Gia vị làm cho thức ăn ngon hơn nhằm kích thích vị giác, khứu giác, thị giác và hệ tiêu hóa. Tủ bếp của mọi nhà không thể thiếu đường, muối, bột canh, hạt nêm, bột ngọt, mắm, tương,…Tuy nhiên, không phải cứ ăn nhiều gia vị là tốt. Đừng vì sở thích, mùi vị thức ăn mà bất chấp sức khỏe. Dưới đây là hai loại gia vị gây hại cho giấc ngủ bạn nên ăn đúng cách.
Ớt
Ớt là một trong những gia vị phổ biến nhất trên thế giới, giúp bữa ăn thêm ngon miệng. Ớt còn có giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng chữa bệnh. Tuy vậy, ăn ớt quá nhiều sẽ không có lợi cho sức khoẻ. Thậm chí, các chuyên gia y tế còn khuyên một số người không nên ăn ớt.
Tuy ớt có nhiều công dụng nhưng nếu ăn nhiều ớt quá thì lại có hại. Thức ăn cay vốn rất hại cho dạ dày, thần kinh, huyết áp… và còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ. Vì vậy, dù thích đến mấy người trẻ cũng nên bỏ thói quen ăn cay, ăn nhiều ớt để bảo vệ sức khỏe.
Ăn nhiều ớt làm cơ thể sinh nhiệt, nóng trong người, dẫn tới khó chịu, khó đi vào giấc ngủ. Đồng thời, nó gây ra chứng ợ nóng, dễ khiến bạn bồn chồn, ngủ không sâu giấc, bức bối và dễ thức giấc giữa đêm, ngủ dậy thấy cơ thể nặng nề, mệt mỏi.
Đặc biệt , tính cay nồng mạnh của ớt còn gây hưng phấn cao nên nếu bạn ăn trước giờ đi ngủ, khiến cho hệ thần kinh bị tác động. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn đồ cay trước khi ngủ sẽ dễ gặp ác mộng hơn bình thường. Nếu ăn liên tục lâu ngày dễ sinh mất ngủ mãn tính.
Khi ăn ớt thường xuyên sẽ dẫn tới tình trạng loét miệng hoặc nổi mụn nhọt, nóng rát ở hậu môn cũng như các cơ quan khác... Ngoài ra, trong bột ớt hoặc ớt tươi khi bị mốc sẽ hình thành chất độc aflatoxin, có khả năng gây ngộ độc và các bệnh ung thư.
Muối
Muối là một gia vị không thể thiếu trong chế biến các món ăn hàng ngày, nhưng nếu ăn quá nhiều sẽ rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, không đảm bảo bổ sung đủ lượng muối cơ thể sẽ ảnh hưởng tới các chức năng chủ yếu hoạt động của hệ thống thần kinh.
WHO khuyến cáo một người trưởng thành mỗi ngày nên sử dụng ít hơn 6g muối (1 thìa cà phê), nếu ăn nhiều hơn thì được gọi là ăn mặn. Trong khi đó, theo kết quả điều tra toàn quốc, trung bình một người Việt trưởng thành tiêu thụ 9,4g muối/ngày, cao hơn nhiều so với khuyến cáo.
Kết quả điều tra cho thấy 89,2% người nấu ăn luôn cho muối, mắm, gia vị mặn khác vào thực phẩm khi chuẩn bị, chế biến; 70% thường xuyên trộn, chấm mắm, muối, bột ngọt, nước tương và các gia vị có muối khác với thức ăn trong khi ăn (muối trên bàn ăn); 19,5% thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối như dưa, cà muối, mì ăn liền, đậu phộng rang muối, hạt điều mặn, thịt muối và các loại thịt chế biến khác (xúc xích, thịt xông khói, giò, chả...).
Chế độ ăn nhiều muối rất dễ gây ra bệnh huyết áp cao. Bệnh này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn và ngược lại, các trạng thái rối loạn giấc ngủ lại làm bệnh huyết áp nặng thêm. Bởi vì cao huyết áp thường gây ra các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, khó chịu khiến người bệnh khó vào giấc, trằn trọc trong đêm và hậu quả là thiếu ngủ, mất ngủ. Ngủ không đủ giấc khiến cơ thể không được nghỉ ngơi lại khiến huyết áp tăng lên chóng mặt và rồi lại mất ngủ.
Nếu tiêu thụ quá nhiều muối khiến cơ thể của bạn giữ lại chất lỏng. Tăng lượng chất lỏng trong cơ thể có thể góp phần làm tăng sự rối loạn giấc ngủ nên khiến bạn cảm thấy khó ngủ sâu và mệt mỏi khi tỉnh dậy vào buổi sáng.
Ăn nhiều muối cũng là 1 trong những nguyên nhân dẫn tới chứng ngưng thở khi ngủ, hay thường gọi là ngủ ngáy. Bệnh nhân thường xuyên bị ngưng thở khi ngủ sẽ làm cho chất lượng của giấc ngủ kém dẫn đến vô cùng mệt mỏi khi tỉnh dậy.
Cuối cùng, bản thân việc dư thừa natri có thể gây ra những thay đổi trong các mạch thần kinh quan trọng trong não. Từ đó làm bạn khó ngủ, ngủ chập chờn, hay gặp ác mộng, tinh thần bất ổn khi tỉnh dậy.
Ngoài rối loạn giấc ngủ, ăn nhiều muối gây ra 1 loạt vấn đề sức khỏe khác. Tiêu biểu như gây bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh thận, bệnh xương khớp, bệnh dạ dày…
Trúc Chi (tổng hợp)