Theo Thanh niên, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến hết năm 2018, cả nước có khoảng gần 20 triệu người đã cài đặt các ứng dụng ví điện tử, trong đó có 4,2 triệu ví đã liên kết với tài khoản NH. Theo quy định hiện nay, để liên kết ví điện tử với tài khoản NH, người dùng có thể lựa chọn liên kết bằng thông tin thẻ ATM hoặc thông qua NH điện tử (Internet Banking).
Dù lựa chọn phương thức nào, để có thể liên kết thành công, khách hàng đều phải có đầy đủ các thông tin để doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ ví điện tử và NH xác minh là chính chủ, bao gồm thông tin NH và mã xác nhận (OTP). Hay nói cách khác, để sử dụng được ví điện tử, khách hàng luôn phải có số điện thoại và số tài khoản NH. Mà muốn có tài khoản NH và số điện thoại di động, khách hàng phải cung cấp các thông tin xác minh nhân thân theo quy định với nhà mạng và NH trước đó.
Thế nhưng trong hồ sơ mở ví điện tử, dự thảo vẫn yêu cầu các DN ví điện tử phải thực hiện định danh hay xác thực khách hàng bằng cách nộp chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ thành lập DN (đối với ví điện tử của DN).
Nếu quy định này được ban hành, ít nhất 4,2 triệu người đang sử dụng ví điện tử sẽ phải làm lại thủ tục khai báo bổ sung thông tin.
Câu chuyện này tương tự năm trước, Nghị định 49/2017 của Chính phủ yêu cầu các khách hàng di động phải bổ sung thông tin, trong đó có cả ảnh chụp chân dung chính chủ. Dư luận có phản ứng vì cho rằng yêu cầu ảnh chụp là không cần thiết do chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu đã có ảnh của chủ thuê bao. Vì vậy sau khi tiếp nhận các ý kiến phân tích, đánh giá, chính Bộ Thông tin - Truyền thông cũng cho rằng, việc chụp ảnh, bổ sung ảnh chụp không thật sự mang lại ý nghĩa trong công tác quản lý.
Vì sự an toàn của khách hàng
Trao đổi với Tuổi trẻ, ông Phạm Tiến Dũng, vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, cho biết thời gian qua ví điện tử đã phát triển vượt bậc. Đến nay có khoảng 5 triệu tài khoản ví điện tử. Chính việc phát triển rất nhanh của ví điện tử cũng đặt ra vấn đề làm sao đảm bảo an ninh an toàn trong giao dịch.
"Trong giao dịch điện tử, sợ nhất là không xác định được danh tính, xảy ra việc lợi dụng ví cho những hoạt động bất hợp pháp. Nhưng khó nhất là vấn đề định danh như thế nào? Nếu qua số điện thoại, người dùng sẽ lách bằng cách sử dụng sim rác, như vậy cũng không định danh được.
Muốn định danh bằng số điện thoại, trước tiên phải loại bỏ sim rác vì sim rác không xác định được danh tính, người dùng mất tiền thì không đòi được quyền lợi" - ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, NHNN đã quy định ví điện tử phải kết nối với tài khoản NH. Tại dự thảo thông tư sửa đổi thông tư 39 về dịch vụ trung gian thanh toán, NHNN đã đưa thêm một số ràng buộc, như về hạn mức giao dịch cũng như cung cấp thông tin để định danh.
"Tại sao phải đưa ra quy định này? Vì hiện có những ví điện tử có đến hàng triệu khách hàng, nếu lộ ra thông tin sẽ như thế nào? Phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Các ví điện tử cũng phải chia sẻ với NHNN, không nên chỉ vì mục tiêu trước mắt mà không tính đến những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai" - ông Dũng đề nghị.
Ngoài ra, ông cũng khẳng định khi NHNN lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung thông tư 39 hướng dẫn về hoạt động trung gian thanh toán, có ý kiến cho rằng NHNN siết ví điện tử, nhưng quan điểm của NHNN là sẽ có chính sách đặc biệt cho ví điện tử phát triển chứ không kìm hãm.
Lo trùng lắp?
Đại diện một doanh nghiệp ví điện tử cho rằng ví điện tử phải kết nối với tài khoản NH. Mà khi mở tài khoản NH, khách hàng đã phải cung cấp đầy đủ thông tin, bao gồm cả CMND.
Như vậy, khách hàng đã được xác minh nhân thân từ khi mở tài khoản NH nên việc yêu cầu phải nộp thêm CMND để định danh là không cần thiết và trùng lắp, bởi có thể xác thực khách hàng thông qua các thông tin định danh đã có tại NH hoặc nhà mạng.
Hơn nữa, nếu áp dụng quy định này, khoảng 5 triệu người đang sử dụng ví điện tử sẽ phải làm thủ tục khai báo bổ sung thông tin, gây áp lực rất lớn. Do đó, theo vị này, với những ví điện tử đã kết nối với tài khoản NH, không cần lặp lại yêu cầu xác thực người dùng.
"Ví điện tử hiện đã phổ biến, có đến hàng triệu khách hàng, việc nộp các chứng từ trên sẽ thực hiện theo phương thức nào, đến tận nơi hay thông qua NH hoặc nộp qua mạng?" - vị này băn khoăn.
Về phía người dùng, chị Thu Nga (Q.Phú Nhuận) cho biết khi mở ví điện tử đã phải kê khai các thông tin như ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số điện thoại, số CMND, ngày cấp, nơi cấp với NH. Đặc biệt, số điện thoại phải là số dùng để đăng ký dịch vụ NH điện tử hay thẻ ghi nợ liên kết với ví thì NH mới cho nạp tiền vào tài khoản, tức là đã kê khai mọi thông tin cá nhân rồi.
"Thay vì yêu cầu khách hàng kê khai lại, nên có cơ chế xác thực giữa đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử và NH để thuận tiện cho người dùng" - chị Thu Nga nói.
Tốn 1.260 tỷ, liệu có cần thiết?
Theo quan điểm của NHNN, cơ chế xác thực người dùng là cần thiết để đảm bảo an toàn cho thanh toán điện tử, tránh để ví điện tử bị lợi dụng bởi các hoạt động bất hợp pháp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, hoàn toàn có thể xác thực khách hàng thông qua các thông tin định danh đã có tại NH hoặc nhà mạng, không cần thiết phải yêu cầu họ thực hiện thủ tục khai báo tốn kém thời gian, chi phí.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ tài chính NH của Ernst & Young Việt Nam, cho biết chi phí thu thập thông tin định danh khách hàng khi mở một tài khoản NH vào khoảng 300.000 đồng, chưa kể chi phí duy trì, lưu trữ. Như vậy, để thực hiện lại việc khai báo thông tin khách hàng cho 4,2 triệu người dùng ví điện tử, chi phí ban đầu ước tính sẽ lên tới 1.260 tỷ đồng. Con số này chưa bao gồm những thiệt hại về ngày công lao động, thời gian, công sức khách hàng bỏ ra để làm thủ tục thực hiện hồ sơ mở ví.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư phát triển VN (BIDV), cho rằng NHNN cân nhắc phương án cho phép khả năng về cơ chế liên thông giữa NH hợp tác với DN cung cấp ví điện tử, để NH đã xác thực chủ tài khoản rồi có thể chia sẻ thông tin của khách hàng và không cần DN cung cấp ví điện tử phải xác thực lại. Các nhà băng có thể chia sẻ thông tin nếu được sự đồng ý của khách hàng, và DN ví điện tử có thể thỏa thuận với khách hàng để được đồng ý tại thời điểm mở ví điện tử.
Thanh toán điện tử là khâu then chốt để phát triển thương mại điện tử và kinh tế số. Do đó, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lí cho hoạt động này là rất cần thiết, một mặt cần đảm bảo an toàn cho người dùng, nhưng quan trọng hơn cần tạo thuận lợi để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, làm tiền đề cho cách mạng 4.0 theo đúng chủ trương của Chính phủ đề ra.
Quốc Tiệp (tổng hợp)