Biển Sơn Trà, TP.Đà Nẵng, ngày 13/3/2018, nắng lên nhẹ. Cuối con đường Đặng Nhữ Lâm, cờ phũ, đèn hoa được kết tự lúc nào mà đỗi trang trọng, linh nghiêm. Hôm nay đây, triệu trái tim con người hướng về nơi đặt anh linh 64 liệt sĩ Gạc Ma trong lễ cầu siêu. 30 năm trước (ngày 14/3/1988), tàu Trung Quốc đã nổ súng cưỡng chiếm đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa, Việt Nam) và 64 cán bộ chiến sĩ của Hải quân Việt Nam đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ.

Hôm nay đây, những người ở lại, họ gặp lại nhau trong giây phút lịch sử. Các anh người từ Quảng Bình, Bình Định, ... hội ngộ về đây. Trong lễ giỗ chung của 64 đồng đội, những ký ức vuông tròn về 30 năm trước tái hiện rõ ràng.
Tại lễ cầu siêu có 64 liệt sĩ được ghi tên đầy đủ, đánh số thứ tự. Những bài vị màu xanh nước biển là tên tuổi của các thuyền trưởng, chỉ huy trưởng các tàu. Kể từ ngày các anh nằm xuống, năm nay, ngày 14/3 tức ngày 27 tháng Giêng Âm lịch trùng khớp hoàn toàn với 30 năm trước.
Cựu binh Nguyễn Văn Thống (quê tỉnh Quảng Bình) là 1 trong 9 người bị Trung Quốc bắt giữ làm tù binh suốt 3 năm trời sau hải chiến Gạc Ma. Giờ đây, người cựu binh này đã già, đôi mắt đã hỏng vì những năm tháng ở trong ngục tù. Chắp đôi tay không còn vẹn nguyên, ông Thống lặng lẽ cầu nguyện cho đồng đội.
Đại lễ cầu siêu diễn ra với sự tham dự của nhiều người. Những đồng đội ở Hải quân dù chưa từng quen biết vẫn đến dự, thắp lên nén hương thơm trước anh linh các liệt sĩ.
Hình bóng người mẹ già, người đồng đội nghẹn ngào trong lễ cầu siêu khiến trái tim những người chứng kiến nhói đau.
Sau nghi lễ cầu siêu trang nghiêm, đồng đội thả vòng hoa xuống biển để tưởng niệm 64 liệt sĩ. Năm nào cũng vậy, những nghi lễ này giúp người còn sống vơi đi nỗi nhớ, nỗi buồn. 64 anh linh liệt sĩ với 1 vòng tròn bất tử bảo vệ Trường Sa còn mãi trong ta.

64 liệt sĩ Gạc Ma hy sinh khi tuổi đời thanh xuân. Nhiều người còn vĩnh viễn nằm lại nơi Trường Sa máu thịt. Ở đất liền, người mẹ, người cha của các anh nén đau thương hóa tự hào. Ngày mai (14/3), các cựu binh, người thân liệt sĩ sẽ gặp mặt nhằm ôn lại truyền thống, kỷ niệm xưa đồng thời thăm hỏi động viên cán bộ chiến sĩ, từng tham gia, phục vụ chiến đấu trong sự kiện Gạc Ma xưa.
