Theo Pháp luật TP.HCM, ngày 12/2/2018, Công an TP.HCM nhận được đơn trình báo của Công ty TNHH Helle Việt Nam có trụ sở tại quận 1, TP.HCM. Cụ thể, công ty này nợ công ty đối tác (ở Ấn Độ) 3 đơn hàng, tổng số tiền cần thanh toán là gần 7.000 Euro. Tháng 12/2017, Công ty Helle nhận được email đề nghị thanh toán tiền hàng trên do đối tác gửi. Đáng nói, công ty này phát hiện nội dung email đã gửi xuất hiện 2 hộp mail khác có dấu hiệu bất thường.
Sau đó, Công ty Helle tiếp tục nhận được email từ đối tác Ấn Độ với nội dung thay đổi tài khoản nhận tiền hàng. Đối tác Ấn Độ đề nghị chuyển tiền hàng qua tài khoản của một doanh nghiệp có trụ sở ở quận 1 (TP.HCM). Công ty Helle đã chuyển số tiền trên vào tài khoản như đối tác cung cấp. Tuy nhiên, sau đó phía đối tác Ấn Độ thông báo lại không gửi bất kỳ mail nào với nội dung như trên và cũng không nhận được tiền hàng.
Cơ quan điều tra sau đó xác định, tài khoản nhận số tiền trên do Trần Thị Ngọc Tâm lập và đối tượng Chime Obiora Walter (SN 1985, quốc tịch Nigieria) là mắt xích quan trọng trong vụ việc này. Khám xét nơi ở của 2 đối tượng, công an thu giữ 15 con dấu và nhiều tài liệu liên quan.
Tâm khai nhận được Obiora thuê đứng tên thành lập công ty để mua bán, vận chuyển hàng hóa ra nước ngoài. Sau đó, Tâm đã đứng tên thành lập 10 công ty, lôi kéo một người bạn tên Tuyết đứng tên lập thêm 5 công ty khác, toàn bộ con dấu do Obiora giữ. Hoàn thành công việc, Tâm được trả số tiền 1.000-2.000 USD/tháng. Qua điều tra, Tâm đã rút tiền cho Obiora 4 lần với số tiền giao dịch là 11 tỉ đồng. Trong số này, Tâm được hưởng 60 triệu đồng.
Công an nhân dân thông tin thêm, tháng 4/2018, Tuyết bị ngân hàng yêu cầu trả lại 767 triệu đồng do có nguồn gốc bất hợp pháp. Nghi ngờ việc Obiora nhờ mình là vi phạm pháp luật, Tâm và Tuyết trình báo sự việc với cơ quan điều tra.
Tại trụ sở điều tra, Obiora cho biết anh ta được một đối tượng không rõ lai lịch, ở Panama giao nhiệm vụ thành lập các công ty và mở tài khoản ngân hàng ở Việt Nam rồi gửi thông tin cho người này. Sau khi làm việc với bên thứ ba tại nước ngoài, tiền bất hợp pháp sẽ được chuyển vào các tài khoản của Obiora. Còn Tâm khai không biết Obiora thực hiện hành vi phạm tội. Việc đặt tên các công ty và quản lý con dấu đều do Obiora đảm nhận nên cơ quan chức năng quyết định không xử lý hình sự đối với Tâm và Tuyết.
Ngày 26/5, tại phiên sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Chime Obiora Walter 14 năm tù về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Minh Hoa (t/h)