Su hào là loại củ được nhiều người yêu thích. Su hào giàu canxi, kali, sắt, photpho, mangan và đồng – những khoáng chất cần thiết để duy trì cơ thể khỏe mạnh.
Hàm lượng kali trong su hào cao giúp kiểm soát được nhịp tim và làm giảm nguy cơ các vấn đề liên quan đến tim mạch. Uống nước ép su hào sau mỗi bài tập thể dục cho hệ tim mạch để đạt hiệu quả cao hơn.
Dù mang tới nhiều lợi ích bất ngờ cho sức khỏe, tuy nhiên, không phải bất cứ ai, bất cứ khi nào cũng có thể ăn su hào. Dưới đây là những lưu ý khi ăn su hào:
- Ăn nhiều su hào gây hao tổn khí huyết
Theo Đông y, su hào có tính mát, vị ngọt hơi đắng, có tác dụng hóa đờm, giải khát, giải độc, lợi thủy, tiêu viêm... Chủ yếu dùng chữa nước tiểu đục, đi ngoài ra máu, nhọt độc không rõ nguyên nhân, tỳ hư hỏa vượng, trúng phong bất tỉnh.
Song theo các bác sỹ Đông y vì su hào có tác dụng giải độc, lợi tiểu nên khi ăn nhiều sẽ khiến quá trình thanh lọc diễn ra mạnh làm cơ thể hao tổn khí huyết.
- Người bị bệnh tuyến giáp
Su hào có thể chứa goitrogens, các hợp chất thực vật thường gặp trong các loại rau họ cải bắp như bông cải, súp lơ… có thể gây sưng tuyến giáp. Cho nên những người bị rối loạn chức năng tuyến giáp không nên bổ sung thực phẩm này vào bữa ăn.
- Người đau dạ dày, trẻ em
Su hào ăn sống sẽ giữ được hàm lượng các dưỡng chất cao hơn, tuy nhiên với những người khó tiêu hóa nó có thể gây đau bụng. Kể cả những người bị đau dạ dày, trẻ nhỏ không nên cho món nộm su hào sống hoặc ăn sống trực tiếp.
Cách chọn và mua su hào
- Hạn chế lựa chọn những củ có màu sắc quá mỡ màng, vỏ láng bóng, tươi một cách bất thường vì có thể chúng đã hấp thụ một lượng đáng kể hóa chất bảo vệ thực vật và thuốc kích thích tăng trưởng.
- Nên chọn những củ có kích thước từ trung bình đến nhỏ, có nhiều lá non vì su hào non thường ngọt và mềm hơn.
- Lựa chọn những củ còn nguyên vẹn, màu sắc tự nhiên, tươi, cầm chắc và nặng tay, không giập hoặc nứt vỏ, không héo úa, không có mùi vị lạ.
Tiểu Phi (Tổng Hợp)