chế và mất tác dụng.
- Khi bị thương tổn ở xương, nếu dùng giấm sẽ làm cho chỗ xương bị tổn thương lâu liền sẹo và gây đau đớn, nhức mỏi;
- Bệnh nhân sỏi mật khi uống giấm sẽ làm cho túi mật bị kích thích, co bóp và tạo nên cơn đau.
- Bệnh nhân bị viêm loét dạ dày - tá tràng nếu uống giấm nhiều sẽ làm cho bệnh lý ngày càng trầm trọng hơn.
Minh Hoa (t/h)