Cách nhận biết dưa chuột "tắm" thuốc sâu
Dưa chuột, cà tím hoặc những loại củ quả có lượng thuốc trừ sâu đậm đặc, bởi vậy, cách tốt nhất là rửa sạch, gọt vỏ ngoài mới ăn.
Dưa chuột là thực phẩm có vị ngọt mát, dễ ăn lại tốt cho sức khỏe và làm đẹp nên loại quả này được rất nhiều người yêu thích. Tuy nhiên nó luôn được liệt vào danh sách thực phẩm tồn dư nhiều hóa chất độc hại nhất. Do đó, để mua được dưa sạch người tiêu dùng nên bỏ túi những mẹo dưới đây.
- Đầu cuống tươi lâu: Phần đầu cuống của dưa bị phun nhiều thuốc nên thường tươi lâu. Kể cả bạn có để cả tuần, cắt quả dưa ra nó bị úng nước bên trong rồi cuống dưa vẫn tươi như thường. Trong khi đó, nếu là quả dưa nhà trồng ăn, không có nhiều thuốc thì chỉ cần để vài hôm là đã ngả vàng rồi.
- Không nên mua loại dưa chuột quá thẳng, hoặc phình to ở giữa: Khi chọn dưa chuột, bạn sẽ thấy dưa chuột thẳng và cong. Những người nông dân trồng rau cho biết, dưa chuột là loại rau mọc tự nhiên, do thuộc họ dây leo, cộng với nhiều yếu tố như ánh sáng, nhiệt độ, bón phân ... nên dưa chuột sẽ bị cong phần nào. Đối với loại thẳng sẽ trông đẹp hơn nhưng loại dưa này có thể bị nhân tạo can thiệp, vì vậy tốt nhất bạn không nên mua loại dưa chuột quá thẳng, nên chọn loại hơi cong, khi ăn sẽ không bị hôi.
- Quan sát lớp phấn trắng mỏng bên ngoài: Bình thường khi thu hoạch những quả dưa không có nhiều thuốc thường được bao phủ bởi một lớp phấn trắng mỏng bên ngoài. Tuy nhiên, nếu quả dưa nào bị "tưới" thuốc kích thích lên rồi mới hái thì lớp phấn này không còn.
- Để ý màu sắc: Khi chọn dưa chuột, đầu tiên chúng ta có thể nhìn vào màu sắc của dưa chuột, thông thường dưa chuột tươi phải có màu xanh và xanh đậm. Thông thường dưa chuột được trồng trong tự nhiên có nhiều ánh sáng mặt trời trong quá trình sinh trưởng nên màu đậm hơn, trong khi dưa chuột trong nhà kính, thời gian chiếu sáng ngắn, màu nhạt hơn nhiều so với dưa chuột trưởng thành tự nhiên. Vì vậy, tốt hơn là nên chọn màu xanh lá cây đậm và tránh chọn dưa chuột chứa hormone.
- Nhựa dưa chuột: Nếu quả dưa nào sạch, ít thuốc thì chỉ cần cắt ra bạn có thể cảm nhận được lớp nhựa khá dính, lúc lau thì có màu trắng sữa. Còn với những quả dưa mà đẫm thuốc thì lúc cắt ra nhựa thì ít mà nước thì nhiều, lau đi cũng chỉ hơi có màu trắng trong như nước yến thôi.
Cách rửa dưa chuột loại bỏ thuốc trừ sâu
Trước tình hình nghiêm trọng về sự mất an toàn của thực phẩm, theo đó khi chế biến cần rửa rau củ quả thật sạch. Việc thực hiện đúng quy trình này, các bà nội trợ có thể loại bỏ gần như hoàn toàn các vi khuẩn, thuốc trừ sâu hoặc thuốc tăng trưởng trên bề mặt rau củ. Tuy nhiên, việc ngâm, rửa rau củ dưới vòi nước không loại bỏ tất cả thuốc, độc tố nếu thuốc đã ngấm vào bên trong. Do đó, người tiêu dùng nên chọn những thực phẩm có nguồn gốc đảm bảo.
Bước 1: Loại bỏ các rau củ không nguyên vẹn và phần dính đất cát.
Bước 2: Ngâm trong nước riêng từng loại, vì mỗi loại có thời gian ngâm khác nhau.
Bước 3: Rửa lại dưới vòi nước chảy trong khoảng thời gian nào tùy theo từng loại thực phẩm.
Bước 4: Gọt bỏ vỏ nếu cần.
- Đặc biệt đối với dưa chuột bạn ngâm rau trong nước sạch từ 15-30 phút, sau đó rửa dưới vòi nước chảy mạnh ít nhất 30 giây cho mỗi cọng rau, quả.
- Một mẹo hay mà ai cũng có thể bỏ túi là dùng nước vo gạo để ngâm nhằm trung hòa các hóa chất độc hại có trong thuốc trừ sâu.
- Nếu không, bạn có thể dùng nước ấm để ngâm sẽ giúp phần lớn các loại độc tố bị loại bỏ ra khỏi bề mặt của rau quả.
- Gọt bỏ vỏ: Với các loại củ quả chứa nhiều thuốc trừ sâu như dưa leo, dưa chuột, cà tím, cà rốt…Cách tốt nhất người dùng nên rửa sạch và gọt bỏ vỏ trước khi ăn. Rửa sạch và gọt bỏ vỏ giúp loại bỏ hơn 96% các loại thuốc trừ sâu bám trên bề mặt rau củ quả.
Một số cách bảo quản dưa chuột lâu ngày
- Để nơi khô ráo: Loại quả này được khuyến cáo cần được giữ trong điều kiện sạch sẽ và khô ráo.
- Không gọt vỏ trước: Một cách khác để bảo quản dưa leo được lâu là không được gọt vỏ trước hoặc cắt. Bởi như vậy sẽ khiến dưa leo dễ bị hỏng hơn.
- Bảo quản với túi giấy hoặc giấy báo: Hãy cho dưa leo vào túi giấy hoặc giấy báo và bảo quản ở nơi thoáng mát. Tránh để dưa leo ở những nơi ẩm thấp, nắng nóng và tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
- Bảo quản với túi nhựa trong tủ lạnh: Khi tất cả dưa leo đã được bọc trong khăn giấy, hãy cho chúng vào túi nhựa. Đồng thời, không đậy kín túi để không khí lưu thông tốt và đặt vào ngăn dưới cùng trong tủ lạnh. Nếu bạn đang sử dụng hộp nhựa có khóa lật, hãy nhớ giữ phần trên của hộp nhựa mở ra để dưa leo vẫn có thể “thở” bình thường.
Trúc Chi (t/h)