18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi: Bộ Y tế nói "có thể do quy định của Nhật khắt khe"

18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi: Bộ Y tế nói "có thể do quy định của Nhật khắt khe"

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 2, 08/04/2019 15:23

Liên quan đến vụ việc hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su (tập đoàn Masan) bị thu hồi tại thành phố Osaka, Nhật Bản, bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) đã giải thích cụ thể về vấn đề này.

Axit benzoic có phải là chất cấm?

Những ngày qua, thông tin Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka (Nhật Bản) thu hồi 18.168 chai tương ớt Chinsu nhập khẩu Việt Nam, do có chứa chất phụ gia thực phẩm Axit benzoic chưa được kiểm định.

Thông tin này khiến người tiêu dùng Việt bày tỏ sự lo lắng. Theo kết quả phân tích của Viện nghiên cứu Công nghệ thực phẩm Tokyo, hàm lượng Axit benzoic trong các chai tương ớt Chinsu bị thu hồi ở mức 0,41-0,45 g/kg.

Mặc dù, Cục an toàn thực phẩm cho biết Axit benzoic là chất có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) mà Nhật Bản và Việt Nam đều là thành viên. Thế nhưng, không ít ý kiến băn khoăn phải chăng người tiêu dùng Việt đang phải chịu thiệt thòi khi tiêu chuẩn về việc sử dụng phụ gia khác hơn so với các nước?

Tiêu dùng & Dư luận - 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi: Bộ Y tế nói 'có thể do quy định của Nhật khắt khe'

Sản phẩm tương ớt Chin-su bị thu hồi ở Nhật (Ảnh: Osaka City).

Trước những băn khoăn này, sáng nay 8/4, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) để làm rõ vấn đề trên.

Nói về chất phụ gia Axit benzoic có được phép sử dụng trong thực phẩm hay không, bà Trần Việt Nga cho biết: “Axit benzoic là chất trong danh mục được phép sử dụng về phụ gia thực phẩm tại Việt Nam. Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (gọi tắt là Codex) cũng đã ban hành danh mục phụ gia thực phẩm, trong đó cũng cho phép sử dụng Axit benzoic trong các sản phẩm thực phẩm nói chung và trong tương ớt nói riêng.

Các quy định về phụ gia thực phẩm của Việt Nam hiện nay tuân thủ hoàn toàn theo các quy định của Codex. Hiện nay, cả Việt Nam và Codex cho phép sử dụng Axit benzoic ở mức tối đa là 1g/1kg sản phẩm”.

Tiêu dùng & Dư luận - 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi: Bộ Y tế nói 'có thể do quy định của Nhật khắt khe' (Hình 2).

Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng cục An toàn thực phẩm cho biết, lô tương ớt bị thu hồi vẫn nằm trong tiêu chuẩn cho phép của quốc tế.

Chiếu theo tiêu chuẩn của Codex so với hàm lượng axit benzoic được phát hiện trong tương ớt Chin-su bị Nhật thu hồi, thì lô tương ớt bị thu hồi vẫn nằm trong tiêu chuẩn cho phép của quốc tế. "Có thể quy định của Nhật khắt khe hơn", vị Phó Cục trưởng cục ATTP thông tin. 

Bà Nga cũng cho biết, đã gửi văn bản đến bộ NN&PTNT đề nghị xác minh chính thức nguồn thông tin về việc thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su ở Nhật Bản như những thông tin báo chí đề cập gần đây.

“Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa nhận được thông tin chính thức từ phía cơ quan quản lý của Nhật Bản cũng như từ hệ thống các cơ quan quản lý ATTP của quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh việc gửi văn bản sang bộ NN&PTNT thì chúng tôi cũng sẽ trực tiếp trao đổi với mạng lưới cơ quan ATTP quốc tế để xem xét các thông tin có liên quan”, bà Nga cho hay.

Cục an toàn thực phẩm lý giải về việc sử dụng axit benzoic trong tương Chin Su

Clip: Cục ATTP thông tin về chất phụ gia trong tương ớt Chin-su

Theo vị Phó Cục trưởng cục ATTP, chất Axit benzoic cũng được Nhật Bản sử dụng trong một số nhóm thực phẩm tại nước này: “Theo thông tin mà chúng tôi có được, quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm ở Nhật Bản phiên bản mới nhất cho phép sử dụng Axit benzoic là chất bảo quản được sử dụng trong một số nhóm thực phẩm như trong nước tương, siro, bơ thực vật, một số đồ uống có cồn và trứng cá”.

Còn về việc vì sao Nhật Bản lại cấm sử dụng Axit benzoic trong tương ớt, bà Trần Việt Nga cho rằng về nguyên tắc xây dựng tiêu chuẩn thực phẩm, sẽ dựa trên một số nguyên tắc nhất định, trong đó có tính toán đến thói quen sử dụng thực phẩm cũng như mức độ sử dụng các loại thực phẩm khác nhau. Nên có thể Nhật Bản sẽ có nghiên cứu riêng về các loại thực phẩm hay được sử dụng, cũng như từng loại thực phẩm sẽ đưa ra mức độ quy định cụ thể cho các sản phẩm thực phẩm của Nhật Bản.

Người tiêu dùng không nên lo lắng

Thông tin về việc hàng chục ngàn chai tương ớt Chin su bị thu hồi tại Nhật Bản đã khiến nhiều người tiêu dùng Việt lo lắng. Thậm chí, nhiều người cho rằng tiêu chuẩn của Nhật Bản khắt khe như vậy là để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, còn ở Việt Nam thì vẫn cho sử dụng Axit benzoic là chưa quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng Việt.

Bàn về vấn đề này, bà Trần Việt Nga khẳng định: “Các quy định về phụ gia thực phẩm hiện nay của Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với các quy định về phụ gia thực phẩm của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế.

Khi các phụ gia thực phẩm muốn được có mặt trong danh mục của quy định này thì cần phải thông qua Ủy ban về phụ gia thực phẩm của Codex, trong đó, sẽ thực hiện qua rất nhiều bước đánh giá về độ an toàn và cách sử dụng một cách nghiêm ngặt. Thông thường, để ban hành một quy định của Codex, phải thông qua 8 bước và thời gian sẽ từ 7 - 10 năm tùy loại phụ gia mới có thể được đưa vào trong danh mục của Codex”.

Cục ATTP khuyến cáo người dân không lo lắng tương Chin Su bị cấm ở Nhật

Clip: Cục ATTP khuyến cáo người dân

Trước những thông tin gây hoang mang cho người tiêu dùng Việt Nam về việc Axit benzoic có trong tương ớt, đại diện cục ATTP (bộ Y tế) khuyến cáo người dân không nên lo lắng về vấn đề này.

“Người dân phải hết sức bình tĩnh, lắng nghe các ý kiến của các cơ quan nhà nước. Khi chúng tôi ban hành những quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm và hàm lượng, đối tượng được sử dụng là hoàn toàn đáp ứng và phù hợp với quy định quốc tế cho nên người dân không nên quá lo lắng về điều này”, bà Nga nhấn mạnh.

Hoàng Bích - Thu Huyền

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.