Đau họng
Mùa thu là thời điểm dễ bị viêm họng. Theo People, nguyên nhân đầu tiên giải thích hiện tượng này là do sự thay đổi đột ngột của thời tiết khiến cơ thể không kịp thích ứng, từ đó ảnh hưởng tới các cơ quan hô hấp.
Bên cạnh đó, thói quen sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu và cà phê thường xuyên, ăn nhiều đồ đông lạnh, chiên cay và khó tiêu cũng dẫn tới viêm họng. Ngoài các lý do trên, tinh thần mệt mỏi cũng làm giảm sức đề kháng và làm tăng nguy cơ viêm họng.
Để ngăn ngừa viêm họng vào mùa thu bạn cần ăn đủ một ngày ba bữa. Không nên ăn quá nhiều vào buổi tối, ít nhất là không ăn trong vòng hai giờ trước khi đi ngủ, tránh hút thuốc và ăn đồ cay nóng.
Mỗi ngày, bạn nên uống ít nhất hai lít nước khoáng để cơ thể luôn tràn đầy sức sống. Lưu ý thường xuyên bổ sung khoáng chất từ các loại rau củ như nấm, rau cải xanh.
Cảm cúm
Bệnh cảm cúm có thể kéo dài từ vài ngày tới vài tuần. Triệu chứng bệnh là sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau đầu, ho, sụt sịt, đau họng. Nếu không điều trị dứt điểm, bệnh có thể trở nặng và chuyển thành viêm phế quản hoặc viêm phổi.
Để phòng bệnh, bạn nên thường xuyên rửa tay, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Ngoài ra, bạn nên có chế độ ăn, ngủ điều độ, cố gắng không để căng thẳng quá.
Khi bị bệnh, bạn hạn chế ra chỗ đông người, che mũi, miệng khi ho, hắt xì hơi.
Bệnh nhân bị cảm cúm cần được nghỉ ngơi, thư giãn ở những nơi thoáng khí, tránh gió, tránh nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, không nên cho bệnh nhân nằm phòng máy lạnh vì sẽ khiến bệnh cảm cúm khó thuyên giảm và làm cho các triệu chứng khản cổ, khàn tiếng trầm trọng thêm.
Bệnh dị ứng
Giao mùa, thời tiết khô hanh xuất hiện nhiều dị nguyên trong môi trường như phấn hoa, bụi bông, lông súc vật, khói... là những tác nhân gây các chứng dị ứng như: Viêm da dị ứng, mề đay, viêm kết mạc, hen phế quản... Để phòng bệnh, cần tránh tiếp xúc với những chất gây dị ứng. Giữ vệ sinh cơ thể (nhất là đường mũi họng) và môi trường sống sạch sẽ, tinh thần thoải mái để hạn chế mắc bệnh.
Bệnh về tiêu hóa
Khi thời tiết giao mùa, sức đề kháng của cơ thể giảm nên khó chống lại ảnh hưởng của các vi khuẩn gây bệnh, do đó, hệ tiêu hóa càng bị ảnh hưởng nặng nề, nguy cơ loét dạ dày tá tràng tăng. Các chứng bệnh như đầy hơi, chậm tiêu, hội chứng ruột kích thích cũng luôn gây khó chịu cho mọi người. Để giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh về tiêu hóa, nên có chế độ ăn uống khoa học đúng giờ, không bỏ bữa, không hút thuốc.
Một số biện pháp đơn giản để phòng các bệnh đường hô hấp
Thực hiện tốt 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đeo khẩu trang đúng cách khi tiếp xúc với những người mắc bệnh hoặc đeo khẩu trang khi ra đường, tới những khu vực công cộng.
Vệ sinh tay sạch sẽ là cách tốt để ngăn virus có cơ hội xâm nhập vào cơ thể.
Tránh tiếp xúc với người bệnh.
Thời tiết giao mùa cần tăng cường chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và mọi người trong gia đình.
Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, tạo không gian thoáng mát, lưu thông không khí, tránh ở những nơi có độ ẩm cao vì đây chính là điều kiện thuận lợi để cho mầm bệnh phát triển.
Chú ý bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Tập thể dục thể thao, vận động thường xuyên để ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp.
Trong trường hợp bị nhiễm bệnh về đường hô hấp, cần đi khám và điều trị sớm để phòng ngừa nguy cơ bệnh diễn tiến nặng hơn thành mạn tính, nguy hiểm.
Trúc Chi (t/h)