Trao đổi trên chương trình "Hiệp hội cựu sinh viên Y tế 57", bác sĩ Chen Huangguang - Giám đốc Khoa Y tế Dự phòng của Cathay Pacific (Đài Loan, Trung Quốc) - chỉ ra 3 loại thực phẩm mà ông rất ít khi ăn là bánh ngọt, đồ chiên rán và trà sữa trân châu.
Nguyên nhân là do đường thường dùng trong các loại bánh ngọt có chứa chất béo chuyển hóa có hại cho sức khỏe, đặc biệt là chất béo chuyển hóa có hại cho bệnh tim mạch.
Ông cho biết các món chiên như gà rán, bít tết có hại cho sức khỏe nên ông sẽ cố gắng hạn chế đến mức tối thiểu. Ông còn nhấn mạnh trà sữa trân châu chứa quá nhiều đường không chỉ gây béo phì mà còn gây viêm mãn tính.
Bác sĩ còn tiết lộ, khi gọi đồ uống, nếu bạn gọi đồ uống trái cây có tính axit cao như chanh, cam, chanh leo... thì sẽ có nhiều đường được thêm vào trong quá trình pha chế để che đậy vị quá chua, từ đó làm tăng thêm tác hại cho cơ thể.
Tác hại của bánh ngọt và thực phẩm chiên rán
So sánh thực phẩm chiên ngập dầu với thực phẩm chế biến bằng một số phương pháp nấu ăn khác thì thực phẩm chiên rán bổ sung khá nhiều calo. Đó là bởi vì thực phẩm chiên thường được phủ một lớp bột trước khi chiên. Ngoài ra, trong quá trình chế biến, dầu sẽ thay thế nước tự nhiên trong thực phẩm càng làm tăng hấp thụ chất béo và tăng lượng calo.
Ví dụ: Một củ khoai tây nướng thông thường chứa khoảng 90 calo và không có chất béo. Cùng một lượng khoai tây sau khi chiên chứa tới 320 calo và 17 gam chất béo.
Đặc biệt, thực phẩm chiên thường có nhiều chất béo chuyển hóa, có tác động tiêu cực đến sức khỏe. Chất béo chuyển hóa được hình thành khi chất béo không bão hòa trải qua quá trình hydro hóa. Chất béo hydro hóa làm tăng tính ổn định và thời hạn sử dụng, đó là lý do tại sao chúng thường được tìm thấy trong thực phẩm chế biến với nhiệt độ cao.
Chất béo chuyển hóa rất khó để cơ thể chúng ta phân hủy và dẫn đến những tác động có hại cho sức khỏe, chẳng hạn như tăng nguy cơ mắc bệnh tim, béo phì, đái tháo đường và một số loại ung thư.
Một số nghiên cứu thực hiện ở người lớn đã phát hiện ra mối liên quan giữa việc ăn đồ chiên rán và nguy cơ mắc bệnh mãn tính. Ăn đồ chiên rán có liên quan đến nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim và béo phì cao hơn.
Đáng lo ngại hơn, việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chiên rán làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Vai trò gây ung thư tiềm ẩn của thực phẩm chiên rán đã được đề xuất bởi một số nghiên cứu bệnh chứng, tất cả đều cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc tiêu thụ thực phẩm chiên rán và nguy cơ ung thư, bao gồm ung thư hầu họng, ung thư dạ dày, ung thư túi mật và ung thư tuyến tiền liệt.
Theo các nghiên cứu, acrylamide được sinh ra một cách tự nhiên khi thực phẩm có nguồn gốc từ tinh bột giàu acid amine được chiên rán, nướng ở nhiệt độ cao như khoai tây chiên, bim bim, snack, bánh mỳ nướng bị cháy… Việc tiêu thụ nhiều acrylamide có thể khiến cơ thể đổ mồ hôi, đi tiểu không kiểm soát, buồn nôn, đau mỏi cơ,… thậm chí gia tăng nguy cơ ung thư.
Tương tự, các loại bánh ngọt cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe. Nếu dung nạp quá nhiều đường trong thời gian dài sẽ có những tác động xấu cho thể trạng như tim mạch, béo phì, gan, ung thư...
Nghiên cứu với 430.000 người đã chỉ ra rằng những người ăn quá nhiều đồ ngọt có mối liên hệ mật thiết với sự gia tăng nguy cơ bị ung thư ruột non, ung thư màng phổi và ung thư thực quản. Ngoài ra, cũng đã có nghiên cứu khác nhận thấy phụ nữ khi ăn bánh quy và bánh ngọt trên 3 lần/tuần có nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung cao gấp 1,42 lần so với nhóm phụ nữ tiêu thụ loại đồ ăn này dưới 1 lần/tuần.
Người có thói quen ăn uống quá nhiều đồ ngọt sẽ có nguy cơ bị béo phì, viêm và kháng insulin. Đây đều là những yếu tố nguy cơ đối với bệnh ung thư. Những mối liên quan này cho thấy rằng ung thư chính là một nguy cơ bệnh tật do ăn uống nhiều đồ ngọt mà tất cả chúng ta không thể chủ quan.
Tác hại của trà sữa
Theo tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, trà sữa thông thường gồm 3 thành phần chính là trà, sữa, trân châu.
Các loại trà cơ bản thường được sử dụng trong trà sữa bao gồm trà đen, trà xanh, trà trắng và trà ô long. Nếu sử dụng trà chất lượng tốt, chúng chứa nhiều các chất chống oxy hóa tác dụng chống viêm và chống ung thư. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng lại thường tẩm thêm hương liệu (hương nhài, hương sen) vào trà để trà có thêm hương vị hấp dẫn.
Nếu không sử dụng đúng loại trà hoặc hương liệu thực phẩm nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có thể các loại hương liệu trên sẽ có các hóa chất độc hại (hóa chất hương nhài có gốc từ penzylacetat, hương sen từ P - dimethoxy penzin, đều là những chất độc hại gốc hữu cơ).
Về thành phần sữa trong cốc trà sữa, trừ những thương hiệu nổi tiếng sử dụng các loại sữa tươi, sữa đặc thì đa số thương hiệu nhỏ đều dùng kem béo (không phải sữa). Loại kem béo này so với sữa thì lượng canxi, vitamin A, D, hàm lượng protein rất thấp.
Kem béo này chứa rất nhiều dầu thực vật được hydro hóa, có thể gây tác động tiêu cực tới sức khỏe như làm tắc mạch máu, tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt.
Thành phần thứ 3 trong trà sữa là trân châu, hạt này chủ yếu là tinh bột lọc hoặc tinh bột sắn (chiếm khoảng 80%), đường cô đặc, hương liệu thực phẩm và chỉ có dưới 1% thành phần của trân châu là chất xơ và protein.
Do thành phần chủ yếu là từ tinh bột nên dù nhìn những hạt trân châu này nhỏ bé, nhưng lại nhiều năng lượng. Một hạt trân châu chứa tới 5-14 kcal mỗi viên. Thông thường, một cốc trà sữa thường được thêm 2 thìa trân châu, có thể cung cấp tới 100 kcal. Tuy nhiên, về cơ bản, trân châu thiếu hụt nhiều vitamin và khoáng chất, và gần như không có giá trị dinh dưỡng nào.
Một ly trà sữa trân châu có thể chứa tới 50g đường (cung cấp 200 kcal calo). Đó là chưa kể tới lượng calo mà sữa và trân châu đem lại.
Ngày nay, thành phần của trà sữa không chỉ có trân châu mà còn được bổ sung thêm nhiều loại đồ đi kèm (thường được gọi là topping), ví dụ như pudding trứng, kem phô mai, thạch… Tùy từng loại mà lượng calo trong mỗi loại sẽ tăng lên hoặc giảm đi, so với trân châu, kem phô mai có thể sẽ chứa nhiều năng lượng hơn, thạch có thể sẽ chứa ít năng lượng hơn.
Nếu uống trà sữa hương vị hoa quả, các cửa hàng còn cho thêm siro trái cây. Đây cũng là nguồn cung cấp calo cho cơ thể. Tổng cộng, một ly trà sữa trân châu có thể cung cấp tới 335 kcal.
Lứa tuổi học sinh đang là lứa tuổi cần tích lũy chất dinh dưỡng, thì việc uống quá nhiều trà sữa có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự phát triển.
Bên cạnh những nguy cơ năng lượng dư thừa, trà sữa cũng có những nguy cơ sức khỏe nếu các thành phần trong loại đồ uống này không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Một số cửa hàng trà sữa trân châu vì lợi ích không dùng bột trà tự nhiên mà chế từ bột màu. Hương vị không khác với trà tự nhiên nhưng nó tạo ra từ các chất tổng hợp hóa học.
Nếu tinh trà trong trà sữa không vượt quá tiêu chuẩn và sử dụng hạn chế thì không nguy hại nhiều tới sức khỏe. Còn dùng thường xuyên trong thời gian dài, chúng sẽ gây thương tổn cho chức năng của gan, thận.
Thành phần chủ yếu của trà sữa là dầu thực vật hydro hóa, một loại axit béo dạng trans. Loại axit này sẽ làm giảm lượng hormone nam giới, khống chế sức sống của tinh trùng.
Nhiều người vì yêu thích món trà sữa nhưng sợ nguồn gốc không đảm bảo nên mua nguyên liệu về tự chế. Sữa kết hợp với trà không đúng cách sẽ làm triệt tiêu các công dụng của trà. Các protein casein trong sữa sẽ làm suy giảm các hợp chất có tác dụng bảo vệ cơ thể chống các bệnh tim mạch có trong trà.
Ngoài ra, đồ uống này còn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm nếu các thành phần, nguyên liệu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh nguy cơ thừa năng lượng, gây tổn thương gan, thận và vô sinh, trà sữa được sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể gây ngộ độc cho người sử dụng. Vấn đề này không đến từ trà sữa mà đến từ việc sản xuất cũng như nguồn gốc của nguyên liệu tạo ra loại đồ uống này.
Minh Hoa (t/h)