Những lợi ích sức khỏe khi ăn khoai lang
Khoai lang là loại thực phẩm quen thuộc với đa số người dân Việt Nam. Ở nước ta có nhiều loại khoai lang được trồng ở khắp nơi như khoai lang trắng, khoai lang tím, khoai ruột vàng.
Khoai lang rất dễ chế biến thành nhiều món ăn dân dã như luộc, nướng, làm mứt, làm bánh, nấu chè,…
Chia sẻ với Sức khỏe & Đời sống, TS. Nguyễn Việt Hoàng, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Hà Nội cho biết, khoai lang được cho là loại thực phẩm bình dân nhưng có nhiều giá trị tuyệt vời.
Trong 100g củ khoai tươi có chứa 109 calo, 24,6% tinh bột, 4,17% glucoza. Khoai còn tươi chứa 1,3% protein, 0,1% chất béo, các khoáng chất như mangan, canxi, đồng, các vitamin A, B, C,...
Với thành phần dinh dưỡng phong phú, khoai lang có nhiều lợi ích sức khỏe như:
-Tốt cho sức khỏe tim mạch
Khoai lang có một số đặc tính giúp duy trì sức khỏe tim mạch. Trong củ khoai lang có chất anthocyanin, đặc biệt ở phần vỏ có chứa nhiều anthocyanin hơn trong phần ruột.
Theo nghiên cứu của David Heber, Đại học Havard (Hoa Kỳ), chất anthocyanin có thể giảm thiểu các cơn đau tim do đột quỵ và ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông trong lòng mạch.
-Tăng cường tiêu hóa
Khoai lang có nhiều chất xơ, giúp hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón. Chúng cũng chứa các enzyme giúp phân hủy protein và giúp quá trình tiêu hóa hiệu quả hơn.
-Kiểm soát lượng đường trong máu
Khoai lang có chỉ số đường huyết thấp nên không gây tăng đột biến mức đường huyết khi ăn. Vì vậy, khoai lang rất thích hợp cho người bệnh tiểu đường hoặc muốn kiểm soát đường huyết.
-Cải thiện thị lực
Hàm lượng vitamin A cao trong khoai lang giúp tăng cường thị lực và ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng do tuổi tác.
-Tăng cường hệ thống miễn dịch
Sự kết hợp của vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa trong khoai lang giúp tăng cường hệ miễn dịch. Kết hợp khoai lang vào chế độ ăn uống của bạn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và cải thiện sức khỏe tổng thể.
-Hỗ trợ giảm cân
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Đánh giá phê bình về Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng, trong khoai lang chứa nhiều tinh bột kháng – chất này có thể hỗ trợ giảm cân hoặc duy trì cân nặng theo một số cách. Một trong những cách là nó giải phóng các peptide khiến cơ thể bạn nhận biết được sự thèm ăn, đồng thời nó cũng làm giảm lượng chất béo được lưu trữ trong các tế bào mỡ.
Những nhóm người không nên ăn khoai lang
Dù có nhiều tác dụng như vậy nhưng với một số người, ăn khoai lang lại có thể gây hại cho sức khỏe.
-Người bị bệnh thận
Khoai chứa nhiều chất xơ, kali, vitamin A. Người mắc bệnh thận, chức năng loại bỏ lượng kali dư thừa bị hạn chế, do đó ăn khoai lang có thể gây rối loạn nhịp, yếu tim.
-Người có bệnh về dạ dày
Người mắc bệnh về dạ dày khi ăn khoai lang, đặc biệt là lúc đói bụng rất dễ làm kích thích tiết axit dạ dày, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Điều này sẽ dễ dẫn đến những triệu chứng như đau bụng, viêm loét dạ dày.
Vì vậy những người mắc các bệnh về dạ dày, nhất là dạ dày mãn tính không nên hoặc hạn chế ăn khoai lang thường xuyên để tránh được những cơn đau dạ dày không mong muốn.
-Người có hệ tiêu hóa kém
Người có hệ tiêu hóa kém ăn nhiều khoai lang có thể dẫn đến tăng tiết dịch vị, gây nóng ruột, ợ chua, chướng bụng. Ăn khoai lang buổi tối dễ bị trào ngược, nhất là với người dạ dày yếu hoặc người già tiêu hóa kém, dễ đầy bụng. Ngoài ra, về đêm, cơ thể thường trao đổi chất thấp nên ăn khoai khó tiêu hóa dẫn đến mất ngủ.
Để tránh tình trạng này, bạn nên nấu, luộc, nướng thật chín hoặc cho thêm ít rượu vào nấu để phá hủy chất men. Nếu bị đầy bụng, có thể uống nước gừng để cảm thấy dễ chịu hơn.
-Người đang đói
Trong khoai lang có chứa một lượng đường lớn. Nếu ăn quá nhiều khoai lang, đặc biệt là ăn vào lúc đói có thể làm tăng mức độ tiết dịch vị của dạ dày, gây nóng ruột, ợ hơi, đầy bụng, khó chịu.
Để tránh nguy cơ gặp phải tình trạng này, tốt nhất bạn nên nấu, luộc hoặc nướng chín kỹ khoai lang. Đặc biệt là không nên ăn khoai lang khi đói để hạn chế nguy cơ bị nóng ruột, ợ hơi.
Minh Hoa (t/h)